Skip to main content

Ngành công thương đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thương mại điện tử

        Phát triển thương mại điện tử (TMĐT) là một trong những điều kiện tiên quyết để chuyển đổi số trong doanh nghiệp cũng như thực hiện quá trình phát triển kinh tế số. Chính vì vậy, thời gian qua, ngành công thương Lạng Sơn đã luôn đồng hành, thực hiện các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng TMĐT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

ss


Cán bộ Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, Sở Công Thương hỗ trợ đưa sản phẩm của các doanh nghiệp, hợp tác xã lên sàn giao dịch thương mại điện tử

          Hiện nay, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 tác động mạnh mẽ đến mọi ngành, mọi lĩnh vực, việc ứng dụng TMĐT đã trở thành một xu thế tất yếu, quyết định đến sự phát triển của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Để hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận và ứng dụng TMĐT hiệu quả, từ năm 2022 đến nay, Sở Công Thương chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại lựa chọn một số doanh nghiệp điểm để hỗ trợ, từ đó tạo sự lan tỏa trong cộng đồng doanh nghiệp.

Toàn tỉnh hiện có khoảng 3.930 doanh nghiệp, theo đánh giá của Sở Công Thương, đến nay có hơn 60% doanh nghiệp đã thực hiện các hình thức giao dịch TMĐT ở các cấp độ khác nhau như: sử dụng email, chữ ký số, hóa đơn điện tử, các website, mạng xã hội, sàn TMĐT để quảng bá sản phẩm và bán hàng…

          Theo đó, trung tâm đã tổ chức tập huấn và hỗ trợ 5 doanh nghiệp xây dựng website TMĐT phù hợp với mô hình, sản phẩm của doanh nghiệp; tư vấn cho các doanh nghiệp triển khai quy trình bán hàng trực tuyến; cách thức tích hợp công cụ thanh toán trực tuyến; cách thức quảng bá hiệu quả cho website TMĐT.

          Điển hình như Công ty TNHH Sản xuất và Đầu tư xuất nhập khẩu Đức Quý, xã Kim Đồng, huyện Tràng Định – một trong những đơn vị được hỗ trợ xây dựng website TMĐT, ông Nguyễn Quang Huy, Trưởng Phòng Kinh doanh của công ty cho biết: Năm 2022, công ty được Sở Công Thương hỗ trợ xây dựng website (https://thachdenducquy.vn/) và được hướng dẫn cách thức vận hành, quản trị. Từ khi có website, công tác quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ diễn ra dễ dàng, thuận lợi hơn. Công ty đã đưa các mẫu sản phẩm thế mạnh như: quy linh cao, thạch đen dạng bột… lên quảng bá, giới thiệu trên trang web và nhận được sự quan tâm của nhiều khách hàng. Hiện nay, trung bình mỗi tháng có hơn 200.000 lượt khách hàng, người dân truy cập vào website của công ty. Doanh thu bán sản phẩm đạt trên 1,2 tỷ đồng/tháng, tăng 40% so với trước khi chưa quảng cáo trên website TMĐT.

ss


Sở Công Thương phối hợp tổ chức tập huấn phát triển kinh doanh trên nền tảng mạng xã hội cho đoàn viên, thanh niên huyện Lộc Bình

          Cùng với việc hỗ trợ xây dựng website TMĐT, năm 2022, Sở Công Thương còn hỗ trợ 6 doanh nghiệp với 6 bộ ứng dụng One SME (phần mềm hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa) để thực hiện hợp đồng điện tử, ký số, dịch vụ quản lý bán hàng, quản trị doanh nghiệp…; hỗ trợ 2 bộ giải pháp phân tích nhu cầu thị trường cho 2 doanh nghiệp trên địa bàn; 2 bộ giải pháp tư vấn khách hàng tự động tích hợp trên các website TMĐT cho 2 doanh nghiệp; 6 bộ giải pháp vnCheck truy xuất nguồn gốc xuất xứ cho 6 doanh nghiệp, hợp tác xã…

          Việc hỗ trợ các bộ giải pháp, đặc biệt là bộ ứng dụng One SME đã mang lại hiệu quả thiết thực. Ông Lâm Trí Hiếu, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và xây dựng Thiên Phú (thành phố Lạng Sơn) cho biết: Là đơn vị phân phối hàng hóa lớn, nhiều đại lý và điểm bán lẻ ở 11/11 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, chúng tôi thấy bộ ứng dụng One SME hỗ trợ rất nhiều trong hoạt động kinh doanh như quản lý hoạt động bán hàng, nhân công trên nền tảng điện tử; thực hiện hợp đồng điện tử và hóa đơn bán hàng điện tử… nhờ đó, công tác quản trị doanh nghiệp được hiện đại hóa, tiết giảm được thời gian, công sức, hiệu quả kinh doanh cũng từ đó mà ổn định hơn, bình quân mỗi tháng công ty phân phối trên 8 tỷ đồng tiền hàng cho các đại lý.

Khi ứng dụng TMĐT, với việc sử dụng các phương tiện điện tử và hệ thống mạng Internet, doanh nghiệp có thể thực hiện kinh doanh giao dịch 24/7, tiết kiệm chi phí; doanh nghiệp hạn chế chi phí cho việc thuê cửa hàng, thuê kho chứa hàng, giảm chi phí nhân viên và có thể thực hiện marketing với chi phí thấp. TMĐT tạo ra một sân chơi cho các doanh nghiệp buộc họ phải đổi mới, phải có chiến lược kinh doanh riêng, từ đó giúp doanh nghiệp phát triển và góp phần vào sự phát triển chung của kinh tế tỉnh nhà

          Ngoài ra, Sở Công Thương còn thiết lập gian hàng số của Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại trên sàn giao dịch TMĐT Postmat.vn để hỗ trợ đưa sản phẩm của 17 doanh nghiệp, hợp tác xã lên sàn TMĐT. Trong đó, tập trung đưa các sản phẩm nông sản, đặc sản… đặc biệt là các sản phẩm OCOP nhằm quảng bá, tạo dựng thương hiệu, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

          Không dừng lại ở việc hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng TMĐT, ngành công thương còn tập trung thực hiện công tác tuyên truyền để các cá nhân, doanh nghiệp hiểu rõ lợi ích và chủ động ứng dụng TMĐT vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cụ thể, tính từ năm 2018 đến nay, ngành công thương đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức gần 20 lớp tập huấn về phát triển TMĐT với khoảng 1.500 lượt người tham gia; phát hơn 800 cuốn sổ tay TMĐT cho các doanh nghiệp; đẩy mạnh tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng…

          Toàn tỉnh hiện có khoảng 3.930 doanh nghiệp, theo đánh giá của Sở Công Thương, đến nay có hơn 60% doanh nghiệp đã thực hiện các hình thức giao dịch TMĐT ở các cấp độ khác nhau như: sử dụng email, chữ ký số, hóa đơn điện tử, các website, mạng xã hội, sàn TMĐT để quảng bá sản phẩm và bán hàng… Trong đó, khoảng 70% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại – dịch vụ – du lịch (lĩnh vực chiếm đa số của doanh nghiệp tỉnh) đã ứng dụng TMĐT (dùng website; lập các fanpage trên các trang mạng xã hội Facebook, Zalo…) để quảng bá, giới thiệu dịch vụ, sản phẩm. Đặc biệt, trong số gần 230 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, có khoảng 50% doanh nghiệp đã ứng dụng các phần mềm quản trị doanh nghiệp trên nền tảng công nghệ như: quản trị nhân lực, hợp đồng điện tử, quản lý chất lượng sản phẩm, quản lý bán hàng…

          Ông Trần Hữu Giang, Trưởng Phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương cho biết: Thời gian qua, việc ứng dụng TMĐT trong các doanh nghiệp đã mang lại nhiều quả thiết thực, giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Thời gian tới, phòng sẽ tiếp tục tham mưu Sở Công Thương triển khai thêm các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng TMĐT; đồng thời, phối hợp tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực ứng dụng TMĐT cho các cán bộ liên quan nhằm kịp thời hỗ trợ, giải đáp vướng mắc cho các doanh nghiệp trong quá trình ứng dụng TMĐT.

Nguồn:baolangson.vn