Skip to main content

Hội nghị Triển khai kế hoạch công tác thống kê và tập huấn phương án điều tra doanh nghiệp năm 2020 

          Ngày 06/01/2020, Tổng cục Thống kê tổ chức Hội nghị Triển khai kế hoạch công tác thống kê và tập huấn phương án điều tra doanh nghiệp năm 2020. Hội nghị vinh dự có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, đại diện lãnh đạo một số Bộ, ngành cùng đại diện các Cục thống kê địa phương.

          Nêu cao tinh thần trách nhiệm, sự chủ động sáng tạo, đoàn kết

          Trình bày Báo cáo tổng kết công tác thống kê năm 2019 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2020, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Bích Lâm cho biết, được sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban cán sự đảng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng và Lãnh đạo Bộ cũng như sự ủng hộ của các Bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, toàn ngành Thống kê đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, sự chủ động sáng tạo, đoàn kết, hợp tác, khắc phục khó khăn và hoàn thành xuất sắc kế hoạch công tác năm 2019 với các kết quả nổi bật như: Bảo đảm thông tin thống kê phục vụ kịp thời việc đánh giá, dự báo tình hình, xây dựng chiến lược, kế hoạch, chính sách giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của các cơ quan Đảng và Nhà nước ở Trung ương và địa phương; cung cấp số liệu chính thức, cập nhật và chính xác cho các Tiểu ban chuẩn bị tài liệu Đại hội Đảng bộ các cấp, Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

          Thực hiện đánh giá lại quy mô GDP giai đoạn 2010-2017; tiến hành Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019; hoàn thiện môi trường pháp lý cho hoạt động thống kê; cải tiến phương pháp chế độ thống kê; thực hiện Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát;...

          Tổng cục Thống kê đã hoàn thiện báo cáo đánh giá lại quy mô tổng sản phẩm trong nước (GDP) giai đoạn 2010-2017. Kết quả đánh giá lại quy mô GDP đã phản ánh xác thực quy mô, năng lực của nền kinh tế, bức tranh kinh tế của đất nước được nhận dạng sát thực tế và rõ nét hơn, nâng cao vị thế kinh tế của đất nước trong khu vực và thế giới, việc đánh giá lại quy mô GDP của toàn bộ nền kinh tế và GRDP của địa phương là căn cứ quan trọng để xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025.

          Đồng thời với việc đánh giá lại quy mô GDP, Tổng cục Thống kê đã rà soát đánh giá lại quy mô, cơ cấu, tốc độ phát triển tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giai đoạn 2010-2018 và một số chỉ tiêu liên quan, Tổng cục Thống kê đã gửi các địa phương dùng làm căn cứ để Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sử dụng trong xây dựng mục tiêu và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương giai đoạn 2021-2025.

Thực hiện thành công cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019. Đây là cuộc Tổng điều tra đầu tiên ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong tất cả công đoạn của Tổng điều tra với rất nhiều đổi mới về phương pháp và hình thức điều tra nhằm nâng cao chất lượng số liệu, minh bạch quá trình sản xuất thông tin thống kê, rút ngắn thời gian điều tra và tiết kiệm nguồn lực so với phương pháp điều tra truyền thống bằng phiếu giấy, được điều tra viên hồ hởi, phấn khởi trong việc sử dụng thiết bị thông minh. Kết quả Tổng điều tra được công bố sớm hơn so với kỳ Tổng điều tra trước (kết quả sơ bộ được công bố vào ngày 11/7/2019, kết quả chính thức được công bố vào ngày 19/12/2019). Việt Nam là nước đầu tiên và duy nhất cho đến thời điểm hiện nay sử dụng thiết bị di động của điều tra viên thống kê cho công tác thu thập thông tin với nhiều chủng loại thiết bị khác nhau mà vẫn đem lại thành công với chi phí thấp. Việc ứng dụng thành công phiếu điều tra điện tử trong thu thập số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 đã được cộng đồng quốc tế, thống kê các nước đánh giá cao và đề nghị Tổng cục Thống kê Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm.

          Trong năm 2019, Tổng cục Thống kê đã chủ động biên soạn cuốn sách “Tăng trưởng các vùng kinh tế trọng điểm giai đoạn 2011-2017” cung cấp tài liệu quan trọng cho Thủ tướng Chính phủ chủ trì cuộc họp thường trực Chính phủ về tăng trưởng vùng kinh tế trọng điểm và tác động tới tăng trưởng của cả nước giai đoạn 2011-2017…

          Cùng với đó, Tổng cục Thống kê đã thực hiện hiệu quả các đề án quan trọng của Ngành. Xây dựng và triển khai thực hiện nhiều đề án do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm nâng cao chất lượng sản xuất thông tin thống kê như: Đề án đổi mới quy trình biên soạn số liệu GRDP; Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát; Đề án ứng dụng và phát triển Công nghệ thông tin - truyền thông trong Hệ thống thống kê nhà nước giai đoạn 2017-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đây là những Đề án có ý nghĩa quan trọng thực hiện mục tiêu của Ngành: “Nâng cao năng lực, ứng dụng phương pháp và công nghệ tiên tiến, phục vụ thông tin thống kê tốt hơn”…

          Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những kết quả đạt được của ngành Thống kê, đồng thời đánh giá cao vai trò của Ngành đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Đây là ngành rất vất vả, có vai trò quan trọng đối với đất nước, đặc biệt là trong việc đưa ra các số liệu làm cơ sở cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành trong việc hoạch định chính sách.

          Thành tựu phát triển đất nước trong năm 2019 có sự đóng góp của ngành Thống kê

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: MPI

          Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh rằng, “nói có sách mách có chứng”, cho nên xây dựng, hoạch định chính sách, đường lối phát triển của đất nước phải dựa trên số liệu khoa học, như vậy mới đi vào cuộc sống thực tiễn. Với vai trò quan trọng như vậy, Ngành đã luôn nhận được sự quan tâm của lãnh Đảng, Nhà nước, Chính phủ và trong 4 năm qua kể từ khi nhậm chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã 2 lần tới dự Hội nghị tổng kết của Tổng cục Thống kê.

          Khẳng định số liệu thống kê là khách quan, chặt chẽ, đúng pháp luật, Thủ tướng nhấn mạnh, “chưa bao giờ hay bất cứ đồng chí lãnh đạo nào yêu cầu Tổng cục Thống kê phải sửa số liệu này, số liệu khác trong quá trình thống kê kinh tế - xã hội đất nước” và cho biết “hằng tháng, sau ngày 25, tôi đều muốn nghe xem các đồng chí thống kê nói cái gì”.

          Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gửi lời thăm hỏi ân cần nhất đến các thế hệ cán bộ ngành Thống kê, đóng góp rất nhiều trong quá trình phát triển đất nước. Đồng thời nhấn mạnh, thành tựu phát triển đất nước trong năm 2019 có sự đóng góp của ngành Thống kê, trong đó tăng trưởng kinh tế vượt kế hoạch, quy mô nền kinh tế đạt 262 tỷ USD. Đây là số liệu tính theo giá cũ, chưa tính bổ sung, chưa áp dụng phương pháp đánh giá lại quy mô.

          Nhiều chỉ tiêu quan trọng khác như năng suất lao động tăng, xóa đói giảm nghèo giảm nhanh; đời sống người dân được cải thiện rõ nét từ vùng sâu, vùng xa đến vùng bị thiên tai; các lĩnh vực văn hóa, thể thao, quốc phòng cũng đạt được thành tích cao… Số liệu thống kê đã chứng minh với quốc tế nền kinh tế Việt Nam đã phát triển trên nhiều mặt, cả số lượng và chất lượng. Trước kia, nhiều người hay nghĩ tăng trưởng chủ yếu do vốn tín dụng nhưng theo số liệu thống kê mới công bố thì tăng trưởng tín dụng năm 2019 hơn 13%, trong khi đó tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm 33-34% GDP. Đây là điều quan trọng khi sức dân được huy động. Nhiều công trình lớn, có ý nghĩa không chỉ từ vốn Nhà nước mà từ vốn tư nhân, doanh nghiệp. “Tôi có thể nói về chủ trương nhưng nếu không có số liệu thống kê một cách đầy đủ thì chưa thuyết phục”, Thủ tướng chia sẻ.

          Thủ tướng cho rằng, ngành Thống kê đã thực hiện tốt nhiệm vụ đánh giá lại quy mô GDP, bảo đảm theo thông lệ quốc tế, có cơ sở khoa học. Đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức quốc tế như IMF, UNDP để tính toán, đưa ra số liệu chính xác, kịp thời. “Không phải vì bệnh thành tích mà chúng ta tính quy mô GDP mới”, Việc tính lại GDP làm căn cứ để hoạch định Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới.

          Thủ tướng đánh giá cao việc ngành Thống kê tổ chức thành công cuộc Tổng điều tra dân số 2019, đặc biệt là việc áp dụng triệt để công nghệ thông tin trong tất cả các công đoạn của Tổng điều tra. Trong thành quả của đất nước có sự đóng góp to lớn của ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê, đồng thời đánh giá, biểu dương sự đóng góp của ngành Thống kê thông qua việc cung cấp hệ thống số liệu thống kê một cách chính xác, khoa học, kịp thời để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành các cấp, đặc biệt là trong việc cập nhật tăng trưởng, kiểm soát lạm.

          Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi năm 2018, chỉ số chung về năng lực thống kê theo các tiêu chí đánh giá của Ngân hàng Thế giới xếp hạng 19/145 quốc gia, vùng lãnh thổ (vượt mục tiêu của Chiến lược vào năm 2020 đạt 80 điểm, cao hơn mức trung bình của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, xếp thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á).

          Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2020, Thủ tướng nhấn mạnh đây là năm có nhiều sự kiện quan trọng đối với đất nước và yêu cầu ngành Thống kê cần tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thống kê để phục vụ kịp thời công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành. Đồng thời, tiếp tục cung cấp đầy đủ thông tin về phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống phục vụ người dân, doanh nghiệp.

          Thủ tướng yêu cầu tiếp tục nâng cao chất lượng thông tin thống kê, đặc biệt công tác phân tích, dự báo, “chúng tôi muốn ngày càng nhiều hơn các báo cáo chuyên đề thông tin, tư liệu tình hình quốc tế, trong nước, phục vụ kịp thời, hiệu quả hơn công tác chỉ đạo”. Đồng thời, cần tiếp tục triển khai có hiệu quả Chiến lược phát triển thống kê Việt Nam và các đề án lớn của Ngành, nhất là Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát.

          Tiếp tục tổng hợp, công bố việc điều chỉnh quy mô GDP năm 2018, 2019, 2020 và số liệu GDP các địa phương, xây dựng bộ số liệu đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương phục vụ cho việc chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Thủ tướng nhấn mạnh lại vai trò của số liệu thống kê, nếu không có hệ thống số liệu chính xác thì định hình chính sách sẽ sai.

Thủ tướng yêu cầu ngành Thống kê phải đổi mới hơn nữa phương pháp, chế độ thống kê theo tiêu chuẩn quốc tế phù hợp với thực tiễn Việt Nam, trong đó tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin, tập trung nghiên cứu phương pháp thống kê mới, hiện đại, nhất là những thông tin rất quan trọng như năng suất, chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế, các khu vực kinh tế chưa được quan sát, các chỉ tiêu giám sát, đánh giá quá trình cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.

          Đồng thời, tăng cường kết nối và khai thác tối đa, sử dụng hiệu quả các cơ sở dữ liệu thống kê, dữ liệu hành chính đặc biệt từ các ngành như thuế, hải quan, tài chính, ngân hàng, tiến tới kết nối, chia sẻ dữ liệu kinh tế - xã hội thông qua trục liên thông quốc tế, hệ thống thông tin quốc gia. Thực hiện tốt các cam kết quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực thống kê, trong đó hợp tác chặt chẽ với các nước ASEAN. Làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ, đặc biệt cán bộ trẻ, cán bộ nữ có phẩm chất, năng lực tốt, trình độ chuyên môn cao, tạo nên nền tảng nhân lực vững chắc để xây dựng ngành Thống kê. Cần có một chương trình thu hút nhân tài cho ngành Thống kê Việt Nam.

          Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Thống kê để thực hiện tốt việc cung cấp, chia sẻ thông tin, số liệu cũng như thực hiện tốt Luật thống kê. Đồng thời nhấn mạnh đến vai trò của công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin thống kê về tình hình kinh tế - xã hội đến các doanh nghiệp và Nhân dân để làm sao cho các con số thống kê là “con số biết nói”, biến thành hành động. Thủ tướng mong muốn toàn ngành Thống kê tiếp tục đoàn kết, thể hiện khát vọng, ý chí vươn lên, “xả thân” hết mình vì sự nghiệp phát triển của đất nước.

          Trong khuôn khổ Hội nghị, để ghi nhận thành tích xuất sắc trong quá trình công tác, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trao tặng Huân chương lao động cho 14 tập thể và 07 cá nhân.

          Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã trao tặng Bằng khen của Thủ tướng cho 04 tập thể và 10 cá nhân và trao danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp Bộ cho 11 cá nhân./.

Nguồn: mpi.gov.vn