Skip to main content

Nghị quyết 68: Kịp thời gỡ khó cho doanh nghiệp và người lao động

          Trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 đã và đang tác động, ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất, kinh doanh và đời sống Nhân dân, ngày 1/7/2021, Chính phủ  ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động  (NSDLĐ) gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 với 12 chính sách cụ thể. Hiện nay, tỉnh Lạng Sơn đang tích cực triển khai đưa Nghị quyết 68 đi vào cuộc sống.

          Khẩn trương rà soát, kịp thời hỗ trợ

          Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ đưa ra 12 chính sách hỗ trợ NSDLĐ và NLĐ gặp khó khăn vì đại dịch COVID-19, trong đó có 7 nội dung liên quan đến hỗ trợ trực tiếp tiền mặt cho các đối tượng là lao động ngừng việc, mất việc, F0, F1, trẻ em, viên chức hoạt động nghệ thuật, hướng dẫn viên du lịch và hộ kinh doanh. Đây là khoản hỗ trợ cần được thực hiện ngay, hoàn thành sớm nhất nhằm kịp thời hỗ trợ các đối tượng chịu tác động trực tiếp bởi dịch bệnh.

          Để thực hiện được các chính sách trên với phương châm: nhanh, đúng, trúng, kịp thời, ngày 14/7/2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 155/KH-UBND về triển khai thực hiện Nghị quyết số 68 của Chính phủ và Quyết định 23 ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ NLĐ và NSDLĐ gặp khó khăn do dịch.

 

Lãnh đạo Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh ký kết hợp đồng tín dụng vay vốn trả lương phục hồi sản xuất đối với lãnh đạo Công ty TNHH Vận tải Công nghệ Mai Linh Lạng Sơn theo Nghị quyết 68 và Quyết định 23

          Thực hiện Kế hoạch 155 của UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương đã và đang tích cực chỉ đạo thực hiện công tác rà soát các đối tượng theo quy định trong từng chính sách.  Sau hơn 20 ngày thực hiện Nghị quyết 68 của Chính phủ và hơn 1 tuần thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương đã có những rà soát bước đầu và những trường hợp đủ điều kiện thì thực hiện chi trả, hỗ trợ kịp thời. Trong đó, đáng chú ý là chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất.

          Ông Phạm Mạnh Hà, Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh Lạng Sơn cho biết: Tính đến ngày 22/7/2021, chi nhánh đã tiếp nhận hồ sơ của 17 đơn vị có nhu cầu vay vốn chương trình cho vay NSDLĐ để trả lương ngừng việc, trả lương khôi phục sản xuất với 213 lao động phải ngừng việc, số tiền đề nghị vay vốn là 1.754 triệu đồng. Hiện nay, chúng tôi đã ký kết hợp đồng tín dụng vay vốn trả lương phục hồi sản xuất đối với Công ty TNHH Vận tải Công nghệ Mai Linh Lạng Sơn và Công ty TNHH Thương mại và Phát triển Thành Đông với tổng số tiền cho vay 294,6 triệu đồng.

          Cùng với hỗ trợ DN thì ngành lao động và cơ quan thuế đã phối hợp rà soát các hộ kinh doanh phải dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19. Bà Hoàng Thị Hải, Trưởng Phòng Lao động việc làm – BHXH, Sở LĐTB&XH cho biết: Từ ngày 17 đến ngày 22/7/2021, đã có 4 huyện: Chi Lăng, Văn Lãng, Hữu Lũng, Văn Quan và thành phố Lạng Sơn thực hiện chi trả cho 63 hộ kinh doanh (mỗi hộ được hỗ trợ 3 triệu đồng) và 10 người lao động bị tạm ngừng việc (mỗi người được hỗ trợ 1 triệu đồng) với tổng số tiền 199 triệu đồng. Ngành lao động đang tiếp tục phối hợp để rà soát các trường hợp đối tượng được hưởng theo quy định để có hỗ trợ kịp thời.

           “Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chỉ đạo, nhanh chóng rà soát các đơn vị trực thuộc có liên quan đến đối tượng được hưởng kinh phí theo Nghị quyết 68 của Chính phủ và Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

           Theo đó, ngành đã thực hiện rà soát 2 nhóm đối tượng gồm: diễn viên, họa sỹ, đạo diễn biểu diễn lĩnh vực nghệ thuật hạng 4 và thuyết minh viên, hướng dẫn viên tại các khu, điểm du lịch và các công ty lữ hành. Trên cơ sở căn cứ vào ngạch, bậc và thực tế hoạt động công việc tại cơ quan, đơn vị cũng như việc thực hiện đủ tiêu chí, tiêu chuẩn theo quy định, hiện nay, sở đã phê duyệt hỗ trợ đối với 24  đối tượng là hướng dẫn viên du lịch.”

Ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

          Ông Lê Trung Dũng, Chủ cơ sở kinh doanh karaoke Bình Minh, Phú Lộc 4, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn cho biết: Cơ sở của tôi có 20 phòng, thời điểm trước, thu nhập từ công việc kinh doanh của gia đình tôi rất ổn định. Do ảnh hưởng của dịch COVID -19, tôi phải dừng kinh doanh và gặp rất nhiều khó khăn, nhiều nhân viên của chúng tôi đã phải nghỉ việc. Nhận được sự hỗ trợ của UBND thành phố, chúng tôi thấy được chia sẻ, động viên rất nhiều.

Hiện nay, các chính sách hỗ trợ NLĐ liên quan đến giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ; việc xác nhận danh sách NLĐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, lao động ngừng việc… đã được BHXH tỉnh rà soát đối tượng để điều chỉnh kịp thời. Theo đó, tính đến ngày 22/7/2021, BHXH tỉnh đã điều chỉnh giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 1.141 đơn vị với 13.860 NLĐ được giảm mức đóng từ 0,5% xuống còn 0% trong 12 tháng (từ 1/7/2021 đến 30/6/2022). Tổng số tiền (tạm tính) được giảm mức đóng 12 tháng  là trên 3,7 tỷ đồng.

          Cùng với đó, BHXH tỉnh đã xác nhận danh sách NLĐ (tham gia BHXH) tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương cho 2 doanh nghiệp với tổng số 42 NLĐ; xác nhận danh sách NLĐ (tham gia BHXH) tạm ngừng việc cho 1 DN với 1 lao động; xác nhận danh sách NLĐ đang tham gia BHXH cho 2 DN (58 NLĐ) để vay vốn trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất…

          Đối với các chính sách hỗ trợ NLĐ bị ảnh hưởng do là F0, F1 thì hiện nay ngành chức năng và các địa phương đang tích cực rà soát, thống kê, lập danh sách để đề nghị cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt hỗ trợ theo quy định.

          Không để ai bị bỏ lại phía sau

          Từ khi dịch COVID-19 xuất hiện ở nước ta đầu năm 2020, đến nay Chính phủ đã có 2 gói hỗ trợ là Nghị quyết 42/NQ-CP (năm 2020) với 62.000 tỷ đồng và Nghị quyết 68/NQ-CP (năm 2021) với 26.000 tỷ đồng. Nếu gói hỗ trợ theo Nghị quyết 42/NQ-CP năm 2020 phần lớn DN và NLĐ phản ánh là quá nhiều tiêu chí, tiếp cận rất khó thì Nghị quyết 68/NQ-CP vừa ban hành tháng 7/2021 đã giảm 2/3 số thủ tục hành chính, mở rộng cả phạm vi, hình thức và đối tượng hỗ trợ giúp các đối tượng dễ dàng tiếp cận, thụ hưởng hơn.

 

Lãnh đạo UBND thành phố Lạng Sơn trao kinh phí hỗ trợ cho hộ kinh doanh trên địa bàn phải tạm dừng hoạt động do dịch COVID-19

          Đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết: Việc mở rộng phạm vi, đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết 68 không chỉ thể hiện sự bám sát thực tiễn để đưa ra gói hỗ trợ đồng bộ của Chính phủ mà còn thể hiện tính nhân văn của chính sách, “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Đây không chỉ là giải pháp hỗ trợ cấp thiết trong hiện tại mà còn giúp NLĐ và DN có sự chuẩn bị cần thiết để tiếp tục tham gia thị trường lao động khi dịch bệnh được kiểm soát.  Hiện nay, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan, các địa phương tích cực, khẩn trương rà soát và lập danh sách các đối tượng đủ điều kiện được hỗ trợ theo nguyên tắc: bảo đảm kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách.

          Với tinh thần “chống dịch như chống giặc” và quán triệt quan điểm thực hiện “mục tiêu kép” của Chính phủ, của tỉnh , tin rằng sự chủ động trong chỉ đạo điều hành và nỗ lực thực hiện của các cấp, ngành, địa phương sẽ giúp Nghị quyết 68 đi vào đời sống, tiếp thêm động lực để NLĐ và DN của tỉnh đủ sức vượt qua khó khăn trong đại dịch.

          “Trên địa bàn thành phố, tuy chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm COVID-19 nhưng để đảm bảo công tác phòng, chống dịch theo chỉ đạo của UBND tỉnh, thành phố đã ban hành quyết định tạm dừng kinh doanh một số loại hình không thiết yếu như: quán bar, xông hơi, massage, karaoke, quán ăn, quán nước trên vỉa hè, ảnh hưởng đến đời sống một bộ phận Nhân dân.

          Thực hiện Nghị quyết 68 của Chính phủ, Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch 155 của UBND tỉnh, UBND thành phố đã chỉ đạo các cơ quan chức năng: lao động và thuế, UBND phường, xã tích cực rà soát, lập danh sách, thẩm định và trình duyệt hỗ trợ chi trả kịp thời cho 18 hộ kinh doanh trên địa bàn với số tiền 54 triệu đồng. Chúng tôi đang chỉ đạo các cơ quan, phòng ban, UBND xã, phường rà soát khẩn trương các đối tượng còn lại, trong đó có đối tượng người lao động bị tạm ngừng lao động, nghỉ việc không lương… để xem xét thẩm định và hỗ trợ kịp thời”.

Ông Nguyễn Văn Hạnh, Chủ tịch UBND thành phố Lạng Sơn

Nguồn: baolangson.vn