Skip to main content

Liên kết tiêu thụ và thúc đẩy xuất khẩu ớt trên địa bàn

Sáng 16/5, Sở Công Thương tổ chức tổ chức Hội nghị kết nối tiêu thụ và thúc đẩy xuất khẩu quả ớt trên địa bàn tỉnh.

          Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Sở Công Thương, lãnh đạo một số huyện; đại diện các doanh nghiệp, các hộ trồng, tiêu thụ quả ớt trên địa bàn tỉnh.

        Theo báo cáo tại hội nghị, diện tích trồng ớt vụ Đông Xuân năm 2023 của toàn tỉnh là 1.479 ha (trong đó huyện Chi Lăng 746 ha; Lộc Bình 384 ha; Hữu Lũng 100 ha; Cao Lộc 99 ha; Văn Quan 120 ha…), tăng 91 ha so với niên vụ năm 2022.

ss

Lãnh đạo Sở Công thương chủ trì hội nghị

          Hiện tại, một số diện tích trồng sớm đã cho thu hoạch với giá ớt thu mua hiện tại dao động từ 18.000 – 20.000 đồng/kg.

          Hiện nay, thị trường tiêu thụ ớt trên địa bàn tỉnh chưa ổn định, việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ớt giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với người nông dân còn ít, chủ yếu thông qua các thương lái trong và ngoài tỉnh để thu gom, thu mua trực tiếp với người dân để phục vụ xuất khẩu. Trên địa bàn tỉnh chưa có cơ sở chế biến, sản xuất sản phẩm từ ớt có quy mô lớn vì vậy khi thị trường Trung Quốc có biến động, thay đổi về các quy định nhập khẩu sẽ rất khó khăn cho việc tiêu thụ sản phẩm ớt…

ss

Đại diện doanh nghiệp phát biểu tại hội nghị

          Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, chia sẻ các thông tin, kinh nghiệm thu mua và tiêu thụ sản phẩm quả ớt để xuất khẩu như: Cần quy hoạch thành các vùng trồng, các doanh nghiệp cần tăng cường công tác liên kết trong tiêu thụ sản phẩm, nắm vừng thông tin thị trường và các quy định tiêu chuẩn để được xuất khẩu; các quy định và yêu cầu kỹ thuật của Trung Quốc đối với vùng trồng ớt xuất khẩu, truy xuất nguồn gốc, lập và lưu lại hồ sơ, nhật ký sản xuất; công tác cấp mã số vùng trồng;…

ss


Lãnh đạo huyện Chi Lăng phát biểu tại hội nghị

          Trước việc xuất khẩu ớt còn gặp một số khó khăn, các đại biểu đã đưa ra một số giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới như: Các huyện có diện tích trồng ớt lớn như Chi Lăng, Lộc Bình… tiếp tục thu hút và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu ớt liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho người dân; khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến ớt trên địa bàn để đa dạng hoá và tăng cường xuất khẩu các mặt hàng chế biến từ ớt nhằm khai thác tốt hơn nhu cầu của các thị trường tiềm năng, giúp nâng cao giá trị gia tăng, tăng thời gian bảo quản, đảm bảo các yêu cầu khắt khe về kiểm dịch của thị trường nhập khẩu.

          Đồng thời, vận động các hộ nông dân trồng ớt tham gia vào hợp tác xã để tăng cường liên kết sản xuất, áp dụng các quy trình sản xuất nông nghiệp tốt như VietGAP, GlobalGAP để sản phẩm đạt yêu cầu của thị trường nhập khẩu.

Nguồn: baolangson.vn