Skip to main content

Cộng đồng doanh nghiệp cam kết đồng hành cùng Chính phủ hướng tới phát triển bền vững và nền kinh tế xanh

         Tại Hội nghị Chính phủ gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài diễn ra ngày 22/4/2023, cộng đồng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tập trung đánh giá tác động của tình hình kinh tế thế giới và trong nước đến làn sóng đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; nhận diện cơ hội, thách thức, khó khăn để có các giải pháp, chính sách chủ động thích ứng nhằm tháo gỡ vướng mắc và kịp thời nắm bắt cơ hội hợp tác đầu tư trong tình hình mới.

ss

Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến và thương mại Nhật Bản tại Hà Nội Takeo Nakajima phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: MPI

          Ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến và thương mại Nhật Bản (JETRO) Hà Nội nêu tình hình sản xuất kinh doanh và nhấn mạnh, có rất nhiều cơ hội đầu tư, thúc đẩy hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam nói chung và với JETRO nói riêng, trong đó có cơ hội hợp tác về công nghệ xanh, các doanh nghiệp đầu tư mong muốn có chính sách về điện phù hợp và ổn định và hệ thống năng lượng mới, trong đó có công nghệ xe điện, xe hybrid; mong muốn đẩy mạnh đầu tư FDI vào các vùng ven của Việt Nam như các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Ninh, Thái Bình. Đây là cơ hội để phát triển nền kinh tế địa phương.

          Ông Nitin Kapoor, Đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF), Chủ tịch AstraZeneca Việt Nam đánh giá cao sự điều hành quyết liệt, chủ động, sáng tạo, linh hoạt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam trong năm 2022 khi nền kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch và nguy cơ suy thoái kinh tế thế giới. Việt Nam đã làm tốt trong ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và nhanh chóng thích ứng với kỷ nguyên chuyển đổi số mới.

          Việt Nam đã kịp thời thành lập 3 tổ công tác gồm: Nhóm công tác liên quan đến thanh khoản tín dụng, nhóm công tác liên quan đến xử lý khó khăn với thị trường bất động sản và Tổ công tác xử lý các vấn đề liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp; đồng thời mở cửa biên giới Việt Nam, mở rộng thị trường xuất khẩu và đẩy mạnh ngoại giao kinh tế.

          Ông Nitin Kapoor nêu một số đề xuất, kiến nghị về vấn đề năng lượng; về thuế, cần nghiên cứu tác động của Thuế tối thiểu toàn cầu đến lợi ích của nhà đầu tư và môi trường kinh doanh tại Việt Nam, từ đó đưa ra các giải pháp thiết thực, hiệu quả và kịp thời; Về dược phẩm; Về thị trường bất động sản ở Việt Nam; Về Kinh tế số. Đồng thời khẳng định, Cộng đồng doanh nghiệp VBF (bao gồm cả FDI và doanh nghiệp tư nhân trong nước) cam kết đồng hành cùng Chính phủ trong việc xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, hướng tới phát triển kinh tế bền vững.

ss

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam Hong Sun phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: MPI

          Theo ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham), từ sau khi kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, chúng ta có thể thấy rõ ràng rằng Chính phủ cũng như rất nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc coi Việt Nam là đối tác hợp tác tốt nhất của mình. Đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam đang đa dạng hóa cơ cấu đầu tư từ sản xuất chế tạo sang công nghiệp dịch vụ, gần đây đã tăng tỷ trọng đầu tư vào các ngành công nghệ cao, vốn trước đây chỉ tập trung vào các ngành thâm dụng lao động nên chúng ta có thể kỳ vọng vào việc mở rộng hoạt động kinh doanh và các cơ hội đầu tư mới sẽ tiếp tục tăng lên.

          Hiện nay, có khoảng 9 nghìn doanh nghiệp Hàn Quốc đã đầu tư vào Việt Nam và thương mại giữa hai nước năm 2022 đã tăng 175 lần trong 30 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992 và kim ngạch thương mại năm 2022 đạt mức cao nhất trong lịch sử là 87,7 tỷ USD. Các doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam sử dụng khoảng 700 nghìn lao động và đóng góp một phần rất lớn vào nền kinh tế Việt Nam.

          Kocham rất vui mừng khi Chính phủ Việt Nam đang cho thấy những nỗ lực tích cực để thúc đẩy hợp tác, hỗ trợ doanh nghiệp FDI, cũng như nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư nước ngoài bằng nhiều biện pháp và hiện nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam đang cân nhắc việc tăng vốn đầu tư và đầu tư mới nếu như môi trường đầu tư tiếp tục ổn định. Đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ cao và các công ty tài chính, năng lượng.

          Ông Hong Sun cho biết, sắp tới sẽ có nhiều doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam và bày tỏ tin tưởng rằng, nếu Chính phủ quan tâm và nỗ lực tháo gỡ những khó khăn của các doanh nghiệp FDI để các doanh nghiệp này có thể mở rộng kinh doanh ổn định tại Việt Nam, thì doanh nghiệp sẽ có thể gạt bỏ những lo lắng và tin tưởng đầu tư nhiều hơn nữa.

          Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Gabor Fluit hoan nghênh Chính phủ Việt Nam vì những nỗ lực không ngừng trong việc giải quyết những thách thức mà cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đang phải đối mặt. Hội nghị này là cơ hội quý giá để chúng ta cùng suy nghĩ và đưa ra các chiến lược giúp Việt Nam có thể tận dụng và khai thác tiềm năng to lớn của mình.

          Nền kinh tế toàn cầu đã trải qua thời kỳ đầy bất ổn gần đây. Điều này chắc chắn ảnh hưởng đến các doanh nghiệp châu Âu và môi trường đầu tư của Việt Nam. Mặc dù phải đối mặt với một số rào cản nhưng Việt Nam đã được công nhận là một ngôi sao đang lên trong lĩnh vực kinh doanh và đầu tư. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay đòi hỏi Việt Nam cần tiếp tục có những bước đi táo bạo và quyết đoán hướng tới những cải cách mang tính đột phá để duy trì đà tăng trưởng.

          Các mục tiêu đầy tham vọng của Việt Nam về chuyển đổi năng lượng xanh đã được ghi nhận rõ ràng và Việt Nam đã xây dựng chiến lược quốc gia toàn diện để đạt được các mục tiêu này. Cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cam kết sẵn sàng sát cánh với Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng một quốc gia thịnh vượng và kiên cường, hướng tới phát triển bền vững và nền kinh tế xanh, ông Gabor Fluit nhấn mạnh.

          Tại Hội nghị, đại diện các doanh nghiệp, tập đoàn cũng đưa ra những nhận diện thách thức, tận dụng các cơ hội để đầu tư, mở rộng đầu tư trong một số lĩnh vực tại Việt Nam như chuyển đổi xanh hướng tới phát triển bền vững; phát triển chuỗi sản xuất, tăng cường liên kết với doanh nghiệp trong nước; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để đón đầu xu thế mới; xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo; giải pháp lưu trữ năng lượng xanh và một số khuyến nghị để thúc đẩy đầu tư trong lĩnh vực năng lượng; phát triển khu công nghiệp sinh thái hướng tới giảm phát thải ròng bằng 0;… Các ý kiến khẳng định đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam, hướng tới đầu tư dài hạn và bền vững.

ss

Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc LEGO Manufacturing Việt Nam Preben Elnef phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: MPI

          Ông Preben Elnef, Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc LEGO Manufacturing Việt Nam bày tỏ cảm ơn với sự giúp đỡ, hợp tác, hỗ trợ và hướng dẫn tuyệt vời từ Lãnh đạo Chính phủ, các cơ quan chức năng địa phương. Đồng thời nhấn mạnh, trong nhiều năm qua, Việt Nam đã có một môi trường đầu tư cởi mở và ổn định, cũng như đánh giá cao các cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư, mở rộng và phát triển sự hiện diện của họ để giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế bền vững; tin tưởng Việt Nam sẽ tiếp tục tạo được uy tín với các nhà đầu tư cũng như khẳng định vị thế dẫn đầu trong thu hút đầu tư nước ngoài trong dài hạn.

          Theo ông Preben Elnef, Việt Nam cần tiếp tục đầu tư vào việc nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động - chuyển từ lao động chi phí thấp sang lực lượng lao động có kỹ năng cao; tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng, vì đây là xương sống của nền kinh tế; hỗ trợ các công ty đầu tư vào năng lượng xanh.

          Ông Michael Michalak, Phó Chủ tịch cấp cao, Giám đốc điều hành khu vực ASEAN, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) bày tỏ ấn tượng với sự thẳng thắn, chân thành và cầu thị của Thủ tướng và nhiều thành viên Chính phủ trong việc lắng nghe kiến nghị và chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đồng thời nêu một số đề xuất về cải thiện môi trường kinh doanh nhằm thu hút đầu tư chất lượng cao, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tăng trưởng bền vững.

          Các doanh nghiệp Hoa Kỳ rất lạc quan về triển vọng tăng trưởng thương mại và đầu tư giữa hai nước trong thời gian tới trên nền tảng quan hệ song phương ngày càng gắn bó chặt chẽ hơn giữa hai nước.

          Đưa ra các đề xuất cụ thể, ông Michael Michalak cho rằng, đối với lĩnh vực năng lượng, Việt Nam cần đơn giản hóa và rút ngắn thời gian xem xét và phê duyệt các dự án điện; ưu tiên phê duyệt sớm những dự án đã hoàn thành các thủ tục cần thiết. Cần sớm ban hành Quy hoạch điện VIII.

          Ông Kim Huat Ooi, Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Intel Products Việt Nam cho biết, là công ty công nghệ cao đầu tiên đầu tư vào Việt Nam và mong muốn được hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong hành trình dài hạn này.

          Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Tập đoàn Sojitz, Chủ tịch Ủy ban Kinh doanh Nhật Bản-Việt Nam tại Liên đoàn Doanh nghiệp Nhật Bản (Keidanren) Masayoshi Fujimoto khẳng định cam kết đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam về giảm phát thải CO2 xuống 0% vào năm 2050. Theo đó, Sojitz đang xây dựng Nhà máy điện chu trình hỗn hợp nhiên liệu và thực hiện các dự án giảm phụ thuộc vào than đá; đang tham gia vào sản xuất điện mặt trời áp mái để xây dựng những nhà máy thân thiện với môi trường, khu công nghiệp thông minh góp phần giảm phát thải CO2.

          Năm nay, Nhật Bản và Việt Nam kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Đây cũng là năm đánh dấu kỷ niệm 20 năm thành lập Keidanren - Khuôn khổ để cải thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam. Đây là điều rất đáng tự hào và hy vọng rằng năm đặc biệt này sẽ góp phần tăng cường hơn nữa mối quan hệ hai nước, ông Masayoshi Fujimoto nhấn mạnh.

ss

Tại Hội nghị lãnh đạo thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh phát biểu trực tuyến. Ảnh: MPI

          Cũng tại Hội nghị, đại diện một số bộ, ngành, địa phương đã phát biểu, làm rõ thêm vấn đề được nhà đầu tư quan tâm; về việc thực thi chính sách và chuẩn bị điều kiện để đón dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

          Tham gia một số ý kiến về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài và các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án FDI có sử dụng đất, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, Thành phố đã quán triệt quan điểm, định hướng, mục tiêu và nhiệm vụ thu hút đầu tư nước ngoài theo Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 và Nghị quyết số 58/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị và đến nay, Hà Nội đứng thứ 2 toàn quốc về thu hút FDI; dòng vốn FDI có xu hướng tiếp cận thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của doanh nghiệp, dự án hiện hữu.

          Ông Nguyễn Mạnh Quyền cũng nhấn mạnh đến một số tồn tại, vướng mắc cần được quan tâm tháo gỡ để thúc đẩy thu hút và triển khai các dự án có sử dụng đất, trong đó có các dự án FDI, trong đó có quy hoạch; về cơ chế, chính sách, những quy định pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng kinh doanh bất động sản; về tiếp cận đất đai; về tiến độ thực hiện dự án.

          Trên cơ sở nhận diện những khó khăn, vướng mắc trên, thành phố Hà Nội đã và đang thực hiện một số giải pháp cụ thể như đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác lập quy hoạch cũng như rà soát quy hoạch chung xây dựng của Thành phố để trình Chính phủ, Quốc hội thông qua vào tháng 10/2023; phối hợp chặt chẽ với các bộ ban ngành để hoàn thiện Luật Thủ đô tạo khung khổ pháp lý tháo gỡ những khó khăn, điểm nghẽn về thể chế để giúp Thủ đô tăng tốc trong vấn đề phát triển cũng như phát huy tiềm năng, lợi thế của mình.

          Đồng thời, tập trung xây dựng danh mục công khai thu hút đầu tư; tạo mặt bằng sạch để thúc đẩy hình thành các khu công nghiệp; đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số, chú trọng cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các thủ tục, phối hợp liên thông các thủ tục hành chính trong giải quyết lĩnh vực đầu tư nhất là các dự án đầu tư nước ngoài.

          Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, qua công tác thu hút đầu tư nước ngoài cho thấy có 3 nhóm hạn chế. Một là, hệ thống cơ sở hạ tầng Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt là hạ tầng giao thông, hạ tầng dịch vụ còn chưa đồng bộ, phát triển tương xứng với tiềm năng, nhu cầu phát trển của vùng. Hai là, các ưu đãi về thuế nhằm thu hút đầu tư nước ngoài theo quy định hiện hành sẽ không còn hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài trong bối cảnh thuế tối thiểu toàn cầu thực thi vào năm 2024. Ba là, Thành phố đang thiếu quỹ đất công nghiệp để có thể thu hút các nhà đầu tư lớn, các doanh nghiệp lớn vào đầu tư.

          Hiện tại thành phố Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh các dự án về hạ tầng giao thông, dịch vụ logistic chuyển đổi năng lượng và tạo thêm quỹ đất công nghiệp bằng việc hình thành các khu công nghiệp mới và điều chỉnh giá các khu công nghiệp hiện hữu; tập trung triển khai đào tạo nhân lực cũng như xây dựng chính quyền số để nâng cao hiệu quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

          Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi khẳng định, thành phố Hồ Chí Minh cam kết tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, môi trường sống, thực thi có hiệu quả các chính sách của Trung ương trên địa bàn và tiếp tục phối hợp chặt chẽ giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các nhà đầu tư./.

Nguồn: mpi.gov.vn