Skip to main content

Giảm lãi suất để góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế

        Thực hiện chủ trương của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã liên tục điều chỉnh giảm 4 lần các mức lãi suất điều hành với mức giảm từ 0,5-2%/năm, trong bối cảnh lãi suất trên thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao. Các quyết định nêu trên phản ánh rõ ràng sự cấp thiết của NHNN trong việc hỗ trợ tăng trưởng kinh tế thông qua kênh tín dụng.

ss

 

Khách hàng giao dịch tại chi nhánh Vietcombank. (Ảnh LÂM THANH)

          Đến nay, về cơ bản mặt bằng lãi suất đã ổn định, lãi suất tiền gửi và cho vay có xu hướng giảm dần. Lãi suất tiền gửi bình quân của các ngân hàng thương mại ở mức khoảng 5,8%/năm (giảm 0,7% so với cuối năm 2022); lãi suất cho vay bình quân VND ở mức khoảng 8,9%/năm (giảm 1,0%/năm so với cuối năm 2022).

          Xác lập xu hướng giảm

          Theo quyết định giảm thêm lãi suất điều hành mới đây của NHNN, trần lãi suất huy động giảm 0,25% về 4,75%/năm, đã về gần mốc trước dịch Covid-19. Làn sóng giảm lãi suất huy động theo đó đồng loạt diễn ra tại các ngân hàng thương mại. Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất giao dịch tất cả kỳ hạn cũng giảm mạnh.

          Đến thời điểm ngày 20/6, lãi suất bình quân cho vay qua đêm chỉ còn 0,55%, lãi suất cho vay 1 tuần chỉ còn 0,80%, kỳ hạn 2 tuần còn 1,48%…

Việc tiếp tục giảm lãi suất điều hành của NHNN khẳng định và xác lập xu hướng giảm lãi suất cho thị trường trong thời gian tới, qua đó định hướng tổ chức tín dụng mạnh dạn và quyết liệt hơn trong việc giảm lãi suất cho vay, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phục hồi kinh tế.

          Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết

          Tiến sĩ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính-tiền tệ quốc gia đánh giá, việc NHNN giảm lãi suất điều hành ngoài tác dụng hỗ trợ ngân hàng và doanh nghiệp, còn cho thấy dấu hiệu ngày càng rõ ràng từ sự thay đổi chính sách tiền tệ từ thận trọng sang nới lỏng. Điều này sẽ làm giảm tâm lý kỳ vọng lãi suất cao của người dân, kích thích dòng tiền tiết kiệm chuyển sang đầu tư, tiêu dùng.

          Tại báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam ban hành tháng 6/2023, Ngân hàng Thế giới nhận định: Khi lạm phát có dấu hiệu giảm dần, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã nới lỏng các chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên, cơ quan điều hành chính sách tiền tệ sẽ cần theo dõi chặt chẽ sự khác biệt trong xu hướng điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam so với các nước khác, điều mà có thể tạo ra áp lực lên dòng vốn và tỷ giá.

          Nhìn nhận chính sách luôn có độ trễ, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng nhấn mạnh: Giải pháp lúc này là làm thế nào để độ trễ ngắn hơn. “NHNN vẫn trên tinh thần chỉ đạo vận động các ngân hàng thương mại trên định hướng của Nhà nước, của Thủ tướng Chính phủ, của ngành ngân hàng phải giảm lãi suất chung.

          Hiện NHNN đã giảm lãi suất điều hành là trọng điểm, còn các ngân hàng thương mại phải thấy được hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp lúc này là cần thiết, hỗ trợ lãi suất cả ở các món vay mới và món vay trước đây”, Phó Thống đốc chia sẻ.

          Tìm cách “tháo van” tín dụng

          Cùng với việc giảm lãi suất, các chuyên gia kinh tế kỳ vọng, NHNN sẽ có thêm giải pháp tăng cung tiền ra hệ thống, bởi cung tiền nửa đầu năm nay vẫn tăng rất chậm. Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, tháng 2/2023, NHNN đã giao hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại cả nước là 11%, theo định hướng cả năm từ 14-15%.

          Dù vậy đến ngày 15/6, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,32 triệu tỷ đồng, mới chỉ tăng 3,36% so với cuối năm 2022, tăng 8,94% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy có thể thấy hạn mức không thiếu, huy động vốn cũng không phải thấp, khả năng cung ứng vốn của các ngân hàng đầy đủ, sẵn sàng. Tuy nhiên, khả năng hấp thụ vốn rất yếu, bởi nhiều nguyên nhân, có từ ngân hàng, từ những lý do khách quan của nền kinh tế trong nước và ảnh hưởng bởi kinh tế thế giới.

          Trong bối cảnh khó khăn chung, cầu đầu tư sản xuất, kinh doanh giảm, cầu tiêu dùng giảm dẫn đến cầu tín dụng giảm tương ứng. Một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng đủ điều kiện vay vốn hoặc còn vướng mắc về thủ tục pháp lý.

          “Trên thực tế, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã có dư nợ chưa đáp ứng được như kỳ vọng. NHNN đã triển khai rất nhiều hội nghị với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Liên minh Hợp tác xã để đẩy tín dụng trong lĩnh vực này lên nhưng có rất nhiều vấn đề khách quan. Quỹ bảo lãnh doanh nghiệp nhỏ và vừa mới đi vào hoạt động nhưng kết quả chưa nhiều, hầu như còn hạn chế; quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa ở các địa phương mới chỉ có 26 tỉnh/thành phố, chưa hoạt động bao nhiêu. Tức là nhiều chính sách cho lĩnh vực này nhưng năng lực còn hạn chế. Vậy ngân hàng đưa tiền vào đây có dám hay không dù biết phải tìm mọi nguồn lực, điều kiện để hỗ trợ nhóm đối tượng này là cần thiết. Điều này cần rất nhiều sự hỗ trợ từ các bên khác mới có thể hỗ trợ được”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết.

          Hiện nay, cùng với NHNN, hệ thống các tổ chức tín dụng cũng đang nỗ lực chung tay cùng tháo gỡ. Theo Tổng Giám đốc Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng, Vietcombank đã thực hiện hai chương trình giảm lãi suất cho vay với khách hàng hiện hữu, giúp hơn 110.000 khách hàng được giảm lãi suất.

          Hai chương trình này tác động tới hơn 600.000 tỷ đồng dư nợ, khiến Vietcombank giảm lợi nhuận hơn 1.000 tỷ đồng.

          Việc NHNN giảm lãi suất điều hành là cơ sở để các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay và chúng tôi cam kết thời gian tới sẽ tiếp tục triển khai các chương trình giảm lãi suất để hỗ trợ khách hàng cá nhân, doanh nghiệp.

          Ông Nguyễn Thanh Tùng

          Ngoài ra, để lãi suất cho vay giảm nhanh, Tiến sĩ Cấn Văn Lực cho rằng, bên cạnh giảm lãi suất điều hành, NHNN cần đẩy nhanh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém và thanh khoản còn mỏng nhằm giảm thiểu cạnh tranh tăng lãi suất không lành mạnh, đôi khi phá vỡ mặt bằng lãi suất chung, khiến việc giảm lãi suất trở nên khó khăn hơn.

          Đồng thời, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo quyết liệt hơn nữa việc cải thiện môi trường đầu tư-kinh doanh, tăng các giải pháp hỗ trợ tài khóa (giãn hoãn, giảm thuế, phí đang tiến hành và mở rộng, nếu cần), hỗ trợ đầu ra (đa dạng hóa, tìm kiếm thị trường, đối tác, đơn hàng…) cho doanh nghiệp.

          Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Nguyễn Văn Thân cho hay, lãi suất rất quan trọng nhưng chỉ là một vấn đề, thậm chí doanh nghiệp cần cơ chế, chính sách hơn cần lãi suất. Với điều kiện như hiện nay, doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa (chiếm 97%) sẽ rất khó tiếp cận vốn, vì vậy đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa bày tỏ mong muốn các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu sâu và có giải pháp hiệu quả, hợp lý cho vấn đề này. Theo ông Nguyễn Văn Thân, quan trọng nhất phải có cơ chế, chính sách hài hòa.

          Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Khôi nêu quan điểm, đại đa số doanh nghiệp bất động sản rất hạn hẹp về tài chính, vốn sở hữu thấp, chủ yếu dựa vào tín dụng ngân hàng. Các yếu tố đó dẫn đến khó tiếp cận vốn để thực hiện các dự án.

          Hầu hết doanh nghiệp đề nghị mức lãi suất ở các phân khúc khác là từ 8,5-9%/năm; phân khúc nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp, cải tạo chung cư cũ ở mức 6,5-7%/năm. Tuy nhiên, lãi suất chỉ là một phần. Nếu tháo gỡ được quy trình thủ tục đầu tư, rút gọn được khâu trung gian, thời gian giải quyết, doanh nghiệp có thể tiết kiệm tới 12-15% chi phí tài chính.

Nguồn: nhandan.vn