Skip to main content

Phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ: "Cái khó bó cái khôn"

Theo báo cáo của Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KHCN: Tính đến tháng 8/2017, cả nước có 303 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KHCN, tăng 69 đơn vị so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, nhiều hồ sơ đăng ký chứng nhận được các sở KHCN tiếp nhận và đang trong quá trình thẩm định, họp hội đồng đánh giá. doanh nghiệp KHCN được cấp giấy chứng nhận tập trung ở cả 7 lĩnh vực công nghệ theo quy định tại Thông tư số 06/2008 của liên bộ KHCN, Tài chính và Nội vụ; Trong đó, chủ yếu là công nghệ sinh học (47,5%), công nghệ tự động hóa (25%), công nghệ vật liệu mới (15%).

 Nhiều DN KHCN còn khó khăn trong việc tiếp cận vốn để phục vụ sản xuất

Về hoạt động, trong 303 doanh nghiệp KHCN đã được cấp giấy chứng nhận có 1 doanh nghiệp giải thể, 12 doanh nghiệp ngừng hoạt động, 3 doanh nghiệp đã thu hồi giấy chứng nhận (do chuyển hoạt động sản xuất, kinh doanh sang địa bàn khác, hoặc không còn hoạt động trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp KHCN).

Đến tháng 8/2017, có 126 doanh nghiệp báo cáo đầy đủ về tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của năm 2016. Cụ thể, tổng doanh thu năm 2016 của các doanh nghiệp KHCN đạt 14.402 tỷ đồng, tăng 16,32% so với năm 2015, trung bình doanh thu mỗi doanh nghiệp KHCN đạt 114,3 tỷ đồng; Tổng lợi nhuận sau thuế đạt 1.289,91 tỷ đồng, tăng 2,35%. So với tổng sản phẩm trong nước năm 2016 là 4.502.733 tỷ đồng, doanh nghiệp KHCN đã đóng góp 0,03% GDP cả nước. 

Với việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp KHCN không chỉ mang đến các sản phẩm mới chất lượng cao, có sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập, mà còn tạo ra làn sóng khuyến khích việc nghiên cứu, ứng dụng KHCN vào sản xuất, kinh doanh. Vấn đề xây dựng thương hiệu, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ được doanh nghiệp KHCN chú trọng trong việc xây dựng phương án thương mại hóa các sản phẩm KHCN.

Theo Ts. Đào Quang Thủy, Cục Phát triển thị trường và DN KHCN: Thực trạng hoạt động của DN KHCN cho thấy, bên cạnh những DN có tiềm lực kinh tế mạnh, có khả năng thương mại hóa thành công các kết quả nghiên cứu, thì còn rất nhiều DN gặp khó khăn trong việc đưa các sản phẩm của mình ra thị trường. Bởi trong thực tế, quá trình thương mại hóa các kết quả KHCN gặp nhiều rào cản, như quy định về công nhận sản phẩm mới, tâm lý e ngại từ người tiêu dùng, khó thương mại hóa các sản phẩm hướng tới những đối tượng thu nhập thấp, vấn đề bảo hộ bản quyền sở hữu trí tuệ. 

Được biết, các chính sách ưu đãi của Nhà nước dành cho doanh nghiệp KHCN hiện nay chưa tập trung vào việc hỗ trợ thương mại hóa thành công các kết quả KHCN. Chính sách phát triển thị trường KHCN chủ yếu tập trung vào việc tổ chức các hoạt động xúc tiến chuyển giao công nghệ và phát triển các tổ chức dịch vụ trung gian, mà chưa có những hỗ trợ trực tiếp dành cho doanh nghiệp KHCN để thương mại hóa sản phẩm, như hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm, ưu đãi về cấp phép lưu hành sản phẩm, ưu đãi về vốn vay để sản xuất các sản phẩm KHCN.

Còn ông Chu Bá Long, Phòng Quản lý công nghệ và thị trường công nghệ thuộc Sở KHCN TP HCM nhìn nhận, việc chứng nhận doanh nghiệp KHCN cần gắn liền với việc xác nhận danh mục sản phẩm hàng hóa hình thành từ kết quả nghiên cứu KHCN, làm cơ sở để xem xét ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp khi tỷ lệ doanh thu từ việc sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hàng hóa hình thành từ kết quả KHCN trên tổng doanh thu của doanh nghiệp đáp ứng điều kiện quy định. Tuy nhiên, kết quả KHCN thông thường chỉ giải quyết vấn đề cho một phần của sản phẩm thương mại, không giải quyết trọn vẹn cho cả sản phẩm.

Ông Tùng cũng cho rằng, trong 6 chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho doanh nghiệp KHCN, một số chính sách chưa được cụ thể hóa trong quá trình thực hiện, như chính sách được ưu tiên sử dụng các trang thiết bị phục vụ trong phòng thí nghiệm trọng điểm, hoặc được hưởng ưu đãi về giá cho thuê đất tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Ngay cả chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp - một trong những chính sách hấp dẫn và cụ thể nhất, các điều kiện được hưởng ưu đãi đã được xác định cụ thể tại Thông tư liên tịch số 06 và Thông tư liên tịch số 17, nhưng trong thực tế triển khai vẫn còn nhiều vướng mắc chưa giải quyết được

Bàn về giải pháp cho những vấn đề trên, Thứ trưởng Bộ KHCN Trần Văn Tùng khẳng định, cần tăng cường trách nhiệm và sự phối hợp của các bộ, ngành và địa phương đối với việc phát triển doanh nghiệp KHCN. Song song đó, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KHCN chủ động rà soát, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp KHCN trong phạm vi quy định của Nghị định 80/2007; Sớm giải quyết những khó khăn trong thủ tục giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả KHCN làm cơ sở cho việc thành lập doanh nghiệp KHCN. Trong 3 tháng tới nghiên cứu thành lập Câu lạc bộ doanh nghiệp KHCN. Đây sẽ là nơi trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu và chuyển giao mô hình sản xuất để tăng sức mạnh cho doanh nghiệp KHCN.

Nguyễn Thành

(Theo Enternews.vn ngày 25/12/2017)