Skip to main content

Tập trung triển khai giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công

Ngày 12/6, đồng chí Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp đánh giá tình hình giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đầu năm 2023 nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm. 

ss

Đồng chí Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận cuộc họp

          Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 được Thủ tướng Chính phủ giao là 3.891 tỷ đồng, UBND tỉnh đã phân bổ chi tiết 3.126 tỷ đồng, đạt 80,3% kế hoạch.

          Kết quả giải ngân đến hết 31/5/2023 được 698,3 tỷ đồng, tương đương 18% kế hoạch, thấp hơn mức bình quân chung cả nước khoảng 4%.

          Trong đó, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công chưa bao gồm chương trình mục tiêu quốc gia 414,1 tỷ đồng đạt 13,7% kế hoạch; vốn ngân sách trung ương thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia 263,8 tỷ đồng đạt 30,3% kế hoạch.

          Đánh giá kết quả giải ngân theo chủ đầu tư, toàn tỉnh có 35 cơ quan được giao quản lý vốn đầu tư công gồm 24 đơn vị sở, ngành cấp tỉnh và 11 huyện, thành phố. Trong đó, khối cấp tỉnh đứng đầu là Công an tỉnh giải ngân đạt 79% kế hoạch vốn giao; Công ty TNHH Huy Hoàng đạt 39%; Ban Quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn đạt 24%… ; các đơn vị giải ngân đạt dưới mức bình quân chung toàn tỉnh gồm: Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn đạt 12%; Văn phòng UBND tỉnh 3%; Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn 2% và 10 chủ đầu tư chưa giải ngân vốn đầu tư công gồm Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Thông tin và Truyền thông; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội…

ss


Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tình hình giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đầu năm 2023

          Đối với khối chủ đầu tư cấp huyện, huyện Văn Lãng đứng đầu với tỷ lệ giải ngân đạt 53% kế hoạch; Đình Lập 45% kế hoạch; Tràng Định 36% kế hoạch vốn. Các huyện: Văn Quan; Bình Gia; thành phố Lạng Sơn; Lộc Bình; Chi Lăng giải ngân đạt dưới mức bình quân chung của tỉnh.

          Thảo luận tại cuộc họp, đại diện các chủ đầu tư nêu một số khó khăn, vướng mắc như: thực hiện thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án khởi công mới các trạm y tế tuyến xã, chuẩn bị đầu tư các công trình hỗ trợ huyện nghèo chậm; tình hình giải ngân vốn sự nghiệp chương trình mục tiêu quốc gia gặp nhiều vướng mắc; nhà thầu thi công chậm dù đã tạm ứng đủ vốn theo hợp đồng, vướng mắc trong công tác thẩm định giá… Đồng thời, các chủ đầu tư cam kết tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy giải ngân trong thời gian tới như: rà soát khối lượng thực hiện, tạm ứng các dự án khởi công mới; đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh thi công.

          Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá tổng thể: mặc dù UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước tỉnh đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt công tác giải ngân nhưng kết quả giải ngân chưa đạt yêu cầu. Điều này cho thấy các chủ đầu tư chưa thực hiện chỉ đạo điều hành giải ngân vốn đầu tư công một cách quyết liệt, hiệu quả.

          Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công đến 30/6 và những tháng còn lại trong năm 2023, đồng chí yêu cầu các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện thủ tục để khởi công mới các dự án theo kế hoạch. Đồng thời chỉ đạo quyết liệt các nhà thầu tổ chức sản xuất, gia tăng khối lượng để làm thủ tục giải ngân, rà soát các dự án và từng nguồn vốn từ đó có kế hoạch cụ thể, chi tiết thực hiện giải ngân theo từng tháng, quý.

          Đồng chí giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và các chủ đầu tư thực hiện rà soát điều hoà đối với nguồn vốn thu tiền sử dụng đất, vốn xổ số kiến kiến thiết để giải ngân ngay đối với số vốn đã thu được trong 6 tháng đầu năm.

          Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Ban Dân tộc tỉnh và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND các huyện khẩn trương rà soát nhu cầu vốn sự nghiệp chương trình mục tiêu quốc gia để có giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy giải ngân nguồn vốn sự nghiệp đã được phân bổ.

Nguồn:baolangson.vn