Skip to main content

Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong thủ tục hải quan

      Hứng chịu tác động tiêu tực từ đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp gặp không ít khó khăn khi đơn hàng xuất khẩu sụt giảm đáng kể, có xu hướng thu hẹp sản xuất, thậm chí có doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động hoặc phá sản.

ss

Làm thủ tục hải quan tại Chi cục Hải quan khu vực 1 – Cát Lái, Thành phố Hồ Chí Minh.

          Việc nhận diện và tháo gỡ những “điểm nghẽn” trong thủ tục kiểm tra chuyên ngành hải quan sẽ góp phần tạo động lực tăng trưởng mới cho doanh nghiệp; giúp tiết kiệm chi phí, thời gian cũng như nâng cao hiệu quả trong quá trình hoạt động xuất nhập khẩu nói riêng, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nói chung.

          Động lực cho doanh nghiệp bứt phá

          Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), ngay từ đầu năm, Tổng cục Hải quan đã giao chỉ tiêu cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hải quan, tạo thuận lợi thương mại năm 2023 với 10 nhóm chỉ tiêu cải cách, đi kèm là các giải pháp để thực hiện.

          Trong đó, đáng chú ý tỷ lệ tờ khai luồng đỏ giảm 5%, giảm 10% tỷ lệ tờ khai luồng vàng; giảm 10% thời gian thông quan, giải phóng hàng; tăng 20% số lượng doanh nghiệp tự nguyện tham gia Chương trình hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan so với năm 2022…

          Phó Tổng cục trưởng Hải quan Hoàng Việt Cường chia sẻ, việc cắt giảm tỷ lệ tờ khai luồng đỏ, luồng vàng là một trong những nhiệm vụ quan trọng để góp phần cắt giảm thời gian thông quan, giải phóng hàng và giảm chi phí cho doanh nghiệp. Qua đó, tạo động lực mới cho doanh nghiệp phục hồi và bứt phá, tiếp tục đóng góp cho tăng trưởng kinh tế.

          Bởi theo tính toán trên số liệu tờ khai xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2022, nếu giảm được 5% tỷ lệ các lô hàng tờ khai luồng đỏ, sẽ giảm tương ứng khoảng 31 nghìn tờ khai phải kiểm tra thực tế hàng hóa, qua đó giảm gần 20 nghìn giờ công lao động cho công chức hải quan.

          Nếu giảm 10% tỷ lệ lô hàng luồng vàng sẽ cắt giảm khoảng 440 nghìn bộ hồ sơ hải quan phải kiểm tra và giảm gần 100 nghìn giờ công lao động cho công chức hải quan. Điều này sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu và cơ quan quản lý.

          Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng cho rằng, ngành hải quan đã coi doanh nghiệp là một đối tác cùng hợp tác để hoàn thành nhiệm vụ. Hải quan cũng là một trong những ngành tiên phong áp dụng bộ công cụ quản lý hiện đại vào công tác quản lý của mình. Trước đây, có chủ doanh nghiệp tâm sự, nhiều lúc không biết bị lực lượng hải quan xử phạt do vi phạm lỗi gì.

          Tuy nhiên, giờ đây mọi thứ đã rõ ràng khi sự tương tác giữa hải quan và doanh nghiệp ngày càng được cải thiện. Điều này có ý nghĩa quan trọng và không thể thiếu trong công tác “gác cửa” dòng chảy thương mại, bảo đảm sự thông quan tốt hơn cho hàng hóa của Việt Nam ra thế giới và hàng hóa phục vụ sản xuất được nhập khẩu về Việt Nam.

Sự tương tác giữa hải quan và doanh nghiệp cũng đã giúp doanh nghiệp hiểu đúng và thấy được những điểm nghẽn của mình đang ở đâu để bổ sung, chỉnh sửa khắc phục.

          Mặc dù nỗ lực cải thiện thủ tục hành chính trong kiểm tra chuyên ngành hải quan đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, song đại diện một số doanh nghiệp mong muốn đẩy mạnh cải cách thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành nhằm tạo thuận lợi thương mại cho cộng đồng doanh nghiệp.

          Đồng thời, khắc phục những bất cập, hạn chế trong quy trình thủ tục, phương pháp thực hiện để tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất nhập khẩu của cộng đồng doanh nghiệp thời gian tới.

          Bởi hệ thống văn bản pháp luật về hải quan rất lớn, nhưng thường xuyên thay đổi, thời gian từ khi ban hành đến khi có hiệu lực thì ngắn, lại chịu sự điều chỉnh của nhiều bộ, ngành có liên quan cho nên có những quy định chồng chéo, không phù hợp với thực tiễn dẫn đến gây khó khăn cho cả cán bộ công chức ngành hải quan lẫn các doanh nghiệp.

          Tiếp tục đơn giản hóa thủ tục Kiểm tra chuyên ngành

          Bên cạnh đó, các thủ tục hành chính còn nhiều điểm chưa có sự thống nhất đồng bộ giữa các bộ, ngành, cơ quan. Đơn cử như thủ tục kiểm tra chuyên ngành, về cơ bản hiện nay chưa áp dụng việc công nhận lẫn nhau, thừa nhận chất lượng hàng hóa của nước ngoài, áp dụng truy xuất nguồn gốc trong kiểm tra chuyên ngành.

          Trên thực tế, doanh nghiệp khai báo thủ tục kiểm dịch thực vật cho lô hàng xuất nhập khẩu trên cổng thông tin điện tử quốc gia, nhưng khi thông quan, cơ quan kiểm dịch cấp giấy chứng nhận kiểm dịch vẫn thực hiện công đoạn thủ công, cho nên doanh nghiệp phải in giấy chứng nhận kiểm dịch trình cơ quan hải quan xem hoặc thông báo bằng điện thoại cho công chức hải quan để làm các thao tác nghiệp vụ thông quan cho lô hàng trên hệ thống, lúc đó tờ khai mới được thông quan.

          Với thời gian kiểm tra thông quan chậm, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa, đặc biệt là nông sản.

          Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan (Tổng cục Hải quan) Phạm Quang Tuyến khẳng định, việc tiếp tục tăng tỷ lệ tờ khai luồng xanh, giảm tỷ lệ tờ khai luồng vàng, luồng đỏ xuống mức thấp nhất là mục tiêu của ngành hải quan phấn đấu đạt được để tạo điều kiện thuận lợi cho hơn 80 nghìn doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu hiện nay.

          Ngành hải quan phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành Hải quan số, trong đó, 100% thủ tục hải quan được số hóa, 100% hồ sơ nghiệp vụ được chuyển sang dạng dữ liệu điện tử,…

          Ở góc độ doanh nghiệp, ông Son Won Sik, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Korcham) mong muốn quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cần được thực hiện một cách minh bạch và công khai để cộng đồng doanh nghiệp tham gia vào quá trình này và có truy cập thuận tiện vào thông tin, góp ý đầy đủ.

          Khi văn bản quy phạm pháp luật được ban hành, cần bảo đảm văn bản quy phạm pháp luật được trình bày rõ ràng và dễ hiểu, tránh sử dụng ngôn ngữ phức tạp, khó hiểu, đa nghĩa để doanh nghiệp và các cơ quan thực thi có thể hiểu và tuân thủ một cách dễ dàng.

          Ngành hải quan cần bảo đảm cơ chế xử phạt hiệu quả và công bằng đối với việc vi phạm quy phạm, bảo đảm thực thi phù hợp, có hướng dẫn thực hiện rõ ràng, rành mạch để thống nhất thực hiện giữa các địa phương.

          Chính vì vậy, để hoạt động thương mại xuyên biên giới thuận lợi và giúp các doanh nghiệp xuất nhập khẩu giảm gánh nặng thủ tục, theo ý kiến của một số chuyên gia, với lĩnh vực xuất nhập khẩu cần phối hợp luật hóa, đơn giản hóa công tác kiểm tra chuyên ngành. Cắt giảm, đơn giản hóa và áp dụng số hóa triệt để quy trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính được thuận lợi.

          Những hoạt động thiết thực, giải pháp cụ thể của ngành hải quan sẽ tạo động lực quan trọng hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn, gia tăng thuận lợi thương mại, sớm lấy lại đà tăng trưởng cao của kim ngạch xuất nhập khẩu, tạo sự bứt phá cho doanh nghiệp thời gian tới.

Nguồn: nhandan.vn