Skip to main content

Phát triển tiểu thủ công nghiệp: Tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn

          Thời gian qua, để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế phát triển tiểu thủ công nghiệp (TTCN) trên địa bàn tỉnh, ngành công thương đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và các ngành liên quan tạo điều kiện để các cá nhân, tổ chức phát triển các cơ sở sản xuất TTCN, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân vùng nông thôn.

ss

Người dân xã Vạn Linh, huyện Chi Lăng phơi bánh dưới ánh nắng mặt trời, một công đoạn quan trọng  trong sản xuất cao khô

          Phát triển các ngành nghề TTCN ở khu vực nông thôn được coi là hướng đi quan trọng, hiệu quả giúp đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững.

Phát triển cơ sở sản xuất

          Thực tế trên địa bàn tỉnh thời gian qua, từ phát triển TTCN mà một số địa phương đã tạo dựng được sản phẩm mang thương hiệu riêng. Điển hình như tại xã Vạn Linh, huyện Chi Lăng, từ nghề sản xuất cao khô truyền thống, với sự định hướng của cấp ủy, chính quyền huyện, xã, người dân đã tập trung phát triển sản xuất và xây dựng được thương hiệu sản phẩm. Chị Triệu Thị Chuyên, Giám đốc HTX Phụ nữ sản xuất Cao khô Vạn Linh cho biết: Năm 2019, HTX được thành lập với 12 thành viên. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, HTX đã đầu tư máy móc, dây chuyền sản xuất hiện đại như: máy nghiền, máy tráng, máy sấy… Năm 2021, sản phẩm cao khô của HTX đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Bình quân mỗi năm, HTX tiêu thụ khoảng 72 tấn gạo để sản xuất ra khoảng 1.152 nghìn bó cao khô, mang lại tổng doanh thu trên 2 tỷ đồng/năm.

          Ngoài HTX Phụ nữ sản xuất Cao khô Vạn Linh, hiện nay, trên địa bàn xã Vạn Linh có gần 200 hộ sản xuất cao khô thương phẩm, là ngành nghề kinh tế mũi nhọn của xã. Chị Triệu Thị Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Linh, huyện Chi Lăng cho biết: Những năm gần đây, mỗi năm các cơ sở trên địa bàn xã tiêu thụ khoảng 1.080 tấn gạo/năm để sản xuất cao khô, tổng giá trị mang lại đạt trên 34 tỷ đồng/năm. Nghề sản xuất cao khô đã tạo việc làm cho gần 600 lao động địa phương, với mức thu nhập bình quân đạt từ 5 – 6 triệu đồng/người/tháng. Qua đó, góp phần cải thiện đời sống của người dân, nâng mức thu nhập bình quân đầu người của xã hiện nay lên 47,25 triệu đồng/người/năm.

          Không riêng xã Vạn Linh, huyện Chi Lăng, việc khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển TTCN được hầu hết các huyện, xã trên địa bàn tỉnh quan tâm phát triển. Theo số liệu của cơ quan chức năng, hiện nay, các cơ sở sản xuất TTCN khu vực nông thôn của tỉnh phát triển khá nhiều về số lượng, đa dạng ngành nghề với 389 cơ sở và 5.453 gia đình. Cùng với đó, trên địa bàn tỉnh đã có 15 nghề truyền thống và 10 làng có nghề sản xuất TTCN tập trung. Các ngành, nghề chủ yếu gồm: chế biến, bảo quản nông, lâm sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, dệt may; cơ khí, vật liệu xây dựng…

          Trong đó, tỉnh có 4 làng có nghề truyền thống hiện đã và đang được bảo tồn, phát triển theo hướng lâu dài gồm: làng nghề làm cao khô (mì gạo) xã Vạn Linh, huyện Chi Lăng và xã Yên Phúc, huyện Văn Quan; làng nghề đan lồng chim xã Chiến Thắng, xã Vân An, huyện Chi Lăng; làng nghề nấu rượu men lá theo phương pháp thủ công tại xã Công Sơn, xã Mẫu Sơn, huyện Cao Lộc; làng nghề đan nong, nia tại xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng.

Nâng cao chất lượng ngành nghề

          Để thúc đẩy phát triển TTCN, thời gian qua, các cấp, ngành liên quan, trong đó nòng cốt là ngành công thương đã triển khai nhiều giải pháp như: thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng công nghiệp; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chính sách mới liên quan đến công nghiệp, TTCN cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; quan tâm, hỗ trợ các cơ sở sản xuất xây dựng thương hiệu, tham gia các hội chợ, triển lãm để quảng bá sản phẩm; phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức chương trình bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, lựa chọn sản phẩm đưa đi tham dự các cuộc bình chọn cấp khu vực và quốc gia…

          Đặc biệt, hằng năm, ngành công thương còn triển khai từ 8 đến 11 đề án khuyến công để hỗ trợ các cơ sở sản xuất đầu tư nâng cấp, cải tiến công nghệ, dây truyền sản xuất. Từ đó, giúp các cơ sở tối ưu hóa quy trình sản xuất, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh, nâng chất lượng, giá trị sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường.

          Chị Hoàng Thị Ngọc Mai, chủ cơ sở sản xuất, phân phối nước đá sạch tại Khu 7, thị trấn Đình Lập, huyện Đình Lập cho biết: Nhờ được tư vấn và từ nguồn vốn khuyến công địa phương hỗ trợ năm 2021 và 2023 (tổng 335 triệu đồng), tôi đã đầu tư, lắp đặt hoàn thiện máy móc, thiết bị dây chuyền sản xuất nước đá sạch. Năm 2023, cơ sở cung cấp ra thị trường khoảng 90.000 bình nước lọc tinh khiết (loại 18,5 lít nước/bình), hơn 36.000 thùng nước đóng chai (chai 350ml), hơn 200.000 túi đá sạch, gấp đôi so với năm 2021; tạo việc làm cố định cho 8 lao động với thu nhập bình quân từ 5 – 6 triệu đồng/người/tháng.

          Tính từ năm 2021 đến nay, ngành công thương đã hỗ trợ được 25 cơ sở sản xuất TTCN đầu tư, nâng cấp máy móc thiết bị với tổng kinh phí hơn 4 tỷ đồng. Bên cạnh đó, hiện toàn tỉnh đã có 45 sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, trong đó có 13 sản phẩm được công nhận cấp khu vực và trong 13 sản phẩm này tiếp tục có 3 sản phẩm được công nhận cấp quốc gia.

Theo Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chỉnh phủ thì các làng nghề, làng nghề truyền thống, làng có nghề truyền thống, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã sản xuất kinh doanh các ngành nghề nông thôn cũng thuộc lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp. Tại Lạng Sơn, lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp có các ngành nghề chủ yếu như: chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; xử lý, chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ; sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh…

          Cùng với đó, hằng năm, ngành công thương phối hợp với các ngành lao động, thương binh và xã hội; nông nghiệp và phát triển nông thôn; chính quyền các huyện, thành phố… triển khai các giải pháp phát triển TTCN trên địa bàn tỉnh như: hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng với mục tiêu nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề, chú trọng công tác đào tạo nghề TTCN cho lao động là người dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ cận nghèo, các đối tượng chính sách; tăng cường đào tạo các ngành nghề thuộc lĩnh vực TTCN; đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện giáo dục định hướng, tuyển sinh và đào tạo các nghề cho lao động nông thôn...

          Ông Đinh Kỳ Giang, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Hiện tại, sở đang tiếp tục tham mưu UBND tỉnh thực hiện các giải pháp đẩy mạnh khôi phục và phát triển các nghề và làng có nghề TTCN truyền thống có chiều hướng bị mai một trên nguyên tắc đảm bảo khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước; triển khai các ngành nghề TTCN mới phù hợp với thực tiễn địa phương, nơi có điều kiện về nguyên liệu, lao động và cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển. Chú trọng các nghề có khả năng thu hút lao động, vốn đầu tư công nghệ và kỹ thuật, trong đó quan tâm đến thị hiếu và thị trường tiêu thụ, gắn với Chương trình OCOP.

          Với sự quan tâm của cơ quan chức năng, các cấp chính quyền và sự chủ động của các cơ sở, gia đình, hoạt động sản xuất TTCN trên địa bàn tỉnh ngày một phát triển. Năm 2023, tổng giá trị sản xuất TTCN trên địa bàn tỉnh đạt hơn 2.275 tỷ đồng, tăng 7,26% so với năm 2022. Cùng đó, các cơ sở TTCN đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho khoảng 12.000 lao động nông thôn với mức thu nhập đạt 5 - 8 triệu đồng/người/tháng.

Nguồn: baolangson.vn