Skip to main content

Ký kết Bản Thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Thông tin và Truyền thông về hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và thúc đẩy phát triển kinh tế số

        Trong khuôn khổ Phiên họp chuyên đề lần thứ 2 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số với chủ đề "Giải pháp đột phá để phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực" diễn ra chiều ngày 30/8/2023 do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức đã diễn ra Lễ Ký kết Bản Thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Thông tin và Truyền thông về hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và thúc đẩy phát triển kinh tế số dưới sự chứng kiến của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung và Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng.

ss

Thứ trưởng Đỗ Thành Trung phát biểu tại Lễ Ký kết. Ảnh: MPI

 
 

          Phát biểu tại Lễ Ký kết, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cho biết, trong suốt thời gian qua, chuyển đổi số, đặc biệt là chuyển đổi số cho doanh nghiệp được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định là một trong những nhiệm vụ ưu tiên, quan trọng hàng đầu để thực hiện hóa đột phá chiến lược đã được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII thông qua, trong đó có nội dung “lấy doanh nghiệp làm trung tâm nghiên cứu phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ số”.
          Theo đó, chuyển đổi số cho doanh nghiệp chính là cách hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời nhất, nhanh nhất, hiệu quả nhất nhằm nâng cao năng lực, sức cạnh tranh, khả năng thích ứng và phát triển của doanh nghiệp phù hợp với xu thế vận động mới, bối cảnh và tình hình mới. Đây cũng chính là nhân tố quan trọng để góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiểu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Thực hiện các định hướng, nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, cơ quan Trung ương, hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp, nhất là Bộ Thông tin và Truyền thông để nghiên cứu, tham mưu xây dựng các cơ chế, chính sách, triển khai thực hiện nhiều chương trình, hoạt động cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa thúc đẩy phát triển kinh tế số.
Các cơ chế, chính sách đã được thể chế hóa trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và các nghị định hướng dẫn thi hành, trong đó nhiều chính sách như hỗ trợ kinh phí đào tạo, tư vấn, thuê, mua giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp… đã được cụ thể hóa trong các quy định. Đây chính là những viên gạch mang tính chất nền móng và căn cứ pháp lý để các cơ quan, tổ chức, hỗ trợ doanh nghiệp có thể sử dụng nguồn lực của mình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số.
          Cùng với đó, để hỗ trợ trực tiếp chuyển đổi số cho doanh nghiệp, từ tháng 01/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã huy động các nguồn lực trong và ngoài nước, phối hợp với các bộ ngành, đặc biệt là Bộ Thông tin và Truyền thông, các địa phương để triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 với nhiều nội dung, hoạt động cụ thể và đạt được những kết quả bước đầu tích cực, đáng ghi nhận.
          Cụ thể như, xây dựng Công cụ đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số, các tài liệu hướng dẫn chuyển đổi số cho doanh nghiệp ở các lĩnh vực như sản xuất công nghiệp, sản xuất nông nghiệp, chế biến thực phẩm, logistics…; Triển khai đào tạo trực tiếp về chuyển đổi số tại 40 tỉnh, thành phố trên toàn quốc cho hơn 10.000 doanh nghiệp; Xây dựng và đào tạo mạng lưới hơn 100 chuyên gia tư vấn chuyển đổi số, và kết nối, cử đi hỗ trợ doanh nghiệp triển khai chuyển đổi số một cách bài bản; Toàn bộ các công cụ, các tài liệu, video đào tạo và công bố các gói hỗ trợ chuyển đổi số đã được số hóa và đăng tải 24/7 trên Cổng thông tin https://digital.business.gov.vn để phổ biến một cách rộng rãi. Bất kỳ doanh nghiệp nào cũng có thể dễ dàng truy cập, tiếp cận các tài liệu, kiến thức, kết nối mạng lưới chuyên gia, giải pháp công nghệ số và thông tin hỗ trợ của Chính phủ về chuyển đổi số trong doanh nghiệp.

ss

Lễ Ký kết giữa Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông. Ảnh: MPI

 
 

Thứ trưởng Đỗ Thành Trung chia sẻ, theo kết quả khảo sát tại Báo cáo thường niên Chuyển đổi số doanh nghiệp do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện, các doanh nghiệp đã có những chuyển biến rõ rệt trong nhận thức về sự cần thiết của chuyển đổi số. Nhiều doanh nghiệp đã bước vào giai đoạn số hóa dữ liệu, chuẩn hóa quy trình, ứng dụng công nghệ số và tiến tới chuyển đổi số ở phạm vi rộng và đồng bộ hơn. Đây là kết quả đáng ghi nhận từ nỗ lực của các doanh nghiệp, của cả bộ máy chính trị từ trung ương đến địa phương, của các tổ chức hiệp hội trong công tác hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số.
          Tuy nhiên, những kết quả đạt được này còn khá khiêm tốn, các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn đang gặp nhiều khó khăn, hạn chế trong quá trình chuyển đổi số. Chính vì vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mong muốn Thỏa thuận hợp tác giữa hai Bộ sẽ thúc đẩy hợp tác, phát huy vai trò, thế mạnh và nguồn lực sẵn có của hai Bộ để đưa công tác hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số trong thời gian tới có nhiều bước tiến mới, đột phá hơn, góp phần thúc đẩy kinh tế số một cách nhanh chóng, hiệu quả.
          Trước đó đã diễn ra Phiên họp chuyên đề lần thứ 2 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số. Phiên họp được kết nối trực tuyến với điểm cầu của 63 địa phương nhằm mục đích chỉ ra được các tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc mà các bộ, ngành, địa phương gặp phải trong quá trình phát triển kinh tế số vừa qua và cách tháo gỡ tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc đó; chỉ ra các nhiệm vụ mà bộ, ngành, địa phương cần tập trung triển khai và các hướng dẫn, hỗ trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông giúp các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực, địa phương đi vào thực chất, hiệu quả.

ss

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu kết luận. Ảnh: MPI

 
 

          Tại Phiên họp, đại diện các bộ, ngành, địa phương đã trao đổi, thảo luận về các giải pháp phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực, như: Chuyển đổi số cảng biển, phát triển cửa khẩu số, nền tảng quản trị và kinh doanh vận tải Smartlog hướng tới giải quyết vấn đề logistics quốc gia, phát triển kinh tế số du lịch, dệt may, giải pháp chiếu sáng thông minh vào chuyển đổi số nông nghiệp… Đồng thời, nêu ra những khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển kinh tế số.
          Phát biểu kết luận Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, kinh tế số đã và đang đóng vai trò ngày một quan trọng và trở thành động lực chính để phát triển kinh tế, đặc biệt là trong và sau khi đại dịch Covid-19 diễn ra. Chính vì vậy, Việt Nam cần thúc đẩy chuyển đổi số để tạo ra kinh tế số trong từng ngành, từng lĩnh vực, đưa dữ liệu và công nghệ số thẩm thấu một cách tự nhiên, mặc định vào từng hoạt động của nền kinh tế. Chuyển đổi số, phát triển kinh tế số là một chặng đường dài, đầy khó khăn, thách thức và cần có những giải pháp đột phá mới có thể đạt được các mục tiêu đề ra trong tương lai./.

Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư