Skip to main content

Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Đại Đồng: Cầu nối tiêu thụ nông, lâm sản cho người dân

        Mặc dù mới đi vào hoạt động hơn 2 năm nhưng Hợp tác xã (HTX) Nông lâm nghiệp Đại Đồng, thôn Phiêng Luông, xã Đại Đồng, huyện Tràng Định đã phát huy vai trò trong việc tìm kiếm thị trường, bao tiêu sản phẩm quế, hồi và thạch đen cho bà con trên địa bàn huyện.

          Thạch đen, quế, hồi là những cây trồng chủ lực đem lại giá trị kinh tế cao cho người dân huyện Tràng Định. Hiện nay, toàn huyện có khoảng 5.000 ha quế, trên 2.000 ha thạch đen và hơn 2.400 ha hồi, trồng tập trung tại các xã: Đoàn Kết, Tân Tiến, Kim Đồng…

ss

Thạch đen sau thu mua được công nhân HTX Nông lâm nghiệp Đại Đồng đưa vào máy ép thành từng khối và đóng gói xuất khẩu

          Chị Nguyễn Thu Hằng, Giám đốc HTX cho biết: Tràng Định là huyện có thế mạnh phát triển cây quế, hồi và thạch đen. Tuy nhiên, đầu ra của các sản phẩm chưa thực sự ổn định, giá cả bấp bênh. Xuất phát từ thực tế đó, tháng 1/2021, HTX Nông lâm nghiệp Đại Đồng được thành lập với 8 thành viên, hoạt động chính trong lĩnh vực thu mua nông, lâm sản (vỏ quế, hoa hồi và cây thạch đen).

          Theo đó, để bao tiêu sản phẩm quế, hồi và thạch đen cho bà con, HTX đã chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ phục vụ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và kết nối với người dân để thu mua các sản phẩm. Hiện nay, HTX liên kết, thu mua sản phẩm cho người dân tại các xã trên địa bàn huyện, một số huyện lân cận trên địa bàn tỉnh như: Bình Gia, Bắc Sơn và huyện Thạch An (tỉnh Cao Bằng) với giá ổn định.

          Anh La Văn Tuyển, thôn Pàn Dào, xã Kim Đồng cho biết: Gia đình tôi có gần 5 ha hồi, mỗi năm cho thu trung bình từ 3 đến 4 tấn hoa hồi. Ngoài ra, gia đình có thêm gần 5 ha quế, đã cho khai thác chọn lọc. Thay vì phải đợi thương lái đến thu mua như trước, hiện nay, sản phẩm từ cây quế, hồi của gia đình thu hoạch đến đâu đều được HTX Nông lâm nghiệp Đại Đồng thu mua đến đó với giá ổn định. Riêng từ đầu năm 2023 đến nay, gia đình đã bán cho HTX gần 1 tấn vỏ quế tươi. Nhờ đó, bình quân mỗi năm gia đình có thu nhập trên 100 triệu đồng từ trồng quế, hồi.

          Không chỉ gia đình anh Tuyển, được biết, trước đây khi chưa có HTX, người dân phải đợi thương lái đến thu mua nên giá cả bấp bênh, có thời điểm còn bị ép giá. Từ khi có HTX Nông lâm nghiệp Đại Đồng thu mua, người dân yên tâm về đầu ra sản phẩm.

          Được biết, hiện nay, HTX liên kết với một số công ty tại các tỉnh như: Cao Bằng, Hà Giang… để xuất khẩu sản phẩm quế, hồi, thạch đen sang thị trường Trung Quốc. Từ khi thành lập đến nay, trung bình mỗi năm, HTX thu mua được trên 1.000 tấn thạch đen, hơn 200 tấn hồi và 100 tấn vỏ quế. Riêng từ đầu năm 2023 đến nay, HTX đã thu mua được trên 500 tấn thạch đen với giá dao động từ 10.000 đến 20.000 đồng/kg; gần 100 tấn vỏ quế với giá dao động từ 40.000 đến 50.000 đồng/kg, tùy chất lượng và thời điểm. Dự kiến, khoảng tháng 8 tới, HTX tiếp tục thu mua hoa hồi của người dân. Nhờ hoạt động hiệu quả, HTX đã góp phần đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm nông, lâm nghiệp chủ lực của huyện, tăng thu nhập cho các thành viên HTX. Năm 2022, doanh thu của HTX đạt trên 1 tỷ đồng, đem lại thu nhập cho các thành viên hơn 100 triệu đồng/năm. Ngoài tăng thu nhập cho các thành viên, HTX còn tạo việc làm thời vụ cho nhiều lao động tại địa phương; riêng từ đầu năm 2023 đến nay, có thời điểm HTX tạo việc làm cho từ 30 đến 50 lao động…

          Ông Nông Ngọc Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Đồng cho biết: Thời gian qua, HTX Nông lâm nghiệp Đại Đồng đã phát huy vai trò là cầu nối tiêu thụ sản phẩm từ cây quế, hồi và thạch đen cho bà con. Thời gian tới, UBND xã sẽ tiếp tục quan tâm tuyên truyền, hướng dẫn trình tự, thủ tục giúp HTX tiếp cận với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước như: vay vốn ưu đãi mở rộng quy mô sản xuất, hỗ trợ tìm kiếm, kết nối tiêu thụ sản phẩm… Qua đó, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

          Với sự năng động, nhạy bén trong liên kết, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, HTX Nông lâm nghiệp Đại Đồng thực sự là cầu nối giúp tiêu thụ các sản phẩm nông, lâm sản đặc trưng của huyện. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn.

Nguồn: baolangson.vn