Skip to main content

Phải liệt kê từng cái kìm, 350.000 DN vẫn cần xin giấy phép

          Tỷ lệ doanh nghiệp phải xin giấy phép kinh doanh có điều kiện đã giảm mạnh, nhưng ước tính  vẫn có đến gần 350 nghìn doanh nghiệp phải xin một loại giấy phép con nào đó. Thực tế, có những quy định về điều kiện kinh doanh yêu cầu liệt kê từng cái kìm, cờ lê, mỏ lết… với doanh nghiệp.

Ảnh minh họa

          Theo báo cáo về tình hình triển khai Nghị quyết 02 của Chính phủ vừa được VCCI công bố, năm 2018 là năm trọng điểm về cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh và ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Thực hiện yêu cầu của Chính phủ, hầu hết các bộ đều đã ban hành được Nghị định về cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực mình quản lý.

          Các điều kiện đầu tư kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hoá của nhiều bộ vượt mức 50%. Tại các văn bản pháp lý khác thì quá trình xây dựng, thẩm định cũng được chú trọng hơn vào yếu tố kiểm soát sự ban hành mới các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư kinh doanh.

          Những nỗ lực này mang lại hiệu quả khá tích cực và được các doanh nghiệp phản ánh ngay qua các kết quả điều tra. Nếu như năm 2017 có 58% doanh nghiệp phải xin giấy phép kinh doanh có điều kiện thì năm 2018 đã giảm xuống chỉ còn 48%. Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết họ gặp khó khăn khi xin giấy phép cũng giảm từ 42% xuống còn 34%.

          “Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận thì với 48% doanh nghiệp phải xin giấy phép kinh doanh vẫn ở mức cao. Vì nếu nhân con số này với hơn 714 nghìn doanh nghiệp hiện nay thì tức là có đến gần 350 nghìn doanh nghiệp vẫn phải xin một loại giấy phép con nào đó”, VCCI nhận định.

          Đáng lưu ý, VCCI nhắc tới việc trong một số đạo luật mới ban hành gần đây có hiện tượng các điều kiện đầu tư kinh doanh được đưa vào tương đối chung chung rồi giao Chính phủ quy định chi tiết ở cấp Nghị định.

          Các điều kiện đầu tư kinh doanh trong luật thường rất chung chung như điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi trong Luật Chăn nuôi, điều kiện sản xuất phân bón trong Luật Trồng trọt, hay điều kiện cơ sở đóng tàu cá trong Luật Thuỷ sản. Các quy định chung chung này không thể được áp dụng trực tiếp mà cần có hướng dẫn một cách định lượng, rõ ràng.

          Đến khi xây dựng Nghị định, các phương án cụ thể hoá rất khác nhau. Báo cáo của VCCI đưa ví dụ, Nghị định 26/2019/NĐ-CP thì liệt kê từng cái kìm, cờ lê, mỏ lết… là điều kiện một cơ sở đóng tàu cá phải có.

          “Cách làm này rất bất cập vì cơ quan nhà nước liệt kê từng trang thiết bị thì có thể dẫn đến vừa thừa, vừa thiếu. Nếu cơ quan nhà nước không áp dụng biện pháp liệt kê mà lại quy định định tính thì có nguy cơ không đáp ứng yêu cầu về tính minh bạch của quy định. Nhưng do các điều kiện này đã có trong Luật nên cấp Nghị định không thể bãi bỏ được. Trong những trường hợp như vậy, việc bãi bỏ các điều kiện đầu tư kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn”, báo cáo viết.

          “Nhiều bộ ngành có vẻ không muốn tiếp tục cắt giảm”

          Mặt khác, theo VCCI, năm 2019, một số bộ tiếp  tục đưa ra Nghị định cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực do mình quản lý. Hiện nay, theo ghi nhận đã có Bộ Công Thương, Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra dự thảo Nghị định cắt giảm hoặc đang trong quá trình rà soát. Nhiều bộ ngành khác có vẻ như không muốn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ này vì đã làm ở đợt cắt giảm năm 2018.

          Trong những bộ có tiếp tục rà soát thì mức độ cắt giảm cũng không được mạnh mẽ như năm trước. Theo đánh giá của VCCI, hiện nay vẫn còn nhiều điều kiện đầu tư kinh doanh không hợp lý, không minh bạch, không khả thi. Tuy nhiên, về mặt lập pháp thì việc tiếp tục bãi bỏ, đơn giản hoá các quy định về điều kiện kinh doanh khó có thể tiếp tục được thực hiện ở cấp nghị định, mà phải ở cấp luật. Các đạo luật cần được điều chỉnh bao gồm cả phụ lục 4 của Luật Đầu tư và các đạo luật trong các lĩnh vực quản lý chuyên ngành.

          Sau hơn ba năm, kể từ năm 2016, Danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đang tiếp tục được tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung. Với tinh thần vừa thúc đẩy cải cách, tạo thuận lợi cho môi trường đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp vừa đảm bảo mục tiêu quản lý nhà nước, Danh mục đã được kiến nghị sửa đổi, bổ sung theo hướng: bãi bỏ 12 ngành nghề; sửa đổi 19 ngành nghề, bổ sung thêm 06 ngành nghề, chuyển “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào các ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh.

          Như vậy, có thể thấy việc sửa đổi, bổ sung Danh mục lần này sẽ là một bước tiến nữa trong hoạt động thúc đẩy quyền tự do kinh doanh khi đã giảm thêm số ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trong Danh mục.

          Tuy nhiên, nếu đối chiếu với các kiến nghị của doanh nghiệp trong suốt mấy năm qua thì việc sửa đổi lần này vẫn chưa đạt như kỳ vọng.

          VCCI cho rằng, nhiều ngành nghề không nên xác định là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện vẫn tiếp tục được giữ lại (ví dụ: “xuất khẩu gạo”; “Kinh doanh dịch vụ đóng mới, hoán cải, sửa chữa tàu biển”; “Kinh doanh dịch vụ sản xuất, phát hành và phổ biến phim; Kinh doanh dịch vụ lữ hành”...).

          Trong khi đó, việc bổ sung các ngành, nghề kinh doanh mới với mối liên hệ với các mục tiêu quản lý nhà nước “vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng” cũng chưa thực sự rõ ràng và thuyết phục.

          Doanh nghiệp rất kỳ vọng cải cách kiểm tra chuyên ngành
Nghiên cứu gần nhất của VCCI về mức độ hài lòng của doanh nghiệp về thực hiện thủ tục hành chính xuất nhập khẩu công bố trong quý I/2019 cho thấy những thủ tục kiểm tra chuyên ngành mà doanh nghiệp thường gặp nhất là quản lý chất lượng hàng hóa – cấp phép thuộc lần lượt các Bộ: Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, và Bộ Y tế. Nghiên cứu của VCCI có phân loại các thủ tục theo các nhóm: quản lý chất lượng hàng hóa, quản lý an toàn thực phẩm và các lĩnh vực quản lý chuyên ngành khác.

          Kết quả cho thấy phần lớn các doanh nghiệp (dao động trong phạm vi tỷ lệ doanh nghiệp 60-70%) đánh giá mức độ khó/dễ thực hiện các thủ tục này ở ngưỡng bình thường (trong 5 cấp độ: rất dễ/dễ/bình thường/khó/rất khó). Chỉ khoảng 15-27% đánh giá việc thực hiện các thủ tục trên là dễ hoặc rất dễ thực hiện.

          Ở lĩnh vực quản lý chất lượng hàng hóa, các nhóm thủ tục chính gồm: (i) cấp phép và giấy tờ tương đương, (2) thủ tục công bố hợp quy, và (3) thủ tục kiểm tra chất lượng.

          Với thủ tục cấp giấy phép và giấy tờ tương đương trong lĩnh vực quản lý chất lượng hàng hóa, tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn cao nhất là khi thực hiện tại Bộ Y tế (26%), thấp nhất là Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (14%). Khi thực hiện thủ tục công bố hợp quy của nhóm thủ tục chất lượng hàng hóa , các bộ, ngành có tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn cao nhất là Bộ Y tế (24%), thấp nhất là Bộ Công Thương (14%). Khi thực hiện thủ tục kiểm tra chất lượng, tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn cao nhất là khi thực hiện thủ tục của Bộ Thông tin và Truyền thông (17%), thấp nhất là của Bộ, ngành khác (9%).

          Lĩnh vực Quản lý an toàn thực phẩm, 3 nhóm thủ tục chính gồm: (1) Thủ tục cấp giấy phép và các giấy tờ tương đương, (2) Thủ tục công bố hợp quy và (3) Thủ tục kiểm tra an toàn thực phẩm. Đối với nhóm thủ tục cấp giấy phép và các giấy tờ tương đương, tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn cao nhất là khi thực hiện thủ tục tại Bộ Y tế (22%), thấp nhất là ở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (15%). Với nhóm thủ tục công bố hợp quy, việc thực hiện khó khăn nhất là ở Bộ Y tế (23%), thấp nhất là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (11%).

          Đối với nhóm thủ tục kiểm tra an toàn thực phẩm, tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục cao nhất vẫn là Bộ Y tế (16%), và thấp nhất vẫn là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (9%).

          Lĩnh vực quản lý chuyên ngành được đánh giá với 3 thủ tục: kiểm dịch động vật, kiểm dịch thực vật và kiểm tra văn hóa. Trong đó, tỷ lệ  doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục kiểm dịch động vật và kiểm dịch thực vật lần lượt là 14% và 13%. Với thủ tục kiểm tra văn hóa, tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn là 17%.

          Năm 2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 99/NQ-CP phiên họp thường ký tháng 10, trong đó có nhấn mạnh về cải cách kiểm tra chuyên ngành tại các Bộ. Thậm chí, tại Nghị quyết này, Chính phủ đã nêu tên từng mặt hàng cụ thể và chỉ đạo biện pháp tháo gỡ, yêu cầu các Bộ phải sửa đổi quy định theo hướng này. Đây là biện pháp khá quyết liệt vì hiếm khi nào Chính phủ trực tiếp chỉ đạo từng nội dung chi tiết như vậy. Với những chỉ đạo quyết liệt như vậy, các doanh nghiệp hiện đang kỳ vọng rằng nhiều vướng mắc trong lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành sẽ sớm được tháo gỡ. 

Nguồn: chinhphu.vn