Skip to main content

Tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp

Trong bối cảnh điều kiện kinh doanh suy giảm, nguồn lực doanh nghiệp cạn kiệt, câu chuyện tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng không chỉ phụ thuộc vào vấn đề lãi suất, hay điều kiện cho vay, mà còn bởi sự hấp thụ vốn của doanh nghiệp. Chính vì vậy, làm thế nào để tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp, đang là một bài toán khó, cần các giải pháp đồng bộ từ nhiều phía.

ss

 

Do tổng cầu giảm, nhu cầu về vốn của nhiều doanh nghiệp dệt may cũng không cao như năm 2022.

          Cuối tháng 7, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo một số giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp, yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay, đồng thời, khẩn trương thanh tra, giám sát các ngân hàng thương mại trong hoạt động cấp tín dụng, rà soát toàn bộ thủ tục, điều kiện cấp tín dụng để tăng nhanh khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp, người dân, nâng cao khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.

          Giảm tiếp lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp

          Thực tế, bắt đầu từ quý IV/2022 đến thời điểm hiện tại, các ngành may mặc, chế biến, chế tạo, xuất khẩu,… đều rơi vào khó khăn. Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Thân Ðức Việt cho biết, ngành dệt may nói chung và Tổng công ty May 10 nói riêng bị ảnh hưởng do tổng cầu sụt giảm.

          Ðối với May 10, các đơn hàng xuất khẩu cho các thị trường truyền thống sụt giảm từ 20 đến 30% so với sáu tháng cùng kỳ năm 2022. Ðó cũng là một trong những lý do khiến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam từ đầu năm đến nay đã có bốn lần giảm lãi suất điều hành nhưng May 10 không có nhu cầu vay vốn.

          “Thời gian qua, May 10 đã linh hoạt sử dụng nguồn vốn tự có, giảm vay vốn ngân hàng để cân đối chi phí tài chính cho doanh nghiệp. Mặt khác, do tổng cầu giảm, nhu cầu về vốn của doanh nghiệp cũng không cao như năm 2022. Rõ ràng có thể thấy, nhu cầu vốn phụ thuộc vào tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, vì vậy khi doanh nghiệp dần hồi phục thì cầu tín dụng cũng sẽ tăng lên”.

          Thân Ðức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam

          Nói về những khó khăn của doanh nghiệp hiện đang gặp phải, Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn HDC Vũ Công Huân cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, mảng xuất khẩu thật sự khó khăn, đơn hàng giảm tới 25-27% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù giá nguyên vật liệu hiện tại cũng giảm 30-35% nhưng khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp nhỏ và vừa là nguồn vốn để bán được hàng. Với số đơn hàng hiện tại, lượng cung cấp của doanh nghiệp chỉ đạt 35% so với năng lực thực tế.

          Hiện nay các doanh nghiệp đang trong giai đoạn rất khó khăn khi sản xuất, kinh doanh bị đình trệ, đơn hàng giảm sút, nguồn vốn cạn kiệt. Ðể các doanh nghiệp tiếp tục duy trì được hoạt động sản xuất, kinh doanh, nguồn vốn đóng vai trò quan trọng. Vì vậy, các doanh nghiệp mong muốn tiếp cận nguồn lực về tài chính, nhất là nguồn vốn ưu đãi lãi suất thấp để phục hồi. Cùng với những chính sách giảm lãi suất, các tổ chức tín dụng cần tạo nhiều điều kiện để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn, trong đó đẩy mạnh các chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp.

          Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội (HANSIBA)

          Về phía ngành ngân hàng, để đáp ứng nhu cầu vốn với lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp khi cần, các ngân hàng thương mại đã triển khai nhiều giải pháp. Phó Tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Ðầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Trần Long cho biết: Từ đầu năm đến nay, BIDV đã bốn lần điều chỉnh giảm sàn lãi suất cho vay với mức giảm từ 1,1%-1,3%/năm. Bên cạnh đó, BIDV chủ động thiết kế và ban hành nhiều gói tín dụng ngắn hạn, trung dài hạn với lãi suất ưu đãi từ 0,5%-2%/năm với quy mô lên tới 253 nghìn tỷ đồng nhằm hỗ trợ các khách hàng phục hồi, duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh.

          Trong khi đó, Phó Giám đốc phụ trách Khối Ngân hàng Doanh nghiệp Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn-Hà Nội (SHB) Ðinh Ngọc Dũng cho rằng, dù đã triển khai nhiều giải pháp nhưng tăng trưởng tín dụng của SHB nửa đầu năm 2023 vẫn chậm. Do đó những tháng cuối năm, SHB sẽ tiếp tục rà soát, cắt giảm thủ tục, đơn giản hóa và rút ngắn quy trình, thủ tục cho vay, số hóa toàn bộ quy trình cho vay để giảm đáng kể thời gian xét duyệt và thẩm định cho vay, tạo điều kiện cho khách hàng có thể tiếp cận nhanh chóng, thuận lợi nhất với nguồn vốn tín dụng ngân hàng.

          Khơi thông thị trường vốn

          Nhìn lại thị trường tiền tệ thời gian qua có thể thấy, trong bối cảnh các động lực tăng trưởng kinh tế rất khó khăn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã bốn lần giảm lãi suất điều hành, kết hợp đồng bộ các công cụ chính sách khác. Ðặc biệt, thanh khoản thị trường liên ngân hàng dồi dào, nguồn vốn của các tổ chức tín dụng dư thừa. Nhưng bởi cầu tín dụng giảm mạnh, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu, nên câu chuyện hỗ trợ tăng sức cầu cho doanh nghiệp và người dân nhằm khơi thông nguồn vốn là vấn đề rất cần được quan tâm trong thời điểm này.

          Vốn tín dụng chỉ là một phần của các cơ cấu nguồn lực và vốn trong nền kinh tế. Bên cạnh vốn tín dụng, nền kinh tế còn có vốn đầu tư của khu vực tư nhân, vốn đầu tư của ngân sách nhà nước, kiều hối cũng như vốn đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp nước ngoài. “Câu chuyện đặt ra là chúng ta phải tạo được một cơ chế điều phối các chính sách nhuần nhuyễn để bảo đảm khơi thông được tất cả các nguồn lực này, trong đó có tín dụng ngân hàng”.

          Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam)

          Ðồng thời, trong bối cảnh này, nếu tiếp tục để nền kinh tế phát triển dựa vào tín dụng, tín dụng tài trợ cho nền kinh tế, cho những nhu cầu của nền kinh tế,… sẽ không phải là con đường phát triển bền vững, tạo nên tăng trưởng bền vững, tạo nên tăng trưởng bao trùm. Do đó, nền kinh tế đòi hỏi những nguồn lực khác, trong đó có nguồn lực đặc biệt quan trọng là nguồn lực từ thị trường chứng khoán, thị trường tài chính.

          Trên một góc độ khác, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Mùi, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cũng cho rằng, hiện có đến 80% doanh nghiệp phản ánh các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chưa được địa phương triển khai hiệu quả, nhất là chưa giải quyết được các vấn đề thực tiễn nảy sinh. Do đó, bên cạnh nỗ lực từ doanh nghiệp, ngân hàng, còn cần sự vào cuộc của địa phương một cách thiết thực, phát huy thực hiện và truyền thông chính sách. Nếu không tháo gỡ nút thắt về cơ chế, pháp lý thì sẽ rất khó để doanh nghiệp tiếp cận tín dụng ngân hàng.

          Ngoài ra, theo thống kê sơ bộ, hơn 95% doanh nghiệp trong nước là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong bối cảnh khó khăn vừa qua, những doanh nghiệp nhỏ và vừa bị tác động rất lớn và thời điểm hiện tại, khả năng tiếp cận vốn ngân hàng ngày càng khó hơn. Một điều quan trọng được lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lưu ý là cần thực thi chính sách như thế nào trong bối cảnh tín dụng dư thừa nhưng cầu tín dụng yếu, chất lượng doanh nghiệp bị giảm.

“Mặc dù Ngân hàng Nhà nước cố gắng không giảm chuẩn cho vay nhưng chất lượng doanh nghiệp giảm nên phía cung và cầu tín dụng rất khó gặp nhau. Vì vậy, một trong những câu chuyện quan trọng nhất để cung và cầu gặp nhau hiện nay là Nhà nước cần có chính sách nâng được chuẩn của người đi vay. Ðể làm được việc này, Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu sửa đổi, bổ sung những quy định, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, liên quan Quỹ bảo lãnh cho các khoản vay của doanh nghiệp nhỏ và vừa, từ đó giúp doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn”, Vụ trưởng Phạm Chí Quang nhấn mạnh.

          Ðể giải quyết bài toán nâng cao khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, không thể dựa vào mỗi chính sách tiền tệ, mà cần lực đẩy từ nhiều phía. Biện pháp quan trọng nhất lúc này là tăng tổng cầu nền kinh tế, giải quyết hàng tồn kho của doanh nghiệp thông qua tăng cầu tiêu dùng, đẩy mạnh sức mua, cùng với đó là thúc đẩy xuất khẩu thông qua việc tập trung khai thác, vận dụng và phát huy có hiệu quả, thực chất các Hiệp định thương mại tự do,…

          Ông ÐÀO MINH TÚ

          Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Nguồn: nhandan.vn