Skip to main content

Hội nghị trực tuyến của Thủ tướng Chính phủ làm việc với doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và địa phương về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong bối cảnh đại dịch Covid-19: “Lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ, đồng hành”

          Hội nghị được tổ chức trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đã gây tác động tiêu cực đến kinh tế xã hội của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần duy trì tăng trưởng GDP dương năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021 đạt 5,64%. Tuy nhiên, hiện nay tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, tốc độ lây lan rất nhanh (nhất là đợt dịch bùng phát trong tháng 7/2021), các doanh nghiệp đang tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong khi các nguồn lực dữ trữ đang cạn dần, thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi hoặc đang phục hồi rất chậm.

          Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cảm ơn các doanh nhân, doanh nghiệp đã có nhiều đóng góp trong thời gian qua. Chính phủ rất quan tâm, chia sẻ và luôn đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp, doanh nhân khi gặp khó khăn. Đây là thời điểm “lửa thử vàng- gian nan thử sức”, “chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo” để vượt qua khó khăn, dự báo, nắm bắt cơ hội để phát triển doanh nghiệp và góp phần phát triển đất nước với tầm nhìn xa, trông rộng, gắn với dự báo tình hình trong thời gian tới.

          Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ thấu hiểu, chia sẻ, cảm thông những khó khăn chồng chất khó khăn của các doanh nghiệp trong thời gian vừa qua. Chính vì vậy, trong khả năng của mình, Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương đã rất cố gắng tạo điều kiện tốt nhất hỗ trợ các doanh nghiệp về cơ chế chính sách để duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất. Tuy nhiên, trong thời gian tới, các doanh nghiệp vẫn tiếp tục phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức và cần có giải pháp tháo gỡ để phục hồi sản xuất. Chính vì vậy, Hội nghị này là dịp quan trọng để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội, các địa phương, cơ quan, đơn vị với quan điểm: “Lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ, đồng hành”, đồng thời xây dựng các giải pháp với tinh thần “Đánh giá, giải pháp, thiết thực, hiệu quả”.

          08 nhóm giải pháp nâng cao sức chống chịu của khu vực doanh nghiệp

          Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, từ đầu năm 2020, dịch bệnh Covid-19 đã gây tác động tiêu cực đến kinh tế xã hội của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần duy trì tăng trưởng GDP dương năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021 đạt 5,64%.

          Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư, đặc biệt bắt đầu từ tháng 7 năm 2021, đã khiến cho sức chống chịu của khu vực doanh nghiệp tiếp tục suy giảm. Cụ thể, theo thống kê, số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 7/2021 giảm 34% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 7 tháng đầu năm 2021, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2020; đây là mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020 (trung bình là 8,1%). Trong khi đó, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2020, riêng TP. Hồ Chí Minh chiếm 29,1% tổng số doanh nghiệp rút lui của các nước. Đặc biệt, đã xuất hiện nhiều hơn những doanh nghiệp quy mô vừa và lớn rút lui khỏi thị trường.

          Một điểm đáng quan tâm hơn nữa là đợt dịch thứ 4 này đã xâm nhập và tác động tiêu cực tới các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi tập trung một lượng lớn người lao động, nhất là ở các tỉnh, thành phố thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, dẫn đến nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi lao động, sản xuất quy mô lớn, ảnh hưởng lớn đến kinh tế địa phương và cả nước.

          Qua phản ánh của các doanh nghiệp cho thấy, trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, lan rộng ra nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, các vướng mắc khó khăn của doanh nghiệp ngày càng trở nên chồng chất, nhiều vấn đề cần phải xử lý ngay để không làm gián đoạn, ngưng trệ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

          Với trách nhiệm là cơ quan tham mưu tổng hợp của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”, các cấp, các ngành, địa phương phải tập trung vào cuộc với nỗ lực cao nhất, ưu tiên mọi nguồn lực để kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định tình hình sản xuất kinh doanh, phục hồi và phát triển. Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, giao các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức liên quan nghiên cứu triển khai thực hiện 08 nhóm giải pháp được chia theo 02 cấp độ: Nhóm các chính sách, giải pháp cấp thiết cần triển khai ngay và Nhóm chính sách dài hạn, tạo nền tảng hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển.

          Đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin, trong đó ưu tiên cho người lao động

          Tại Hội nghị, các doanh nghiệp, hiệp hội, tổ chức đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong hoạt động đồng hành cùng doanh nghiệp. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp và ngân sách còn eo hẹp, nhưng Chính phủ đã hết sức nỗ lực trong bố trí, thu xếp các nguồn tài chính để có những khoản hỗ trợ rất thiết thực cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất. Điều này khẳng định chủ trương nhất quán của Chính phủ là kịp thời tháo gỡ khó khăn, giải quyết các vướng mắc về cơ chế, chính sách, đồng hành cùng doanh nghiệp… Những khó khăn mà doanh nghiệp phản ánh đã được Chính phủ, các cơ quan chức năng của Việt Nam xử lý, giải quyết rất kịp thời. Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp cũng khẳng định quyết tâm mạnh mẽ trong nêu cao tinh thần vượt khó, ý chí phấn đấu, tự lực, tự cường, nỗ lực ứng phó và thích ứng với tình hình mới; duy trì hiệu quả các hoạt động sản xuất kinh doanh và tạo công ăn việc làm cho người lao động; nỗ lực cùng cả hệ thống chính trị và toàn dân thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép”, vừa chống dịch hiệu quả, vừa duy trì và thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh.

          Đa phần các ý kiến tại Hội nghị đều nhất trí với quan điểm giải pháp quan trọng và cấp bách nhất hiện nay là cần phải đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin nhằm đạt miễn dịch cộng đồng, trong đó ưu tiên cho nhóm đối tượng là người lao động, chuyên gia làm việc tại các doanh nghiệp. Đây chìa khóa để giải quyết vấn đề đứt gãy chuỗi cung ứng cũng như tận dụng triệt để cơ hội xuất khẩu từ các hiệp định thương mại tự do đã ký kết nhằm phục hồi và phát triển kinh tế, nâng cao uy tín của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư quốc tế. Các doanh nghiệp sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ trong việc mua vắc xin.

          Cần có hướng dẫn thống nhất trong toàn quốc về việc thực hiện “3 tại chỗ” và “1 cung đường - 2 địa điểm”

          Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đề nghị Bộ Y tế hoàn thiện Bộ quy tắc (như CDC Mỹ và một số quốc gia đã có) và tổ chức huấn luyện cho các tỉnh và các doanh nghiệp thực hiện "Y tế tại chỗ". Bộ Y tế cần hướng dẫn xử lý kịp thời đối với các doanh nghiệp trong thực hiện “3 tại chỗ” như phát hiện F0 để kiểm soát các nguồn lây nhiễm, giảm tổn thất cho doanh nghiệp và bảo đảm sinh kế cho công nhân, đảm bảo an toàn dịch bệnh cho toàn nhà máy. Bên cạnh đó, đại diện VASEP đề xuất cần có hướng dẫn thống nhất trong toàn quốc về việc thực hiện “1 cung đường - 2 địa điểm” kết hợp tuân thủ quy định 5K và các quy định về phòng dịch của doanh nghiệp và của cơ quan y tế địa phương. Trong đó “1 cung đường” là đảm bảo cung đường từ nhà đến công ty và từ công ty về nhà với điều kiện có kiểm soát và “2 địa điểm” là tại nhà máy và nơi cư trú tuân thủ quy định phòng dịch.

          Tiếp tục đẩy nhanh các gói hỗ trợ, giảm thuế, phí, lãi suất cho doanh nghiệp

          Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) cho rằng cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ giải ngân gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ, nhất là đối với các tỉnh phía Nam, để kịp thời hỗ trợ cho các doanh nghiệp, các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh vượt qua khó khăn, duy trì hoạt động, ổn định đời sống. Đồng thời, đề nghị cần có những giải pháp quyết liệt hơn trong hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa các cơ hội do các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà nước ta đã tham gia mang lại

          Bà Đỗ Thị Thuý Hương, Uỷ viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam cho rằng thuế, phí đang là gánh nặng cho các doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp. Hiệp hội này kiến nghị giảm 50% tất cả loại thuế: thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp, nhập khẩu và thu nhập cá nhân cho người lao động. Đối với các loại thuế khác, Hiệp hội đề xuất giãn thời gian nộp 6-12 tháng; giảm 50% tiền thuê đất trong 2 năm (2020-2021); lãi suất vay giảm 30% so với lãi suất theo quy định thông thường đối với các khoản đã vay và khoản vay mới.

          Ông Nguyễn Hoài Nam (VASEP) cho rằng chi phí điện đang là một trong những khó khăn lớn của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng thủy sản. Do đó, cần có các chính sách ưu tiên về giảm lãi suất vay ngân hàng, giảm 30% tiền điện cho đến ít nhất hết năm 2021.

          Phát động “Chiến tranh xanh” để chống lại Covid-19

Ông Trương Gia Bình, Trưởng Ban nghiên cứu và phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), Chủ tịch Tập đoàn FPT kiến nghị Chính phủ cần có quan điểm về “doanh nghiệp xanh” để vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Cụ thể, phát động “Chiến tranh xanh” để chống lại Covid-19 với những tiêu chí như: công nhân xanh (đã tiêm vắc xin), nhà máy xanh (có công nhân xanh), khu công nghiệp xanh (có nhà máy xanh). Từ đó, các hoạt động sản xuất kinh doanh có thể trở lại theo trạng thái bình thường mới. Việc hình thành các loại hình doanh nghiệp sản xuất xanh, vận tải, logsitics xanh là nền tảng quan trọng để tới đây tiếp tục phát triển doanh nghiệp du lịch xanh, doanh nghiệp hàng không xanh...Trong đó, những mục tiêu quan trọng nhất để thực hiện cuộc chiến này là: (i) giảm thiểu tối đa người chết; (ii) tối đa vùng xanh và (iii) vũ khí hiện đại (công nghệ thông tin, dữ liệu đầy đủ, các chỉ số phải rõ ràng, mạch lạc, người đứng đầu phải được uỷ quyền và chịu trách nhiệm…).

          Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan cấp mã QR cho tất cả đối tượng hoàn thành tiêm phòng trên nền tảng công nghệ để làm điều kiện vận hành cho doanh nghiệp xanh, mà không đòi hỏi các giấy tờ, yêu cầu thủ tục có tính hành chính như hiện nay.

          Phục hồi và phát triển du lịch trên cơ sở mở rộng “vùng xanh”

          Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam cho rằng du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và tiếp tục nên được coi là ngành mũi nhọn trong thời gian tới. Điều quan trọng nhất với ngành du lịch là làm sao mở rộng được các “vùng xanh” an toàn và biện pháp kết nối các vùng này với nhau. Cùng với đó, chuẩn bị, thí điểm cho việc mở cửa với thế giới tại một số khu vực như: Phú Quốc, Vân Đồn… khi Việt Nam tiêm đủ vắc xin cho đa số người dân.

          Tháo gỡ vướng mắc về quy định đối với chuyên gia của doanh nghiệp

          Về vướng mắc của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN đề nghị miễn cách ly cho người có hộ chiếu vắc xin và tuân thủ lịch trình công tác ngắn ngày. Với các trường hợp nhập cảnh đặc biệt như có chuyên cơ chở các nhóm khảo sát cho các dự án đầu tư hàng tỷ USD, cần có quy định phòng dịch đặc thù vì mức độ rủi ro thấp và tầm quan trọng của các đoàn này phù hợp với chủ trương thu hút đầu tư của nước ta. Đồng thời, các thông tin, văn bản hướng dẫn về phòng, chống dịch bệnh còn rời rạc, rải rác tại nhiều cổng thông tin, do vậy, cần nghiên cứu xây dựng một cổng thông tin thống nhất cho vấn đề này.

          Bên cạnh đó, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc, Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn Chính phủ tạo điều kiện hơn nữa cho các chuyên gia nước ngoài được nhập cảnh vào Việt Nam trên tinh thần bảo đảm an toàn về dịch bệnh; kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu, điều chỉnh các điều kiện về kinh nghiệm, quy định về bằng cấp, giấy phép lao động đối với chuyên gia, rút ngắn thủ tục hành chính cho các dự án đang chờ phê duyệt để sớm triển khai thực hiện.

          Chính phủ lắng nghe, đồng hành cùng doanh nghiệp

          Sau khi lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, các thành viên Chính phủ đã có những chia sẻ thẳng thắn, đồng thời, cam kết tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp đã nêu tại Hội nghị.

          Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, việc thực hiện mục tiêu kép là một chủ trương đúng đắn. Những chính sách đã được ban hành cần được thực hiện một cách linh động, sáng tạo. Bộ trưởng đề nghị các địa phương phải thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ về vấn đề lưu thông hàng hóa trên tinh thần hàng hóa nào cũng là thiết yếu, chỉ trừ hàng cấm, không đặt ra các điều kiện, yêu cầu khác biệt, gây ách tắc lưu thông. Đối với kiến nghị của VASEP về giảm giá điện, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định sẽ làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để xem xét, giải quyết, nhất là giảm giá điện cho nhóm ngành chế biến nông, thủy sản...

          Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết các Chỉ thị, hướng dẫn về phòng chống dịch hiện nay vẫn đang rời rạc, không liên kết, do đó, chưa hình thành được cơ sở dữ liệu thống nhất, đồng bộ, doanh nghiệp khó theo dõi và triển khai thực hiện. Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp thu ý kiến tại Hội nghị và sẽ xây dựng Cổng Thông tin về phòng, chống dịch Covid-19 ngay trong tuần sau.

          Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể nhận trách nhiệm với các doanh nghiệp về tình trạng ùn tắc giao thông ở một số nơi thời gian qua. Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, Bộ đã cấp mã QR cho các xe vận tải hàng hóa, lái xe và phụ xe có xét nghiệm âm tính có giá trị 72 giờ, chỉ kiểm tra ở điểm đầu và điểm cuối, yêu cầu các địa phương thực hiện đúng vấn đề này.

          Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định Chính phủ, Thủ tướng không có bất kỳ một văn bản nào về việc hạn chế lưu thông hàng hóa, nhưng nhiều địa phương hiểu và áp dụng chưa đúng, máy móc. Thậm chí, tại các nơi phong tỏa, giãn cách, Thủ tướng Chính phủ còn nhấn mạnh thêm việc phải bảo đảm hàng hóa, các nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân.

          Phó Thủ tướng Lê Văn Thành bày tỏ đồng tình cao với nhiều đề xuất của doanh nghiệp đối với các cơ quan chức năng trong tháo gỡ khó khăn, nhất là tháo gỡ khó khăn về lãi suất ngân hàng, thuế; tập trung thúc đẩy các dự án đầu tư công để phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội.

          Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị các địa phương cần thực hiện nghiêm, nhất quán các chỉ đạo của Chính phủ trong vấn đề bảo đảm lưu thông, di chuyển hàng hóa, tránh gây tình trạng ách tắc hàng hóa trong lưu thông từ địa phương này, đến địa phương khác.

Lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ

          Kết luận tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định đây là giai đoạn mà khó khăn và thách thức nhiều hơn thời cơ và thuận lợi. Mặc dù vậy, Chính phủ quyết tâm đặt mục tiêu không để xảy ra tình trạng khủng hoảng y tế và kinh tế xã hội, phấn đấu nỗ lực đưa nước ta trở về trạng thái bình thường mới trong thời gian sớm nhất cuối năm 2021 hoặc chậm nhất là trong Quý I năm 2022. Để đạt được mục tiêu này đòi hỏi phải thực hiện nghiêm và quyết liệt các biện pháp một cách thống nhất, cũng như sự ý thức của mỗi người dân.

          Về chiến lược vắc xin, Thủ tướng nhấn mạnh có 3 điểm rất quan trọng:

          Một là, nhập khẩu vắc xin nhiều nhất, sớm nhất có thể. Trong bối cảnh khan hiếm vắc xin trên toàn cầu, chúng ta đã nỗ lực tiếp cận vắc xin bằng mọi kênh khác nhau, trong đó có đẩy mạnh ngoại giao vắc xin. Các doanh nghiệp và địa phương dù rất tích cực vẫn chưa thể tiếp cận được nguồn cung do các nhà cung cấp chỉ làm việc với Nhà nước;

          Hai là, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, nghiên cứu và sản xuất vắc xin trong nước. Công tác này hiện đã đạt một số kết quả bước đầu nhưng liên quan tới sức khỏe của người dân nên phải chặt chẽ về mặt chuyên môn và khoa học, mặc dù có thể cắt giảm về mặt thủ tục và hành chính;

          Ba là, chiến dịch tiêm chủng vắc xin hoàn toàn miễn phí cho người dân. Đồng thời, phải thực hiện theo địa bàn, đối tượng. Sau đó có thể điều chỉnh theo tình hình mới.

          Trên tinh thần lợi ích thì hài hòa, rủi ro thì chia sẻ, Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn quan tâm đồng hành, thấu hiểu, chia sẻ cùng doanh nghiệp, doanh nhân. Chính phủ đang làm và nỗ lực hết sức có thể trong điều kiện của đất nước để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Các ý kiến của các đại biểu sẽ được tổng hợp để sau Hội nghị này, Chính phủ sẽ có Nghị quyết về hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp trong điều kiện hiện nay, Nghị quyết của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội./.

Nguồn: dangkykinhdoanh.gov.vn