Skip to main content

Chuyển đổi số cho doanh nghiệp chế biến thực phẩm

Vừa qua, Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Ðầu tư) đã phối hợp với Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam ra mắt sổ tay Chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực chế biến và phân phối thực phẩm.

          Thực tế, ngành công nghiệp chế biến và phân phối thực phẩm toàn cầu đang có xu hướng tăng trưởng nhanh trong những năm gần đây và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế.

          Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tốc độ tăng chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành sản xuất, chế biến thực phẩm Việt Nam bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 7%/năm.

          Hiện, số lượng doanh nghiệp chế biến và sản xuất rau quả chiếm tỷ lệ cao nhất trong cơ cấu doanh nghiệp ngành sản xuất chế biến thực phẩm, và ngành chế biến thủy sản đông lạnh là ngành thu hút nhiều lao động nhất. Thời gian tới, dự báo ngành chế biến thực phẩm Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc lĩnh vực chế biến thực phẩm còn hạn chế ở hầu hết mắt xích trong chuỗi giá trị, như: phát triển sản phẩm, quản lý bán hàng và marketing, thu mua, chế biến, quản lý hàng tồn kho, phân phối sản phẩm, quản lý đơn hàng…, làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp ở cả thị trường trong nước và quốc tế.

          Nguyên nhân chính là thiếu vốn đầu tư cải tiến, nâng cấp về kỹ thuật cho hệ thống thiết bị, công nghệ; thiếu thông tin để lựa chọn công nghệ phù hợp với quy mô và tiềm lực của doanh nghiệp; khả năng tiếp thu công nghệ, công cụ mới, nắm vững quy trình của công nhân và doanh nghiệp còn chưa tốt; thiếu chiến lược, lộ trình chuyển đổi phù hợp do việc áp dụng công nghệ cần đi kèm với các chuyển đổi trong mô hình kinh doanh và quản trị; thiếu hạ tầng công nghệ để phát triển hoặc tích hợp với các giải pháp công nghệ mới.

          Từ thực tế đó, sổ tay Chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực chế biến và phân phối thực phẩm đã cung cấp hệ thống thông tin tổng quan và đưa ra một số chỉ dẫn cho doanh nghiệp triển khai áp dụng.

          Cụ thể, doanh nghiệp nhỏ và vừa xác định trọng tâm là thị trường trong nước, không có sản phẩm xuất khẩu thì nên ưu tiên triển khai các công nghệ hỗ trợ tiếp cận khách hàng, nâng cao độ nhận diện của khách hàng đối với thương hiệu của mình. Các doanh nghiệp này nên ưu tiên quản lý bán hàng đa kênh và nền tảng thương mại điện tử.

          Ðây là các giải pháp có thời gian triển khai ngắn với chi phí thấp, phù hợp với quy mô của doanh nghiệp. Còn đối với các doanh nghiệp chế biến với mục tiêu xuất khẩu, cần ưu tiên triển khai chuyển đổi số trên các hoạt động như: truy xuất nguồn gốc; thu thập phân tích dữ liệu; quản lý logistics; quản lý bán hàng đa kênh; quản lý kho và hàng tồn kho; hỗ trợ kết nối người bán và người mua… Ngoài ra, doanh nghiệp phải cân nhắc áp dụng cả các giải pháp công nghệ vào việc hỗ trợ quản lý, tuân thủ quy định liên quan đến môi trường, xã hội, lao động… từ các thị trường lớn trên thế giới. Ðây sẽ là cơ sở để doanh nghiệp chế biến thực phẩm đẩy mạnh chuyển đổi số, khai thác tốt nhất các cơ hội tăng trưởng.

Nguồn: nhandan.vn