Skip to main content

Thúc đẩy phát triển thương mại biên giới

             Trong năm 2022, tỉnh Lạng Sơn tiếp tục phát huy tối đa lợi thế của Khu Kinh tế Cửa khẩu (KTCK), tiện lợi hóa thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển thương mại biên giới.

          Ông Hoàng Khánh Duy, Phó trưởng Ban Quản lý Khu KTCK Đồng Đăng – Lạng Sơn cho biết: Hiện nay, hệ thống các cửa khẩu trong Khu KTCK được chỉnh trang, nâng cấp, năng lực trung chuyển và tiếp nhận hàng hoá xuất, nhập khẩu được nâng lên đáng kể. Cụ thể năm 2022, tỉnh đã triển khai đầu tư xây dựng 11 dự án hạ tầng khu vực cửa khẩu. Cùng đó, thời gian qua, tỉnh đẩy mạnh hoạt động thu hút đầu tư vào Khu KTCK. Theo đó, tính đến thời điểm hiện tại, trong Khu KTCK có 126 dự án trong nước được đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 13.000 tỷ đồng (năm 2022 thu hút được 4 dự án đầu tư vào Khu KTCK). Trong đó, phải kể đến có 29 dự án đầu tư kinh doanh bến bãi và gần 50 dự án đầu tư trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Chính những điều này đã đáp ứng yêu cầu hoạt động thương mại biên giới trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế.

ss

Xe chở hàng hóa XNK thông quan qua Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị

          Nhằm phát huy lợi thế và tiềm năng về Khu KTCK, thời gian qua, các cơ quan, đơn vị liên quan của tỉnh luôn nắm vững các quy định đối với từng lĩnh vực hàng hóa cụ thể và các thông tin, hướng dẫn liên quan đến xuất, nhập khẩu hàng hóa để hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu trong nước.

          Ông Nguyễn Đình Đại, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Thời gian qua, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng việc duy trì, mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, ngoại giao hợp tác kinh tế với Trung Quốc luôn được tỉnh chú trọng. Như năm 2022, các cấp, các ngành đã tổ chức 19 cuộc hội đàm, đồng thời gửi 38 thư công tác, hầu hết các cuộc hội đàm và nội dung thư công tác đều nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động thông quan, xuất, nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu của tỉnh. Trong năm 2022, Lạng Sơn (Việt Nam) và Quảng Tây (Trung Quốc) đã hợp tác toàn diện, trở thành kiểu mẫu trong quan hệ cấp địa phương hai nước, nhất là trong lĩnh vực hợp tác kinh tế, thương mại biên giới.

          Ông Nguyễn Hồng Linh, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn cho biết: Năm 2022 là năm mà hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa, giao lưu thương mại biên giới qua các cửa khẩu trong Khu KTCK của tỉnh gặp khó khăn nhất trong những năm qua. Nhưng với sự phối hợp trao đổi thông tin, giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh, thông tin cho nhau về chính sách của hai nước có liên quan đến hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa đã góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại hai chiều giữa hai nước qua địa bàn tỉnh.

          Mặc dù hoạt động thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn gặp không ít khó khăn do Trung Quốc siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, cũng như những thay đổi của nước bạn trong hoạt động thương mại biên giới, song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan, chính quyền các huyện biên giới và các lực lượng hoạt động tại cửa khẩu đã tập trung triển khai các biện pháp để nâng cao năng lực thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu của tỉnh (Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, Cửa khẩu Ga đường sắt Quốc tế Đồng Đăng, Cửa khẩu Chi Ma, Cửa khẩu Tân Thanh và Cửa khẩu Cốc Nam). Theo đó, đến thời điểm hiện tại, năng lực thông quan qua các cửa khẩu gần như đã trở lại như thời điểm đầu năm 2020. Hiện trung bình mỗi ngày, có từ 900 – 1.100 xe chở hàng hóa thông quan qua các cửa khẩu của tỉnh. Đồng thời, năm 2022 đã có gần 2.500 doanh nghiệp hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

          Bên cạnh sự cố gắng của các ngành, các lực lượng, không thể không nói đến hiệu quả từ việc tỉnh Lạng Sơn tiên phong trong việc xây dựng và triển khai Nền tảng cửa khẩu số. Trong đó, năm 2022, tỉnh Lạng Sơn đã thực hiện tổng thể việc kê khai trên Nền tảng cửa khẩu số tại Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị và Cửa khẩu Tân Thanh; qua đó góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động thương mại biên giới qua các cửa khẩu của tỉnh.

          Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đối mặt với nhiều thách thức nhưng trong năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt trên 150 tỷ USD, trong đó, kim ngạch thương mại hai chiều qua Khu KTCK của tỉnh Lạng Sơn chiếm 10,12% trong tổng kim ngạch thương mại. Cùng đó, trong thời gian qua, lưu lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu qua các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn luôn trong nhóm dẫn đầu của cả nước.

          Với những con số “biết nói” trên có thể khẳng định tỉnh đã và đang phát huy hiệu quả lợi thế Khu KTCK để thúc đẩy phát triển thương mại biên giới. Cùng đó, từng bước khẳng định vị trí “cửa ngõ, cầu nối” trong mắt xích hợp tác giữa Việt Nam – ASEAN – Trung Quốc, cũng như khẳng định vị trí quan trọng trên 2 tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) – Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng và Lạng Sơn – Hà Nội – Thành phố Hồ Chí Minh – Mộc Bài.

Nguồn: baolangson.vn