Skip to main content

Đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó

          Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, các ngân hàng thương mại (NHTM) đã chính thức đồng thuận thực hiện giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp (DN) và người dân vượt qua khó khăn. Đợt giảm lãi suất lần này tập trung vào các DN đang chịu tác động nặng nề từ đại dịch, nhất là các DN nhỏ và vừa (DNNVV).

Các ngân hàng thương mại đồng thuận giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp. Ảnh: NAM ANH

          Tạo kênh hỗ trợ tích cực, có chọn lọc

          Vốn là nhóm đối tượng “dễ tổn thương” nhất khi khủng hoảng xảy ra, các DNNVV đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Thấu hiểu điều đó nên thời gian qua các NHTM đã tung ra nhiều gói chính sách hỗ trợ (CSHT) dành riêng cho nhóm đối tượng này để giúp DN vượt qua những khó khăn.

Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV Tô Hoài Nam, DNNVV có đặc điểm là quy mô nhỏ, thị trường nhỏ, nguồn vốn hạn chế, chính vì vậy trong lúc khó khăn, dòng vốn để duy trì sản xuất, kinh doanh (SXKD) là một trong những vấn đề hàng đầu. Về nguồn vốn, khảo sát cho thấy DN hoạt động trong lĩnh vực phân phối hàng hóa, thương mại… chủ yếu đang cần dòng vốn ngắn hạn để duy trì hoạt động. Còn các DN sản xuất lại “khát” nguồn vốn trung và dài hạn. 

          Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, có thể khẳng định Nghị quyết số 63/NQ-CP (NQ 63) về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 là quyết định tiến bộ, phù hợp thực tế. Đặc biệt, với những quy định mới của NQ trong việc tiếp cận CSHT của DN, tin rằng sẽ có hàng chục nghìn DN được vay vốn ưu đãi.

          Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Đào Minh Tú cho biết, tuy dịch Covid-19 cũng gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động của ngành NH, nhưng NHNN vẫn đặt mục tiêu hỗ trợ vốn, duy trì sự ổn định, hạn chế thấp nhất sự đổ vỡ hay rút khỏi thị trường của DN. Minh chứng là hàng loạt CSHT đã được NHNN ban hành để hỗ trợ cộng đồng DN, gần đây nhất là Thông tư số 03/2021/TT-NHNN quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm tiếp tục hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. 

          Thực tế, DN gặp rất nhiều khó khăn, Nhà nước, các cấp, các ngành đã và đang rất nỗ lực để đưa ra nhiều giải pháp, chính sách tháo gỡ khó khăn cho DN. Trong đó, ngành NH có thể được xem là một kênh hỗ trợ DN tích cực. Thiết thực nhất, ngày 12/7, Hiệp hội NH Việt Nam đã họp với các tổ chức tín dụng (TCTD) hội viên để trao đổi ý kiến, thống nhất phương thức và thời gian thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay hiện hữu trong 5 tháng cuối năm 2021.

          Phát biểu ý kiến tại cuộc họp, Tổng Thư ký Hiệp hội NH Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng cho biết, đại dịch Covid-19 đang gây ra những tác động tiêu cực tới nền kinh tế nói chung và hoạt động của các DN nói riêng. Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã ban hành NQ 63. NHNN cũng đã tổ chức cuộc họp trực tuyến bàn các giải pháp triển khai NQ 63. Tại cuộc họp này đã bàn rất nhiều nội dung, trong đó đặc biệt lưu ý vấn đề làm sao để giảm lãi suất hỗ trợ DN. Tuy hiện nay, việc giảm lãi suất là rất khó nhưng lúc này rất cần sự chia sẻ, đồng hành của ngành NH nhằm giúp DN vững vàng vượt khó khăn.

          Ông Nguyễn Viết Mạnh, thành viên Hội đồng thành viên Agribank cho biết, ngay sau cuộc họp của NHNN Việt Nam về việc triển khai NQ 63, Agribank đã thống nhất giảm lãi suất để hỗ trợ DN. Theo đó, tính trung bình, lãi suất cho vay của Agribank sẽ giảm khoảng 1%. Sáu tháng đầu năm nền kinh tế tăng trưởng tốt, rất nhiều DN làm ăn tốt. Vậy nên, tùy từng tệp khách hàng của mình, Agribank sẽ lựa chọn DN gặp khó khăn để từ đó có chính sách hỗ trợ lãi suất phù hợp.

          Cam kết hỗ trợ và bảo đảm an toàn hệ thống

          Dù còn nhiều vướng mắc vì thực hiện giảm lãi suất sẽ ảnh hưởng lớn đến kế hoạch lợi nhuận trong năm nay, song các NHTM đều nhất quán quan điểm sẽ thực hiện ngay các phương án hỗ trợ DN. 

          Phó Tổng Giám đốc Sacombank Phan Đình Tuệ cho biết, để chia sẻ khó khăn với DN, Sacombank sẽ thực hiện giảm lãi suất, tuy nhiên sẽ chỉ giảm cho các đối tượng thật sự khó khăn.

          Chia sẻ với quan điểm này, song Phó Tổng Giám đốc TPBank Nguyễn Hồng Quân cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, quốc gia rất cần “một người khỏe” và đó là NH, nếu NH yếu thì nền kinh tế sẽ yếu. Dù vậy, các NH luôn sẵn sàng chia sẻ khó khăn, giảm lợi nhuận để hỗ trợ DN vượt qua đại dịch. 

          Về vấn đề này, Vụ trưởng Chính sách tiền tệ Phạm Thanh Hà cho biết, NHNN đánh giá cao sự đồng thuận của các NH trong giảm lãi suất để hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn. Các NH nên linh hoạt trong việc giảm lãi suất, tùy theo “sức khỏe” của mình để có mức giảm phù hợp.

          Tại cuộc họp trực tuyến để bàn các giải pháp hỗ trợ DN, nền kinh tế trước tác động của đại dịch Covid-19 mới đây, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhận định, dịch bệnh kể từ khi bùng phát tới nay gần 18 tháng, đã tác động lớn đến nền kinh tế nói chung và hoạt động NH nói riêng. Đại dịch vẫn còn diễn biến rất phức tạp nên câu chuyện vừa phòng, chống dịch nhưng vẫn bảo đảm khôi phục, đạt được mục tiêu phát triển kinh tế là “nhiệm vụ kép” của Chính phủ cũng như các bộ, ngành, địa phương đặt ra. Song dù nỗ lực đến mấy vẫn là chưa đủ mà cần có sự chung tay của cả xã hội.

          Bày tỏ chia sẻ với nỗ lực của NHNN và một lần nữa khẳng định sự đồng thuận của các NH về việc giảm lãi suất và thực hiện ngay trong tháng 7 cho đến hết năm 2021, song ông Nguyễn Quốc Hùng cũng lưu ý, hỗ trợ DN, hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn nhưng các NH vẫn  phải bảo đảm an toàn hệ thống một cách cao nhất. Bởi lẽ, các tác động tiêu cực từ đại dịch đến ngành NH sẽ có độ trễ rất lớn.

Nguồn: nhandan.vn