Skip to main content

Doanh nghiệp chủ động nguồn hàng phục vụ thị trường dịp cao điểm

       Ngày 30/10/2023, Bộ Công Thương ban hành Chỉ thị số 13/CT-BCT về việc thực hiện các giải pháp cân đối cung cầu, bình ổn thị trường dịp cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. Theo đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Công Thương rà soát, đánh giá thị trường để tham mưu triển khai kế hoạch bình ổn bằng những giải pháp hiệu quả, phù hợp, trong đó yêu cầu các doanh nghiệp, nhà phân phối chủ động nguồn hàng để cung ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân dịp cao điểm.

ss


Nhân viên siêu thị Đồng Tiến, thành phố Lạng Sơn sắp xếp hàng hóa lên kệ hàng

          Theo dự báo của ngành công thương, với tình hình thị trường hàng hóa như hiện tại thì nguy cơ xảy ra khan hàng trong thời gian tới là khá thấp. Tuy nhiên, nhu cầu mua sắm hàng hóa dịp cuối năm 2023 và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 được dự báo tăng khoảng  10 đến 15% so với ngày thường, đồng thời, giá cả hàng hóa thiết yếu có khả năng tăng từ 5 đến 10%, cũng có thể tăng cao hơn do tình hình chính trị thế giới có nhiều bất ổn, dẫn đến kinh tế thị trường và giá xăng dầu tiếp tục biến động.

          Trên cơ sở dự báo và tình hình thị trường hàng hóa thực tế trên địa bàn tỉnh, Sở Công Thương đã triển khai rà soát và đề nghị các doanh nghiệp, nhà phân phối lớn trên địa bàn tỉnh chủ động nguồn vốn thực hiện nhập, tích trữ hàng hóa và đăng ký thực hiện công tác bán hàng hóa bình ổn giá dịp cao điểm (thực hiện cam kết giá bán thấp hơn giá thị trường từ 5 đến 10%).

          Qua khảo sát của ngành, đến nay, các doanh nghiệp phân phối hàng tiêu dùng, sản xuất thiết yếu lớn như: Công ty Cổ phần Thương mại Hoàng Nguyên, Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Thiên Phú, Công ty Cổ phần Vật tư nông nghiệp Lạng Sơn… đều đã triển khai tích trữ hàng hóa theo kế hoạch từ cuối tháng 10/2023. Ông Trần Đức Thanh, Tổng Quản lý Công ty Cổ phần Thương mại Hoàng Nguyên cho biết: Nhằm đảm bảo lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp cuối năm 2023 và Tết Nguyên đán 2024, ngay từ đầu tháng 10/2023, công ty đã thống kê và chốt đơn hàng với các cửa hàng, đại lý bán lẻ tại 11/11 huyện, thành phố. Cùng đó, công ty xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa với tổng giá trị gần 50 tỷ đồng (tăng khoảng 20% so với các tháng trong năm) và chủ động tăng diện tích kho chứa hàng thêm 1.000 m2. Năm nay, do biến động của thị trường nên giá của một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như: gạo, dầu ăn, đường, muối… tăng từ 10 đến 15% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy vậy, để thực hiện công tác bình ổn giá, đảm bảo ổn định thị trường, công ty cam kết phân phối hàng hóa đến các cửa hàng, đại lý bán lẻ với mức giá thấp hơn giá bình quân thị trường từ 5 đến 10%.

          Cùng với các doanh nghiệp phân phối thì các siêu thị lớn và chuỗi cửa hàng tiện ích trên địa bàn tỉnh như: Winmart, Thành Đô, Đồng Tiến; chuỗi cửa hàng WinMart+… cũng đã triển khai kế hoạch nhập và bán hàng trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Ông Nông Hồng Nghĩa, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Siêu thị Đồng Tiến cho biết: Để đảm bảo nguồn hàng phục vụ dịp cao điểm, đầu tháng 11/2023, chúng tôi đã xây dựng xong kế hoạch và làm việc với các nhà cung ứng hàng hóa lớn để lên danh sách và chốt sản lượng cho các mặt hàng chủ lực. Hiện nay, tổng giá trị hàng hóa dự trữ của siêu thị khoảng 6 tỷ đồng (tăng 35% so với những tháng thường trong năm) với hơn 400 mặt hàng, trong đó, tập trung vào nhóm hàng thực phẩm và đồ dùng thiết yếu. Dự kiến trong thời gian tới, lượng khách hàng đến siêu thị sẽ tăng khoảng 10 lần so với ngày thường, do vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục phân bổ hàng hóa, đảm bảo số lượng hàng hóa, đa dạng các mặt hàng, có nguồn gốc xuất xứ, giá cả ổn định, được niêm yết rõ ràng để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

ss


Khách hàng mua sắm tại siêu thị Winmart, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn

          Theo khảo sát, đánh giá của ngành công thương, đến thời điểm hiện tại, lượng hàng hóa phục vụ thị trường từ nay đến dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đã được các doanh nghiệp phân phối lớn, các siêu thị nhập về kho đảm bảo cung cấp khoảng 80% nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân. Ông Trần Hữu Giang, Trưởng Phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương cho biết: Đến thời điểm hiện tại, nguồn hàng hóa phục vụ tiêu dùng của Nhân dân đã được doanh nghiệp chuẩn bị cơ bản đủ, tuy nhiên tình hình thị trường thời gian tới vẫn có nguy cơ biến động tiêu cực, giá cả hàng hóa có thể lên xuống thất thường. Do vậy, phòng đã tham mưu sở đề nghị các doanh nghiệp chủ động mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa, sẵn sàng tổ chức các chuyến xe bán hàng lưu động đến vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số để phục vụ bà con. Đặc biệt, trong khoảng thời gian cận Tết Nguyên đán, phòng sẽ tham mưu sở phối hợp với các ngành liên quan tổ chức đoàn kiểm tra, giám sát tình hình cung – cầu thị trường, giá cả hàng hoá tại một số khu vực trọng điểm, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp cố tình găm hàng, bán tăng giá sai quy định hoặc vi phạm các quy định khác về hoạt động thương mại để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng cũng như các cơ sở kinh doanh chân chính.

          Sự chủ động vào cuộc của các cấp, các ngành và các doanh nghiệp, nhà phân phối sẽ góp phần giúp thị trường hàng hóa trong dịp cuối năm 2023 và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 được bình ổn, đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của nhân dân. Qua đó, tạo đà thuận lợi cho việc thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh trong năm mới sắp tới.

Trên cơ sở dân số thực tế của tỉnh và dự kiến lượng khách đến tiêu dùng tại tỉnh trong dịp Tết Nguyên đán, ngành công thương đã dự tính số lượng một số mặt hàng thiết yếu cần để phục vụ nhu cầu của nhân dân tháng cao điểm trước, trong và sau dịp tết trên địa bàn tỉnh như: khoảng 7.200 tấn gạo tẻ, 1.800 tấn gạo nếp; 180 tấn đường, 180 tấn muối; 90.000 lít dầu ăn; 10.800 tấn thịt tươi sống (lợn, trâu, bò, gà, thủy hải sản các loại…); 450 tấn bánh, mứt, kẹo các loại; 2.700 tấn hoa quả tươi các loại…

Nguồn:baolangson.vn