Skip to main content

Vốn sản xuất kinh doanh: Tiếp sức người dân vùng khó ở Bắc Sơn

Hiện nay, tổng dư nợ chương trình cho vay hộ sản xuất kinh doanh (SXKD) vùng khó khăn do Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Bắc Sơn triển khai đạt trên 132 tỷ đồng. Đây là đơn vị có dư nợ chương trình cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn lớn nhất trong toàn tỉnh.

Gia đình anh Hoàng Công Hoành, thôn Bản Thí, xã Long Đống là một trong những hộ tiêu biểu trong việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn chương trình SXKD. Anh Hoành cho biết: Trước đây gia đình tôi còn khó khăn, muốn vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế nhưng lại không thuộc diện hộ nghèo. Năm 2020, được Hội Nông dân xã và cán bộ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện tuyên truyền, tôi vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay SXKD. Từ số tiền đó, tôi đã đầu tư chăn nuôi trâu, bò vỗ béo và chăm sóc diện tích hồi đã trồng trước đó. Nhờ có vốn, gia đình tôi phát triển mô hình chăn nuôi trâu bò với số lượng 7 hoặc 8 con/lứa và chăm sóc 2 ha rừng hồi. Từ năm 2022 đến nay, gia đình tôi có thu nhập ổn định gần 100 triệu đồng.

ss

Cán bộ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Bắc Sơn hướng dẫn người dân vay vốn tại điểm giao dịch xã Tân Thành

Gia đình anh Hoành chỉ là một trong số hàng nghìn hộ SXKD ở vùng khó khăn được thụ hưởng từ chương trình vay vốn này. Hiện nay, huyện Bắc Sơn có 12 xã thuộc vùng khó khăn/17 xã, thị trấn của toàn huyện được triển khai chương trình cho vay SXKD. Điểm khác biệt của chương trình này so với các chương trình tín dụng khác là đối tượng vay vốn là gia đình không thuộc hộ nghèo thực hiện các hoạt động SXKD tại vùng khó khăn. Hiện nay, tổng dư nợ chương trình trên địa bàn huyện đạt trên 132 tỷ đồng, tăng 4,6 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2023. Tổng số hộ còn dư nợ chương trình này là 2.707 hộ. Trong đó, doanh số cho vay từ đầu năm 2024 đến nay là 18,4 tỷ đồng, với 278 hộ vay. Với kết quả này, hiện Bắc Sơn là huyện có dư nợ chương trình lớn nhất toàn tỉnh.

Ông Nguyễn Thanh Lạng, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện cho biết: Chương trình cho vay hộ SXKD vùng khó khăn là một trong những chính sách quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất ở các xã vùng khó. Để thực hiện hiệu quả chương trình, ngay từ đầu các năm, phòng đã rà soát nhu cầu vay vốn của người dân tại các xã để xây dựng kế hoạch phân bổ nguồn vốn sát với nhu cầu thực tế, đảm bảo các hộ có nhu cầu, đủ điều kiện đều được vay. Tại các điểm giao dịch xã, các thông tin về chương trình vốn được niêm yết công khai, đầy đủ; trong các buổi giao dịch, cán bộ trực tiếp hướng dẫn người dân xây dựng phương án sản xuất, lập hồ sơ theo quy định để đủ điều kiện vay vốn. Đối với những thôn, bản đặc biệt khó khăn, cán bộ ngân hàng trực tiếp xuống tuyên truyền, tư vấn tại hộ dân...

Cùng với đó, phòng giao dịch huyện phối hợp chặt chẽ với các tổ chức hội các cấp, UBND các xã chỉ đạo tổ tiết kiệm và vay vốn truyên truyền đến người dân. Bà Dương Thị Thu, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Trấn Yên cho biết: Để tạo điều kiện cho các hộ được tiếp cận với nguồn vốn chương trình này, hội phụ nữ xã đã chủ động tuyên truyền, hướng dẫn hội viên và người dân có nhu cầu vay vốn để đầu tư trồng rừng, cây ăn quả, phát triển chăn nuôi. Trong quá trình vay vốn, hội thường xuyên phối hợp với cán bộ ngân hàng kiểm tra, nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc của hộ vay để có biện pháp tháo gỡ kịp thời. Nhờ đó, đến nay, dư nợ cho vay ủy thác của chương trình qua hội phụ nữ đạt trên 7,6 tỷ đồng với 158 hộ vay.

Từ nguồn vốn chương trình này, các hộ vùng khó khăn trên địa bàn huyện đã đầu tư trồng, chăm sóc được trên 1.150 ha rừng; trồng, chăm sóc được gần 300 ha cây ăn quả; chăn nuôi được gần 2.000 con trâu, bò... Để nguồn vốn phát huy hiệu quả, bên cạnh việc tuyên truyền người dân đưa vốn vào phát triển sản xuất, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện còn phối hợp với các tổ chức nhận ủy thác kiểm tra thường xuyên hằng tháng, kiểm tra sau vay vốn đối với các hộ vay. Qua kiểm tra, các hộ vay đều sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, trả nợ, trả lãi đúng hạn.

Nguồn: baolangson.vn