Skip to main content

Tiếp tục triển khai các giải pháp kích cầu đầu tư công và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, mở rộng thị trường xuất khẩu

        Sáng 18/4, đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương chủ trì hội nghị trực tuyến khối công thương các địa phương quý I/2023.

          Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn có đồng chí Đoàn Thu Hà, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, các huyện, thành phố và đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh.

ss

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn

          Trong 3 tháng đầu năm 2023, do tác động từ suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, biến động thị trường, điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn và sự gia tăng bảo hộ thương mại của các nước nhập khẩu nên tình hình sản xuất, kinh doanh trong nước và tình hình xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các nước đối tác gặp nhiều khó khăn.

          Cụ thể, trong quý I/2023, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn quốc giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 79,17 tỷ USD, giảm 11,9%. Trong đó, khu vực doanh nghiệp trong nước giảm mạnh hơn (giảm 17,4%) so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (giảm 10%), điều này cho thấy những khó khăn của các doanh nghiệp trong nước trong việc khôi phục sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu.

          Theo đánh giá của Bộ Công Thương, nguyên nhân suy giảm sản xuất công nghiệp và xuất nhập khẩu hàng hóa trong quý I/2023 là do ảnh hưởng từ các yếu tố bên ngoài: giá nhiên liệu đầu vào, năng lượng toàn cầu vẫn ở mức cao đã tác động đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp trong nước. Cùng đó, kinh tế thế giới hồi phục chậm và sự sụp đổ của một số ngân hàng trên thế giới có những tác động nhất định đến xu hướng thắt chặt chi tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường và xa xỉ tại một số thị trường tiêu thụ dệt may, da giày, đồ gỗ, linh kiện điện tử lớn như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) khiến nhu cầu nhập khẩu giảm. Cùng với đó, sức mua trong nước dù đã khôi phục nhưng vẫn còn yếu, chưa kích thích sản xuất, đầu tư và tiêu dùng, hoạt động mua hàng trở lại giảm. Các doanh nghiệp còn khó khăn trong việc tiếp cận vốn, lãi suất ngân hàng và chi phí đầu vào vẫn ở mức cao…

          Đối với tỉnh Lạng Sơn, trong quý I/2023, hoạt động sản xuất công nghiệp cơ bản ổn định, các doanh nghiệp tiếp tục chủ động kế hoạch sản xuất kinh doanh. Chỉ số sản xuất công nghiệp quý I/2023 tăng 4,98% so với cùng kỳ năm 2022. Tình hình xuất nhập khẩu diễn ra tương đối thuận lợi, kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu mở tờ khai tại Cục Hải quan Lạng Sơn đạt 867,7 triệu USD, tăng 91% so với cùng kỳ năm 2022.

          Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về những kết quả đạt được, nêu những nguyên nhân khiến hoạt động sản xuất kinh doanh, sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp trong nước, cũng như hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam giảm sút trong quý I/2023. Đồng thời đề xuất những giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh và xuất, nhập khẩu trong năm 2023.

          Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh: Mục tiêu của ngành công thương năm 2023 là chỉ số sản xuất công nghiệp của toàn ngành tăng khoảng 8-9% so với năm 2022. Tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước tăng 6% so với năm trước.

          Để đạt được những mục tiêu đó, thời gian tới Bộ Công Thương và các địa phương sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp kích cầu đầu tư công và hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ phục hồi, phát triển sản xuất; hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu, qua đó nhằm tăng số lượng đơn hàng xuất khẩu; tiếp tục tổ chức kết nối các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp lớn toàn cầu.

          Các địa phương cần thúc đẩy phát triển thương mại nội địa, các chuỗi cung ứng hàng hóa trong nước để kết nối giữa sản xuất với thị trường, ưu tiên phát triển chuỗi cung ứng các mặt hàng nông sản, thực phẩm.

          Cùng đó cần tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp trong hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng, thương hiệu cho hàng hóa trong nước; tiếp tục đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh; chủ động bám sát tình hình, thường xuyên kiểm tra, đánh giá để xử lý linh hoạt, kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh.

Nguồn: baolangson.vn