Skip to main content

Tạo dựng niềm tin của doanh nghiệp trong kinh doanh

      Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các doanh nghiệp đang đối diện với những thách thức to lớn khi trong chín tháng năm 2023, có 165.240 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 1,2% so với cùng kỳ.

ss

Lao động tại nhà máy sản xuất công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar 2 tại khu công nghiệp Sông Khoai, thị xã Quảng Yên. (Ảnh: QUANG THỌ)

          Số lượng tuy tăng, nhưng tổng vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế của doanh nghiệp lại giảm hơn 34% so với cùng kỳ, chỉ đạt 2,5 triệu tỷ đồng, trong đó, vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới gần 1,09 triệu tỷ đồng (giảm 14,6%).

          Đáng chú ý, cả nước có hơn 135.000 doanh nghiệp rời bỏ thị trường trong chín tháng, tăng gần 20% so với cùng kỳ và cao hơn mức cùng kỳ các năm từ 2018 đến 2022. Đây là một chỉ báo quan trọng cho thấy “sức khỏe” của khu vực doanh nghiệp đáng báo động.

          Bên cạnh đó, tình trạng doanh nghiệp không dám đầu tư mới, hạn chế mở rộng sản xuất, kinh doanh; cán bộ công chức không dám làm, không dám quyết vẫn đang diễn ra.

          Sự thiếu yên tâm dường như vẫn tồn tại trong cả doanh nghiệp và cơ quan hoạch định, thực thi chính sách.

          Doanh nghiệp cũng phản ánh tình trạng quy chuẩn của Việt Nam tại một số lĩnh vực còn yêu cầu cao hơn cả quy chuẩn của những nước phát triển; việc tiếp cận các nguồn lực sản xuất, kinh doanh cơ bản (vốn, nhân lực, đất đai) chưa thật sự thuận lợi; chi phí tuân thủ cao, vượt quá khả năng của nhiều doanh nghiệp, thậm chí còn xảy ra hiện tượng lạm dụng ban hành thông tư, ban hành quy chuẩn kỹ thuật hay có quy chuẩn ban hành xong, đến thời điểm áp dụng mà chưa chỉ định các phòng thử nghiệm trong nước đủ năng lực, khiến hàng hóa bị tắc nghẽn.

          Với những khó khăn đó, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, lần đầu tiên sau nhiều năm, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam đã giảm so với cùng kỳ. Tính đến hết ngày 15/9, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 242,04 tỷ USD, giảm 8,8% so với cùng kỳ; thể hiện rõ ở các sản phẩm xuất khẩu chủ lực như: điện tử (giảm 6,06 tỷ USD, tương đương 14,3%), may mặc (giảm 3,8 tỷ USD, tương đương 13,8%), đồ gỗ (giảm 2,66 tỷ USD, tương đương 22,8%),…

          Sự sụt giảm tổng cầu trên thị trường quốc tế cũng nhanh chóng ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam khiến giá trị sản xuất công nghiệp sụt giảm. Vì vậy, hơn lúc nào hết, cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị cần xây dựng môi trường kinh doanh an toàn để doanh nghiệp yên tâm, phát triển, cống hiến.

          Cộng đồng doanh nghiệp cũng kỳ vọng Chính phủ tiếp tục ban hành những cơ chế, chính sách đột phá nhằm giúp doanh nghiệp tăng cường nội lực và vượt qua khó khăn hiện nay, nhất là trong bối cảnh tăng trưởng thương mại toàn cầu giảm, doanh nghiệp rơi vào thế bị động. Đồng thời, cần nâng cao chất lượng pháp luật và tính dự đoán của pháp luật, tăng cường tham vấn, lấy ý kiến, nhất là với các thông tư, các quy hoạch, kế hoạch; nguyên tắc không hồi tố phải được áp dụng rộng rãi hơn...

          Doanh nghiệp cũng mong được áp dụng quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp để giảm sự tùy tiện khi thi hành pháp luật.

          Thực tế là không phải doanh nghiệp muốn “chậm lớn” mà rất nhiều doanh nghiệp đã có ý thức đầu tư tìm tòi, học hỏi để “lớn”, nhưng đâu đó vẫn còn vướng mắc trong cơ chế, thiếu những chính sách mang tính chiến lược bền vững tạo tiền đề cho doanh nghiệp.

          Do đó, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương kiên quyết dỡ bỏ những rào cản đối với doanh nghiệp, rà soát những quy định thiếu thực tế, không đặt ra những quy định cao hơn khu vực, thế giới hoặc cao hơn mức cần thiết để tránh lãng phí nguồn lực doanh nghiệp.

          Mong rằng, những chuyển biến mạnh mẽ và cùng sự quyết liệt, đồng hành của Chính phủ sẽ tạo động lực phục hồi và phát triển cho doanh nghiệp Việt Nam trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, giúp tăng cường niềm tin trên thị trường. 

Nguồn:nhandan.vn