Skip to main content

Gỡ nút thắt chính sách để doanh nghiệp có thêm nhịp phục hồi

         Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), con số 100 nghìn doanh nghiệp rời bỏ thị trường trong sáu tháng đầu năm (tăng 19,7% so với cùng kỳ) vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp giai đoạn này gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều đơn vị đang rơi vào tình cảnh liêu xiêu, đứng bên bờ vực phá sản do vấp phải những nút thắt trong chính sách, gánh nặng thủ tục kiểm tra chuyên ngành, sự thiếu thống nhất giữa các đạo luật,…

ss

 

Công nhân làm việc tại Công ty TNHH Vander Leun (Khu Công nghiệp Nam Cầu Kiền, Hải Phòng) chuyên sản xuất và lắp ráp tủ bảng điện cho tàu thủy. (Ảnh TRẦN HẢI)

          Mặc dù những vướng mắc đã được phản ánh nhiều lần, nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục triệt để. Do đó, việc sớm tháo bỏ những nút thắt, hỗ trợ doanh nghiệp là việc cấp bách, nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, tạo thêm động lực cho doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

          Bộn bề khó khăn

          Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, sáu tháng đầu năm, cả nước có 113.600 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại thị trường, giảm 2,9% so với cùng kỳ. Trong đó có 75.900 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 0,5% và 37.700 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 7,4% so với cùng kỳ.

          Tuy nhiên, có tới 60.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 18,2%; 31 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 28,9%; 8.800 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 2,8% so với cùng kỳ. Như vậy chỉ sau nửa đầu năm 2023 đã có tới 100 nghìn doanh nghiệp rời bỏ thị trường.

          Các số liệu về tình hình doanh nghiệp đang cho thấy hầu hết các doanh nghiệp đều đang gặp khó khăn về dòng tiền, đơn hàng, đứt gãy chuỗi cung ứng; cùng với đó là những vướng mắc trong các quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn, điều kiện kinh doanh,… cũng như các loại công văn, giấy tờ, dù được đề cập nhiều lần nhưng không được giải quyết. Thậm chí, nhiều quy định đẩy doanh nghiệp vào tình trạng chắc chắn sẽ vi phạm.

          Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa, Cao Tiến Đoan khẳng định, chưa bao giờ các doanh nghiệp gặp khó khăn như hiện nay. Những “cơn sóng khó khăn” dồn dập như vậy đã khiến một số doanh nghiệp buộc phải đóng cửa, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự, giảm giờ làm việc.

          Thậm chí, có doanh nghiệp lựa chọn phương án “án binh bất động”, không hoạt động sản xuất, kinh doanh dẫn đến người lao động mất việc làm, giảm nguồn thu ngân sách nhà nước. Một số quy định khi ban hành thì phù hợp, nhưng quá trình thực thi lại làm phát sinh nhiều thủ tục hành chính, gây khó cho doanh nghiệp. Nguyên nhân của tình trạng này do doanh nghiệp đang vướng phải những quy định mới phát sinh như quy định về phòng cháy chữa cháy.

          Bên cạnh đó, vấn đề về cải cách thủ tục hành chính chưa đạt hiệu quả thực chất khi một số cán bộ, công chức có dấu hiệu né tránh, đùn đẩy công việc, sợ sai, sợ trách nhiệm, không quyết định công việc thuộc thẩm quyền. Điều này khiến hoạt động công vụ bị trì trệ, tiến độ nhiều công trình, dự án bị kéo dài thời gian, gây thất thoát, lãng phí, mất cơ hội đầu tư, đẩy doanh nghiệp vào tình cảnh ngày càng khó khăn hơn.

          Chung quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội bia-rượu-nước giải khát Việt Nam Nguyễn Văn Việt cho rằng, các doanh nghiệp ngành đồ uống đều đang rất khó khăn do tác động từ hậu dịch Covid-19 khi nhu cầu tiêu thụ giảm, giá nguyên vật liệu đầu vào lại tăng 50-60%, sức ép trách nhiệm tài chính từ các chính sách khác.

          Hiện Bộ Tài chính đang lấy ý kiến sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt với hướng tăng mức thuế cho đồ uống có đường có thể dẫn tới chính sách phân biệt đối xử không công bằng, gây ảnh hưởng không nhỏ tới ngành đồ uống và các ngành công nghiệp phụ trợ có liên quan. Hiện nay chưa có cơ sở chứng minh việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường sẽ giúp giảm rủi ro đối với bệnh không lây nhiễm, đặc biệt là bệnh thừa cân béo phì.

          Nếu so sánh về mức calo cung cấp cho cơ thể con người thì nước giải khát có đường chỉ khoảng 44 kcal/100 g, còn với các loại bánh kẹo đều hơn 300-400 kcal/100 g. Do đó, các cơ quan liên quan cần cân nhắc, không thể từ định kiến mà áp dụng một chính sách mang tính phân biệt đối với các sản phẩm nước giải khát, nhất là trong bối cảnh các doanh nghiệp mới phục hồi sau đại dịch. Điều này có thể sẽ gây ảnh hưởng lớn đến sự phục hồi của doanh nghiệp và mục tiêu tăng trưởng của Chính phủ trong năm 2023.

          Củng cố niềm tin của doanh nghiệp

          Kiên quyết đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh luôn là nội dung được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh trong các cuộc họp và chỉ đạo điều hành. Trên thực tế hiện nay đã ghi nhận, những khó khăn về chính sách thậm chí lớn hơn cả khó khăn về thị trường đối với doanh nghiệp.

          Cái khó của Việt Nam là mục tiêu chính sách rất ủng hộ và hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng sự chia sẻ hay hành động của các cơ quan liên quan lại chưa đồng thuận với nhau. Lấy dẫn chứng cụ thể, Phó Tổng Thư ký VCCI Đậu Anh Tuấn chia sẻ, có doanh nghiệp “chua chát” nói rằng, trong thời điểm này đáng ra phải thảo luận các giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp về việc giảm thuế, thì lại ngồi thảo luận bổ sung một số ngành, sản phẩm vào diện tăng thuế.

          Chúng ta đang dành rất nhiều thời gian và công sức để giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT), nhưng lại bổ sung rất nhiều ngành hàng vào diện bị “đánh” thuế tiêu thụ đặc biệt. Việc các doanh nghiệp phản ứng chính sách như vậy là đương nhiên do giữa các chính sách còn bất nhất và không hợp lý.

          Do đó, ông Tuấn đặt vấn đề, làm thế nào để các quy định từ khâu xây dựng ban hành tới thực thi đều đạt hiệu quả về quản lý mà vẫn tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh? Bởi dường như các nhà hoạch định chính sách đang tập trung vào mục tiêu chính sách, còn cách thức cải cách hay cải cách những lĩnh vực nào, trách nhiệm các bộ, ngành ra sao, những lộ trình nào cần phải giảm thì ít được đưa ra thảo luận. Thực tế, các điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính đi kèm vẫn là trở ngại lớn với doanh nghiệp.

          Có thể nói, việc sửa đổi, bổ sung các chính sách là cần thiết, phản ánh sự phát triển của đất nước, phù hợp với bối cảnh. Tuy nhiên, việc sửa đổi thời điểm nào, nội dung sửa đổi ra sao cần được cân nhắc kỹ lưỡng, trong đó cần lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng. Điều này giúp bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp và không gây ra những xáo trộn hay ảnh hưởng tiêu cực đến sự ổn định của thể chế, chính sách, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.

          Theo báo cáo vừa được công bố bởi Economist Intelligence Unit, Việt Nam đã tăng 12 bậc trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh, trong khi Thái Lan chỉ tăng 10 bậc và Ấn Độ tăng sáu bậc. Còn tại báo cáo chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) quý II/2023 của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham Việt Nam) vừa công bố, có 48% số người tham gia khảo sát kỳ vọng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của công ty họ vào Việt Nam sẽ tăng trong quý tới.

          Đặc biệt, Việt Nam vẫn củng cố vị trí là một trong năm điểm đến đầu tư hàng đầu của hơn 1/3 số doanh nghiệp châu Âu. Điều này cho thấy dư địa cải cách thể chế ở nước ta vẫn còn rất lớn. Cộng đồng doanh nghiệp đang mong muốn Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp vực dậy trong giai đoạn được coi khó khăn chưa từng có như hiện nay.

          Để có thể phục hồi nền kinh tế trở lại, tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời hỗ trợ thực chất những doanh nghiệp đang đứng trước bờ vực phá sản hoặc giải thể, Chính phủ cần đẩy mạnh hơn nữa trong việc chỉ đạo về cải cách hành chính, có những giải pháp mang tính đột phá, vận dụng những chính sách thực sự phù hợp, hiệu quả để hỗ trợ doanh nghiệp.

          Chính quyền các cấp cần tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, loại bỏ những quy định không còn phù hợp, đặc biệt phải tháo gỡ những điểm nghẽn trong chính sách hay khắc phục tình trạng chậm và kém trong triển khai thực hiện để không gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.

          Đồng thời, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Về phần mình, các doanh nghiệp cũng cần nỗ lực hết mình, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, cố gắng phục hồi nhanh và bền vững, từ đó góp phần đưa nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển ổn định.

Nguồn: nhandan.vn