Skip to main content

Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi một số mức thuế xuất khẩu, nhập khẩu ưu đãi

        Bộ Tài chính vừa có công văn gửi các Bộ, ngành liên quan xin ý kiến dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2023/NĐ-CP của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.

ss

Ảnh minh hoạ (Ảnh: M.P)

          Năm 2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2023; trong đó, giao Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, hiệp hội rà soát trình Chính phủ điều chỉnh mức thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất nhằm hỗ trợ sản xuất kinh doanh trong nước.

          Thực hiện Nghị quyết số 58/NQ-CP của Chính phủ, để kịp thời đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính và phòng chống gian lận thương mại trong phân loại, áp mã.

          Trên cơ sở ý kiến của các doanh nghiệp, Hiệp hội, Bộ Tài chính đã thực hiện rà soát các mức thuế suất thuế xuất khẩu, nhập khẩu đối với nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất nhằm hỗ trợ sản xuất kinh doanh trong nước. Theo đó, có 2 nhóm mặt hàng cần phải xem xét, bổ sung điều chỉnh trong thời gian tới.

          Cụ thể: Nhóm 1 là các mặt hàng xem xét điều chỉnh để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, tạo thuận lợi thương mại, góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính, phòng chống gian lận trong phân loại, áp mã. Trong đó có 01 mặt hàng là khô dầu đậu tương đang được đề xuất giảm thuế; còn các mặt hàng như: Hạt nhựa polypropylene, thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng thiết bị điện tử dùng cho thuốc lá điện tử hoặc loại tương tự thuộc mã hàng 8543.40.00, các mặt hàng phụ tùng, linh kiện ô tô “ống dầu phanh” và “ống dẫn dầu hộp số ô tô” tại nhóm 98.45 được dự kiến điều chỉnh tăng theo mức trần của WTO…

          Nhóm 2 là các mặt hàng đề xuất chưa điều chỉnh do mức thuế suất hiện hành đã đảm bảo đúng chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước.

          Theo Bộ Tài chính, việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị định số 26/2023/NĐ-CP để đáp ứng các yêu cầu đặt ra trong bối cảnh hiện nay, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong nước. Đồng thời khuyến khích doanh nghiệp tiếp tục đầu tư, đổi mới công nghệ, giảm giá thành sản phẩm để tăng cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu; góp phần ổn định thị trường, nhất là đối với sản phẩm trong nước đã sản xuất được và đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng.

          Ngoài ra, việc sửa đổi Nghị định lần này phải đảm bảo nguyên tắc, đó là duy trì được dư địa cho việc đàm phán các Hiệp định FTA mới trong tương lai, thuế suất thuế nhập khẩu MFN sau điều chỉnh không thấp hơn thuế suất ưu đãi đặc biệt trong khuôn khổ các hiệp định FTA. Đồng thời, đảm bảo nguyên tắc công bằng, có đi có lại; hài hòa lợi ích đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong nước và trong quan hệ thương mại với các nước đối tác lớn./.

Nguồn:dangcongsan.vn