Skip to main content

Bản lĩnh doanh nhân Việt trước khó khăn thách thức từ đại dịch

          Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã và đang nỗ lực phát huy sức mạnh và tinh thần, bản lĩnh Việt Nam để vượt qua và chiến thắng đại dịch COVID-19, chung tay phục hồi kinh tế. Trong bối cảnh ấy, kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10) năm nay càng có ý nghĩa đặc biệt.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chụp ảnh lưu  niệm cùng các đại biểu nữ doanh nhân trong cuộc gặp mặt doanh nhân ngày 12/10. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

          Theo thống kê, Việt Nam hiện có gần 850.000 doanh nghiệp đang hoạt động với hơn 25.000 hợp tác xã, khoảng 5,6 triệu hộ kinh doanh cá thể. Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp tư nhân, những năm qua đã có sự lớn mạnh không ngừng, trở thành một bộ phận quan trọng của nền kinh tế. Nhiều doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam với bản lĩnh, trí tuệ, tinh thần dân tộc, yêu nước, ý thức trách nhiệm với cộng đồng, xã hội của mình đã vươn tầm thế giới, có những bước nhảy vọt về quy mô, trình độ công nghệ với những tên tuổi như Vingroup, FPT, Vietjet, Sovico, Masan, Trường Hải, Hòa Phát… Nền kinh tế Việt Nam không ngừng phát triển và trở thành một trong những điểm sáng toàn cầu về tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016-2020, xếp vị trí 22 và 26 thế giới về quy mô xuất khẩu và quy mô thương mại quốc tế.

          Sau 35 năm Đổi mới, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã có những bước phát triển nhảy vọt về quy mô, trình độ công nghệ, bắt kịp với thế giới. Bản lĩnh của doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam đã được phát huy với rất nhiều câu chuyện trong suốt thời gian qua. Đơn cử, để tháo gỡ khó khăn cho thị trường chứng khoán Việt Nam, hai tập đoàn kinh tế tư nhân là FPT và Sovico đã chủ động đề xuất giải pháp giải quyết tình trạng “nghẽn lệnh” trên hệ thống của Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) bằng nguồn tài chính, nhân lực và công nghệ của chính mình. Trong đó, FPT thực hiện giải pháp kỹ thuật, Sovico đóng góp nguồn lực tài chính. Sau chỉ 3 tháng, đúng như cam kết với Chính phủ, Bộ Tài chính, hệ thống đã hoạt động thông suốt, an toàn và có thể xử lý từ 3-5 triệu lệnh/ngày, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đồng thời, hoàn toàn làm chủ về công nghệ trong tương lai, không còn phụ thuộc vào công nghệ của nước ngoài.

          Thời gian qua, đại dịch COVID-19 kéo dài đã khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của rất nhiều doanh nghiệp đình trệ, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa phải tạm ngừng hoạt động hay đóng cửa. Nhưng trong hoàn cảnh đó, các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã phát huy mạnh mẽ nhất tinh thần, ý chí, sức sáng tạo cũng như khả năng đương đầu với khó khăn của chính mình.

          Với sự quan tâm, hỗ trợ bằng các chính sách nhanh chóng, kịp thời của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các doanh nghiệp đã tháo gỡ được khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa, bảo đảm nguồn lương thực, thực phẩm cho người dân, duy trì và củng cố các nguồn lực, bảo đảm đời sống cho người lao động… ngay cả trong những giai đoạn các địa phương thực hiện giãn cách căng thẳng nhất. Để bảo đảm mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế vừa phòng chống dịch bệnh, người lao động tại các cơ sở sản xuất kinh doanh thiết yếu cũng đã được ưu tiên tiêm vaccine và triển khai các chính sách làm việc tại chỗ…

          Trong suốt mùa dịch, dù khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp, doanh nhân Việt vẫn tích cực tham gia công tác an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo hay các hoạt động hướng về cộng đồng khác như cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân nghèo, các khu vực khó khăn vì cách ly, phong tỏa, ủng hộ trang thiết bị y tế, phòng dịch, máy thở, xe cứu thương…

          Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc ủng hộ Quỹ vaccine phòng chống COVID-19, các doanh nghiệp, doanh nhân đã đóng góp hàng nghìn tỷ đồng để đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng toàn dân, hướng đến miễn dịch cộng đồng, kiểm soát dịch bệnh. Từ tháng 6/2021 đến nay, Quỹ vaccine phòng chống COVID-19 đã huy động được gần 8.800 tỷ đồng.

          Dịch bệnh là tình huống bất khả kháng, chưa có tiền lệ mà cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân phải đối mặt nhưng cũng đã và đang tạo ra động lực để “biến nguy thành cơ”, phục hồi và bứt phá mạnh mẽ hơn sau khi dịch bệnh được khống chế. Đây được xem là cơ hội để các doanh nghiệp, doanh nhân đánh giá lại năng lực quản trị, khả năng ứng phó với những biến động thị trường, quyết tâm thực hiện chuyển đổi số, cơ cấu các nguồn lực theo hướng bền vững hơn…

          Hành trình phục hồi sau đại dịch COVID-19 cũng như đưa Việt Nam trở thành một nền kinh tế phát triển vào năm 2045 chắc chắn còn nhiều chông gai, thách thức. Tuy nhiên, với những gì mà cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã và đang thể hiện cùng với sự hỗ trợ của Đảng, Chính phủ, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng về một tương lai tươi sáng hơn cho đất nước, cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam./.

Nguồn: baochinhphu.vn