Skip to main content

Doanh nghiệp nông nghiệp thu hút lao động trở lại làm việc

          Hiện nay, các địa phương trên cả nước đang triển khai thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Ðây là cơ hội cho các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp nông nghiệp lại đang phải đối mặt với trở ngại là thiếu lao động trầm trọng, ảnh hưởng lớn đến hầu hết mục tiêu tăng trưởng.

Chế biến chanh dây tại Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu rau quả DOVECO Gia Lai. Ảnh: ÐỨC THỤY

          Theo báo cáo của các hiệp hội ngành hàng thì tại thời điểm này, ngành thủy sản, trái cây, gỗ… là những ngành đang thiếu nhiều lao động nhất do cần sử dụng số lượng lớn phục vụ sản xuất, thu hoạch, chế biến sản phẩm cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Gọi trở lại đủ số lao động cũ hay tiến hành tuyển mới đều là việc vô cùng gian nan đối với các doanh nghiệp hiện nay.

Ðơn hàng nhiều, lao động thiếu

          Ông Trần Văn Phẩm – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thủy sản Sóc Trăng cho biết: Tổng số lao động của doanh nghiệp là gần 4.000 công nhân, nhưng trong giai đoạn này chỉ có hơn 1.000 công nhân đang làm việc. Nguyên nhân là do công ty vẫn phải thực hiện sản xuất theo phương án “ba tại chỗ” cho nên không thể bố trí hết chỗ ăn, ngủ nghỉ cho toàn bộ số lượng lao động. Mặt khác, nhiều công nhân hiện chưa được tiêm vắc-xin hoặc mới chỉ tiêm mũi 1 cho nên họ ngần ngại, không muốn đi làm. Trong số đó, nhiều người cũng đã trở về các tỉnh, thành phố khác chưa biết có quay trở lại làm việc hay không. Chính vì vậy, dịp cuối năm 2021 và đầu năm 2022, công ty có khá nhiều đơn hàng xuất khẩu tôm và sản phẩm từ tôm nhưng cũng đành “gác lại” vì không đủ nhân công thực hiện. Ðiều này đang gây ra sự xáo trộn lớn cho doanh nghiệp, đẩy doanh nghiệp vào thế bấp bênh không biết có giữ được bạn hàng không, nhưng cũng không thể chắc chắn được việc hoàn thiện đơn hàng cho đối tác vì phụ thuộc nhiều vào nhân lực.

          Ðây cũng là tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” của nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay, khi mà một mặt muốn đẩy mạnh sản xuất để vừa tận dụng cơ hội tăng trưởng quý IV/2021, vừa nóng lòng muốn đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đơn hàng đã ký kết để bù đắp thiệt hại sau nhiều tháng sản xuất cầm chừng; nhưng mặt khác lại không thể hoạt động hết công suất do thiếu người làm. Thậm chí nhiều doanh nghiệp đến thời điểm này vẫn chỉ vận hành được từ 20 đến 30% công suất.

          Ông Phạm Minh Thiện – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Cỏ May (Ðồng Tháp) cho biết: Hiện nhà máy chế biến thủy sản của công ty đã giảm tới 70% công suất hoạt động do thiếu lao động. Còn nhà máy chế biến gạo cũng chỉ đạt hơn 60% công suất. Trong tổng số gần 1.500 lao động của công ty thì còn khoảng 400 công nhân chưa được tiêm vắc-xin. Ngoài ra, đối với những lao động đang đi làm thì lại bị hạn chế trong di chuyển do các quy định về phòng, chống dịch của các địa phương cho nên cũng không phát huy hết khả năng lao động của họ. Hiện công ty đã có văn bản kiến nghị chính quyền địa phương có phương án cho lao động đã tiêm một mũi vắc-xin được di chuyển liên huyện; lao động đã tiêm đủ hai mũi được di chuyển liên tỉnh để tăng năng suất làm việc.

Nỗ lực “giữ chân” lao động

          Ðợt bùng phát lần thứ tư của dịch Covid-19 đã gây sức ép nặng nề về mọi mặt cho nền kinh tế nói chung và thị trường lao động nói riêng. Ðiều này đặt ra những thách thức lớn cho doanh nghiệp trong nỗ lực đạt được các mục tiêu tăng trưởng năm 2021. Chính vì vậy, các doanh nghiệp đang bằng mọi cách “giữ chân” lao động để nhanh chóng phục hồi sản xuất ở mức cao nhất. Bà Ngô Tường Vy – Phó Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu cho biết: Công ty có khoảng 300 công nhân, hiện số lao động đang đi làm đã đạt mức 80%. Ðây cũng là những lao động đã được tiêm ít nhất một mũi vắc-xin, một số đã tiêm đủ hai mũi. Ðể ổn định lượng lao động này, ngay từ đầu công ty đã đặt ra mục tiêu cao nhất là bảo đảm an toàn cho lao động trong bối cảnh dịch bệnh. Tiếp đó là ổn định ở mức tốt nhất thu nhập cho lao động để họ yên tâm làm việc. Từ thời điểm bùng phát dịch, công ty không quá đặt nặng chỉ tiêu kinh doanh hay tốc độ tăng trưởng mà xác định chỉ cần duy trì được sản xuất để bật dậy sau.

          Thực tế, những khó khăn của doanh nghiệp trong việc giữ chân lao động là rất lớn, vì nó không chỉ cần đến giải pháp an toàn dịch bệnh, bảo đảm thu nhập mà bên cạnh đó còn là vấn đề tâm lý. Theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp thì đây chính là nguyên nhân sâu xa khiến lao động chần chừ trở lại làm việc. Nếu không có “liều thuốc” chữa lành cho công nhân, nhân viên và cán bộ quản lý thời hậu Covid-19 thì khó “chiêu mộ” được họ trở lại. Ông Nguyễn Lâm Viên – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vinamit chia sẻ: Thời điểm tháng 6/2021, công ty chính thức có F0. Giai đoạn này nhân viên bắt đầu khủng hoảng, lo sợ, một số người đã xin về quê ngay trong đêm. Khảo sát nội bộ của công ty cho thấy, tinh thần nhân viên xuống rất thấp khi có đến 95% số lao động muốn về thăm nhà, hơn 10% bị mất ngủ, trong đó có 5% rối loạn tinh thần. Ðến giữa tháng 9, chúng tôi buộc phải cho bốn kỹ sư được đào tạo bài bản và gắn bó với công ty nghỉ việc về quê, vì họ mong muốn điều đó. Do vậy, sau đợt dịch vừa qua, công ty rất quan tâm đến các vấn đề tâm lý của lao động để động viên, hóa giải kịp thời, giúp họ yên tâm làm việc.

          Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, số người tham gia lực lượng lao động quý III/2021 bị sụt giảm nghiêm trọng. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 49,1 triệu người, giảm 2 triệu người so với quý trước và giảm 2,2 triệu người so với cùng kỳ năm 2020. Có thể thấy, tình trạng chuyển dịch lao động sẽ còn diễn biến phức tạp trong và sau dịch Covid-19, gây áp lực về nhân lực cho các doanh nghiệp trong thời gian tới. Trước tình hình đó, Tổng cục Thống kê đã đề xuất một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường lao động. Cụ thể là các địa phương nên sớm thiết lập các kênh thông tin chính thống, chuyên ngành để cập nhật cho doanh nghiệp và người lao động về chiến lược phát triển kinh tế; các chính sách hỗ trợ lao động và thu hút lao động; các kế hoạch về xét nghiệm, tiêm vắc-xin, kiểm soát dịch của địa phương để họ xây dựng và thực hiện các kế hoạch khôi phục và phát triển sản xuất phù hợp.

          Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh đến vấn đề ưu tiên tiêm vắc-xin nhanh nhất cho những lao động hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản…, vừa bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19, vừa là điều kiện quan trọng để họ sớm trở lại làm việc với tâm lý yên tâm nhất. Bởi ngành nông nghiệp không chỉ đóng vai trò trong tăng trưởng kinh tế chung mà còn là bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm cho toàn xã hội. Bên cạnh đó, bản thân các doanh nghiệp cũng phải thể hiện rõ hơn nữa vai trò của mình trong thời điểm này thông qua việc đưa ra các giải pháp về thu nhập hay ổn định tâm lý cho lao động; đồng thời có những cam kết hỗ trợ lao động ở mức nhất định trong điều kiện dịch bệnh như: Chi phí đi lại, chi phí thuê nhà, chi phí y tế, một số nhu yếu phẩm thiết yếu…, với mục tiêu tạo sự gắn bó, sẵn sàng đồng hành với doanh nghiệp của mỗi người lao động .

Theo Nhandan