Skip to main content

Đưa công nghệ vào sản xuất góp phần tăng nội địa hóa và hỗ trợ doanh nghiệp

          Khi những kết quả phát triển khoa học và công nghệ được thương mại hóa sản phẩm sẽ góp phần tăng nội địa hóa sản xuất và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.

          Hoàn thiện môi trường pháp lý, đẩy mạnh nghiên cứu cơ sở khoa học

          Thực tế cho thấy, thị trường khoa học và công nghệ có vai trò then chốt thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, chất lượng hàng hóa, dịch vụ và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như nền kinh tế.

          Do đó, thị trường khoa học và công nghệ nội địa cần phát huy vai trò làm cầu nối cho doanh nghiệp Việt Nam chủ động liên kết với nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Qua đó, doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc ngành công nghiệp phụ trợ có thể tìm kiếm cơ hội nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh trên thị trường.

Các học viên thực hành lập trình và vận hành Robot tại SHTP-Traing.

Ảnh: Danh Lam /TTXVN

 

          Khi Việt Nam hòa nhập vào thị trường khoa học và công nghệ thế giới sẽ tạo áp lực cạnh tranh trong môi trường kinh doanh, nhưng cũng đồng thời tạo động lực cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đổi mới công nghệ , tăng năng suất lao động... Doanh nghiệp có thể mở rộng và nâng cao hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế; thực hiện giao dịch và tiếp nhận công nghệ...

          Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng, thị trường khoa học và công nghệ ngày càng khẳng định vai trò quan trọng khi Việt Nam đã tham gia vào thị trường toàn cầu và trước bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Do đó, những quy định pháp lý, cơ chế, chính sách là công cụ quan trọng để thiết kế, tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi, minh bạch cho đối tượng tham gia vào hoạt động giao dịch của thị trường trong nước, cũng như hội nhập với quốc tế.

          Chính vì vậy, bước sang giai đoạn 2021-2030, định hướng phát triển thị trường khoa học và công nghệ của Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý, đẩy mạnh nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn cho phát triển thị trường khoa học và công nghệ. Điển hình, nghiên cứu cứu xây dựng và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, chế độ báo cáo thông kê về thị trường khoa học và công nghệ...

          Các đơn vị liên quan sẽ tiếp tục dự thảo và đề xuất cơ chế, chính sách liên thông thị trường khoa học và công nghệ với thị trường hàng hóa, tài chính, lao động... Đặc biệt, cơ chế đối tác công tư, liên kết viện nghiên cứu, trường đại học với doanh nghiệp sẽ thúc đẩy hoạt động giao dịch, chuyển giao công nghệ và thương mại hóa kết quả nghiên cứu vào sản xuất, kinh doanh.

          Ngoài ra, vấn đề cấp thiết hiện nay là tập trung nghiên cứu hoàn thiện cơ chế hoàn trả giá trị tài sản là kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ được nhà nước giao quyền sở hữu khi tham gia thị trường khoa học và công nghệ. Cơ chế giao quyền sử dụng tài sản là kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ và phân chia lợi nhuận với Nhà nước từ việc thương mại hóa kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

          Cùng với đó, Việt Nam cần thúc đẩy đầu tư và phát triển thị trường khoa học và công nghệ trong sự kết nối với thị trường toàn cầu và khu vực, sớm thiết lập mạng lưới kết nối và đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu nhân tài người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài tham gia hoạt động đổi mới sáng tạo và phát triển thị trường khoa học và công nghệ Việt Nam. Bên cạnh đó, đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung và cổng thông tin về thị trường khoa học và công nghệ, tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học và công nghệ và hệ tri thức Việt số hoá, chia sẻ dữ liệu giữa bộ, ngành và địa phương để đáp ứng nhu cầu hội nhập kinh tế.

          Hướng tới thương mại hóa sản phẩm

          Nhiều chuyên gia cho rằng, muốn thương mại hóa sản phẩm khoa học và công nghệ phục vụ sản xuất, kinh doanh thì cần tháo gỡ những rào cản trong khai thác sở hữu trí tuệ, khơi thông thị trường và kết nối quốc tế.

          Theo Tiến sĩ Đỗ Thị Hải Ninh, Trường Đại học kinh tế Tp. Hồ Chí Minh, khoa học và công nghệ hiện nay được xem là công cụ tối ưu để gia tăng sức cạnh tranh và chất lượng của mọi loại sản phẩm và dịch vụ. Hoạt động chuyển giao tri thức về thương mại hóa sản phẩm khoa học và công nghệ là một trong những tiền đề nhằm thúc đẩy nền kinh tế tri thức và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

          Tuy vậy, tình hình thương mại hóa sản phẩm khoa học và công nghệ từ đơn vị nghiên cứu còn thiếu hiệu quả, bên cạnh những vấn đề về nhiều kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ chưa có tiềm năng thương mại hóa, năng lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp còn thấp. Cùng với đó, cần xét đến những vấn đề liên quan tới quyền sở hữu trí tuệ, quy định phân chia lợi nhuận trong hoạt động chuyển giao khoa học và công nghệ... cũng được đánh giá là  rào cản trong thương mại hóa sản phẩm khoa học và công nghệ ra thị trường.

          Hơn thế nữa, vấn đề lớn nhất vẫn là thiếu hoạt động đào tạo nhằm trợ giúp và thúc đẩy hoạt động thương mại hoá sản phẩm khoa học và công nghệ. Vấn đề này đã từng được xác định như một trong ba lỗ hổng lớn của hoạt động thương mại hoá kết quả nghiên cứu khoa học là phát triển công nghệ mới, đào tạo kỹ năng thương mại hoá và cơ chế cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

          Trước yêu cầu khơi thông thị trường, Chương trình 2075 (Quyết định số 2075/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Phát triển thị trường khoa học và công nghệ đến năm 2020) được thực hiện trong giai đoạn 2016-2020 là dấu mốc quan trọng giúp cho thị trường khoa học và công nghệ đã khẳng định từng bước hoàn thiện theo đúng xu hướng hội nhập quốc tế và có những tác động ban đầu quan trọng. Cụ thể, sau 5 năm triển khai thực hiện chương trình 2075 đã phê duyệt được 63 nhiệm vụ trên tổng số hơn 500 đề xuất đăng ký, tương đương trung bình mỗi năm có khoảng trên 100 đề xuất đăng ký tham gia chương trình 2075. Tổng kinh phí thực hiện của 63 nhiệm vụ phê duyệt trong 5 năm qua là 340 tỷ đồng.

          Thông qua chương trình này, nhiều doanh nghiệp đã tham gia tích cực vào việc triển khai các dự án tiếp thu làm chủ công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ bằng việc đối ứng nguồn vốn, nhân lực và các trang thiết bị cần thiết. Tổng kinh phí được huy động từ doanh nghiệp để triển khai nhiệm vụ thương mại hóa đạt 111,3 tỷ đồng. Kết quả thực hiện chương trình 2075 cho thấy, tốc độ tăng giá trị giao dịch các hàng hoá khoa học và công nghệ trên thị trường bình quân hàng năm đạt 22%, vượt 7% so với mục tiêu đề ra là 15%. Đối với một số lĩnh vưc công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển tốc độ tăng trưởng giá trị giao dịch công nghệ trung bình là 40%, vượt 20% so với mục tiêu đề ra là 20%.

          Những hoạt động xúc tiến thị trường khoa học và công nghệ cũng được nhiều Bộ, ngành chung tay đẩy mạnh theo hướng liên thông với hoạt động xúc tiến thị trường hàng hóa, lao động, đầu tư trong và ngoài nước. Đến nay đã hình thành và phát triển một số mô hình tổ chức trung gian tiêu biểu tại trường đại học, viện nghiên cứu trọng điểm như Đại học quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Bách Khoa Tp. Hồ Chí Minh, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Viện Đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh… theo hướng đẩy mạnh thương mại hóa sản phẩm kho học và công nghệ chuyển giao cho doanh nghiệp để ứng dụng vào thực tiễn sản xuất.

          Thúc đẩy chuyển giao công nghệ để tăng tỷ lệ nội địa hóa

          Thời gian qua, nhiều địa phương đã phát huy được vai trò quản lý, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ, qua đó từng bước phát triển những điểm kết nối cung cầu thông qua việc xây dựng các sàn giao dịch và phát triển các tổ chức trung gian.

          Theo Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, hiện tại cả nước có hơn 800 tổ chức trung gian trên thị trường khoa học và công nghệ. Trong đó, có thể kể đến sàn giao dịch công nghệ; tổ chức cung cấp dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp; tổ chức thẩm định, giám định công nghệ; cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ...

          Trong đó, sàn thực chủ yếu tập trung và trưng bày, giới thiệu công nghệ, thiết bị, sản phẩm... của nhà khoa học, doanh nghiệp. Còn sàn ảo chủ yếu giới thiệu, chào bán thiết bị công nghệ qua mạng trực tuyến. Tuy nhiên, hiệu quả của từng phương thức này thực hiện tại sàn có sự khác biệt như hoạt động mua bán, trao đổi công nghệ trên sàn ảo gặp nhiều khó khăn, số lượng truy cập vào sàn ảo không nhiều.

          Trước thực trạng trên, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho hay, ngành đang thúc đẩy đầu tư nâng cấp và phát triển sàn giao dịch công nghệ quốc gia, sàn giao dịch công nghệ tại Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng; một số sàn giao dịch công nghệ cấp vùng và chuyên ngành có vai trò đầu mối. Hoạt động này sẽ phục vụ cung cấp dịch vụ công có tính hệ thống, hỗ trợ hiệu quả cho các tổ chức trung gian khác thực hiện dịch vụ tư vấn, môi giới về thị trường khoa học và công nghệ...

          Song song, ngành cũng liên kết mạng lưới sàn giao dịch công nghệ quốc gia, sàn giao dịch công nghệ vùng và địa phương... thực hiện hoạt động liên thông giữa thị trường khoa học và công nghệ trong nước với thị trường quốc tế. Lồng ghép với hoạt động xúc tiến thương mại và xúc tiến đầu tư của các bộ, ngành, địa phương liên quan để thực thi hiệu quả cơ chế, chính sách phát triển thị trường khoa học công nghệ.

          Theo báo cáo của một số địa phương như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ, Hải Phòng... hoạt động phát triển tổ chức trung gian trên thị trường khoa học và công nghệ trong giai đoạn vừa qua đã có những bước phát triển nhất định. Song song, hệ thống đầu mối về trung tâm xúc tiến chuyển giao công nghệ, trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, tiêu chuẩn đo lường chất lượng đã được phát triển tại 63 tỉnh, thành phố.

          Các tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ đã được phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Năng lực của tổ chức trung gian thị trường được tăng cường thông qua hoạt động đào tạo cán bộ về kiến thức và kỹ năng môi giới công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu cung, cầu công nghệ, nền tảng sở hữu trí tuệ trên mạng internet...

          Hiện nay, có gần 70 cơ sở ươm tạo, đồng thời những tổ chức thúc đẩy kinh doanh trong khu vực tư nhân mang đến làn sóng mới cho cộng đồng khởi nghiệp công nghệ ở Việt Nam. Còn mạng lưới trường đại học, viện nghiên cứu đã nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động chuyển giao, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, nên định hướng thành thành lập doanh nghiệp khởi nguồn (spin – off) để thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

          Những mô hình này, không chỉ cung cấp không gian làm việc cho cộng đồng doanh nhân trẻ, nhóm khởi nghiệp mà còn là một môi trường tích cực thúc đẩy sự hợp tác, tương tác, kết nối mạng lưới các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp. Thông qua đó, góp phần nâng cao chất lượng hệ sinh thái khởi nghiệp, định hướng công nghiệp hỗ trợ và nội địa hóa sản xuất, giúp doanh nghiệp ứng dụng công nghệ để nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát triển nhanh các ngành kinh tế chủ lực có giá trị gia tăng cao./.

Nguồn: dangcongsan.vn