Skip to main content

VÌ sao ngân hàng ồ ạt mua bán cổ phiếu quỹ?

Lý giải về việc các ngân hàng tấp nập mua bán cổ phiếu quỹ nhiều nhận định cho rằng là do chiến lược của từng ngân hàng.

Thông tin mới nhất từ Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín – Sacombank (mã STB) cho biết, HĐQT ngân hàng vừa thông qua việc bán gần 81,6 triệu cổ phiếu quỹ, tương đương 4,33% vốn điều lệ.

Quyết định này dựa theo Đề án tái cơ cấu Sacombank sau sáp nhập đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận. Thông tin về việc xử lý được hơn 19.000 tỷ đồng nợ xấu cùng với kết quả kinh doanh tích cực của Sacombank đã mang lại những diễn biến tích cực cho giá cổ phiếu STB trong thời gian gần đây.

Thanh khoản của cổ phiếu STB cũng đột biến từ cuối tháng 12, có phiên lên tới 49,5 triệu đơn vị (10/1). Chốt phiên ngày 16/1, STB ở mức 14.950 đồng/cp. Ước tính Sacombank có thể thu về khoảng 1.220 tỷ đồng từ giao dịch bán cổ phiếu quỹ.

Từ đầu tháng 12/2017 đến nay, một cổ đông lớn của Sacombank là Eximbank liên tục bán ra lượng lớn cổ phiếu STB, theo đó, làm giảm số lượng cổ phiếu nắm giữ từ hơn 165,2 triệu cổ phiếu, tương đương 9,16% vốn, xuống còn 97,5 triệu đơn vị, tương đương 5,41% vốn có quyền biểu quyết.

Động thái bán ra này được cho là nhằm đáp ứng quy định của Thông tư 36/2014/TT-NHNN. Theo Thông tư này, thì mỗi NHTM chỉ được mua, nắm giữ cổ phiếu tối đa không quá 2 TCTD khác, đồng thời, chỉ được nắm giữ dưới 5% vốn có quyền biểu quyết của tổ chức tín dụng khác đó.

Trước Sacombank đã có một số ngân hàng động thái mua bán lượng lớn cổ phiếu quỹ như VIB, Techcombank và TPBank. Việc ồ ạt mua bán này một phần vì dòng tiền kinh doanh, một phần điều chỉnh cơ cấu sở hữu, nâng giá trị tốt hơn cho cổ phiếu...

Cụ thể: trong tháng 11/2017, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (Mã: VIB) hoàn tất mua lại 6% cổ phiếu quỹ ở mức giá 22.500 đồng/cp. Ngân hàng này đã chi ra hơn 760 tỷ đồng để mua lại số cổ phiếu từ nhóm cổ đông có liên quan tới ông Trịnh Văn Tuấn, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) VIB.

Cũng trong thời gian trên, bà Ngô Minh Hiền, vợ Phó Tổng Giám đốc Hồ Vân Long cũng mua thành công gần 1,4 triệu cổ phiếu VIB. Với mức giá giao dịch bình quân trong khoảng thời gian trên là 22.789 đồng/cp, ước tính bà Hiền đã chi hơn 31 tỷ đồng để thực hiện giao dịch.

Có thể thấy với khối lượng giao dịch tăng mạnh trong tháng 11, mức giá cổ phiếu VIB được đẩy lên 24.900 đồng/cp vào ngày 22/11, tăng hơn 11% so với đầu tháng 11. Bước sang tháng 1/2018, thanh khoản của cổ phiếu VIB tiếp tục tăng mạnh, đạt kỷ lục 685.000 đơn vị vào ngày 8/1/2018. Chốt phiên ngày 16/1, cổ phiếu VIB đạt 29.100 đồng/cp, tăng gần 27% so với đầu năm.

Hay như Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) bán thành công 3 triệu cổ phiếu quỹ thu về 31,6 tỷ đồng vào cuối tháng 11 vừa qua. Hiện TPBank vẫn còn 6 triệu cổ phiếu quỹ. Bên cạnh đó, TPBank còn dự kiến phát hành riêng lẻ 87,6 triệu cổ phần và đưa cổ phiếu niêm yết HOSE trong năm 2018. Hiện giá giao dịch của cổ phiếu TPBank trên OTC dao động trong khoảng từ 27.000 - 31.200 đồng/cp.

Giữa tháng 8/2017, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) hoàn tất mua lại 172,4 triệu cổ phiếu quỹ tổng số gần 222 triệu cổ phiếu đăng ký chào mua. Số cổ phiếu quỹ được mua lại chiếm khoảng 19,1% vốn điều lệ ngân hàng và là toàn bộ cổ phần của HSBC sau khoảng 10 năm đầu tư. Kết quả HSBC thu về khoảng 4.040 tỷ đồng.

Techcombank cho hay, mục đích mua lại cổ phần nhằm điều chỉnh cơ cấu sở hữu và nâng giá trị tốt hơn cho cổ phiếu, đồng thời tạo cơ hội cho Techcombank có thêm các nguồn lực mới.

Lý giải về việc các ngân hàng tấp nập mua bán cổ phiếu quỹ nhiều nhận định cho rằng là do chiến lược của từng ngân hàng. Đó có thể một phần vì dòng tiền kinh doanh, một phần điều chỉnh cơ cấu sở hữu, nâng giá trị tốt hơn cho cổ phiếu...

Đơn cử như việc Sacombank quyết định sẽ bán ra toàn bộ gần 81,6 triệu cổ phiếu quỹ đang sở hữu, tương đương 4,33% vốn điều lệ, sau khi giá cổ phiếu STB chạm đỉnh cao nhất hơn 2 năm được giới đầu tư đánh giá là hoạt động chốt lời của nhà băng này. Tuy nhiên, trong một cuộc trao đổi gần đây, một cán bộ của Sacombank cho biết ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank đang lo cổ phiếu STB đang tăng nóng. Thế nên, việc nhà băng này bán toàn bộ số cổ phiếu quỹ có thể là động tác “giảm nhiệt” cho cổ phiếu STB...

Còn như trường hợp mua cổ phiếu, lãnh đạo VIB cho hay, việc mua cổ phiếu quỹ chỉ tạm thời làm giảm số dư vốn chủ sở hữu trong ngắn hạn, đổi lại ngân hàng sẽ sở hữu tài sản có giá trị hơn đó là chính cổ phiếu của ngân hàng mình.

Một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng phân tích thêm và cho rằng có một số lý do khiến doanh nghiệp mua lại cổ phiếu của chính mình. Đó có thể là do doanh nghiệp dư tiền và tạm thời chưa có nhu cầu sử dụng hiệu quả nên chọn cách dùng tiền đó để rút bớt số cổ phần đang lưu hành nhằm tăng giá trị thu nhập trên mỗi cổ phần. Nhưng cũng có ngân hàng mua vào với niềm tin giá cổ phiếu sẽ tiếp tục tăng. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp tính toán sai dẫn đến việc mua với giá cao, sau đó giá xuống thấp, thì sẽ “thiệt đơn, hại kép”.

Linh Nga

(Theo enternews.vn ngày 18/01/2018)