Skip to main content

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA)

          Ngày 06/8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1201/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) nhằm phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cho các cơ quan, tổ chức liên quan, quyết định biện pháp chỉ đạo, điều hành và các biện pháp khác triển khai thực hiện đầy đủ và có hiệu quả Hiệp định này.

 

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

          Để đạt được mục tiêu nêu trên, trong thời gian tới, bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện những nhiệm vụ cơ bản như: Tuyên truyền, phổ biến thông tin về EVFTA và thị trường của các nước EU; Xây dựng pháp luật, thể chế; Nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực; Hoàn thiện các chủ trương và chính sách đối với tổ chức công đoàn và các tổ chức của người lao động tại cơ sở doanh nghiệp; Xây dựng và ban hành đồng bộ các chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

          Về công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về EVFTA và thị trường của các nước EU: Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tăng cường phổ biến về EVFTA cho các đối tượng có liên quan, đặc biệt là các đối tượng có thể chịu tác động như nông dân, ngư dân, cơ quan quản lý cấp trung ương và địa phương, hiệp hội ngành nghề, hợp tác xã, cộng đồng doanh nghiệp, công nhân, các thành phần lao động khác thông qua các phương tiện truyền thông, trang thông tin điện tử. Chú trọng tập huấn cho các cán bộ thuộc cơ quan quản lý nhà nước cũng như các doanh nghiệp về một số lĩnh vực như thuế, quy tắc xuất xứ, tiếp cận thị trường EU.

          Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại – đầu tư tại các nước EU nhằm thông tin cho cộng đồng doanh nghiệp các nước về cơ hội và lợi thế môi trường kinh doanh đầu tư của Việt Nam, qua đó phát triển quan hệ thương mại, thu hút đầu tư nước ngoài vào những lĩnh vực trọng điểm; tận dụng công nghệ nguồn, công nghệ  hiện đại nhằm tháo gỡ những nút thắt có thể gây cản trở một số ngành của Việt Nam trong việc tận dung EVFTA.

          Về công tác xây dựng pháp luật, thể chế: cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các thiết chế cần thiết để thực thi Hiệp định; Xây dựng cơ chế thành lập nhóm tư vấn trong nước bao gồm các tổ chức đại diện độc lập, đảm bảo sự đại diện cân bằng giữa các lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường, bao gồm tổ chức người lao động và người sử dụng lao động, doanh nghiệp và các tổ chức môi trường.

          Về nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực: Thủ tướng yêu cầu cần xây dựng các chương trình hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành hàng, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, nông dân, phù hợp với cam kết quốc tế; đồng thời, chuẩn bị những giải pháp ứng phó, hỗ trợ đối với những ngành hàng, mặt hàng chịu tác động lớn, trực tiếp từ việc thực thi Hiệp định; hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

          Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất lao động tại doanh nghiệp và các ngành sản xuất. Tập trung cơ cấu lại công nghiệp, tạo nền tảng cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo mô hình sản xuất tiên tiến, ứng dụng khoa học – công nghệ, an toàn, thân thiện với môi trường. Tăng cường các biện pháp, cơ chế khuyến khích, định hướng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài kết nối với doanh nghiệp nội địa, góp phần vào việc hình thành và phát triển chuỗi cung ứng.

          Kinh phí thực hiện Kế hoạch được Chính phủ lấy từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn tài trợ và các nguồn tài chính hợp pháp khác của các Bộ, ngành theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Nguồn: dangkykinhdoanh.gov.vn