Skip to main content

Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa: Động lực từ nguồn vốn ưu đãi

          Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và chủ trương phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa của tỉnh, các tổ chức tín dụng trên địa bàn Lạng Sơn đã đa dạng các hình thức cấp tín dụng, đơn giản hóa các thủ tục hành chính và quan trọng là triển khai các chương trình ưu đãi để hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao giá trị gia tăng.

          Thời gian qua, các ngân hàng thương mại đã tích cực triển khai các chương trình cho vay ưu đãi đối với doanh nghiệp. Đa số doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trên địa bàn tỉnh đã được hưởng lãi suất vay ngắn hạn tối đa thấp hơn từ 1% đến 2%/năm (khoảng 6,5%) so với mức lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh các lĩnh vực thông thường. DNNVV hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp được vay ưu đãi theo đúng quy định tại Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Đặc biệt, doanh nghiệp hoạt động sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết hoặc công nghệ cao được vay vốn không có tài sản đảm bảo lên đến 70% – 80%.

Sản xuất bánh quy bơ tại Công ty TNHH Thành Long (thành phố Lạng Sơn)

          Để thực hiện các chương trình cho vay ưu đãi, các ngân hàng đã triển khai linh hoạt các gói vay cho DNNVV như: “gói vay ưu đãi 1.000 tỷ đồng” của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín chi nhánh Lạng Sơn (Sacombank Lạng Sơn); gói tín dụng “Cho vay linh hoạt cùng lãi suất cố định” của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Lạng Sơn (Vietinbank Lạng Sơn); chương trình cho vay trung, dài hạn ưu đãi lãi suất 8%/năm của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Lạng Sơn (BIDV Lạng Sơn); gói “Lãi suất cạnh tranh 15.000 tỷ đồng” của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại Thương Lạng Sơn (Vietcombank Lạng Sơn).

          Ông Hoàng Đình Hưng, Phó Giám đốc Vietcombank Lạng Sơn cho biết: Để hỗ trợ DNNVV, chi nhánh đã và đang triển khai hiệu quả gói lãi suất cạnh tranh 15.000 tỷ đồng. Đồng thời, thực hiện tiếp nhận nguồn vốn từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), thiết lập các khoản vay của dự án SMEFP (Dự án tài trợ DNNVV), tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình mở rộng sản xuất kinh doanh với tỷ lệ cấp vốn lên đến 85% nhu cầu, lãi suất cho vay chỉ từ 6,5%/năm và thời gian vay vốn đến 10 năm. Hiện có hơn 40 doanh nghiệp vay vốn tại Vietcombank Lạng Sơn được hưởng ưu đãi từ các chương trình này.

          Với BIDV Lạng Sơn, ông Hoàng Văn Huy, Phó Giám đốc Chi nhánh cho biết: BIDV Lạng Sơn đang triển khai nhiều gói sản phẩm tín dụng cho DNNVV với lãi suất ưu đãi thấp hơn lãi suất cho vay thông thường từ 1% đến 1,5%/năm. Trong đó ưu tiên cho vay đối với doanh nghiệp khởi nghiệp năm 2019 và với doanh nghiệp mới, chưa có quan hệ tín dụng tại BIDV. Nổi bật là chương trình tín dụng hỗ trợ DNNVV quy mô 7.000 tỷ đồng, ưu tiên các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp tại khu vực nông thôn và các dự án đáp ứng tiêu chí phát triển bền vững, thỏa mãn điều kiện về môi trường và xã hội.

          Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước tỉnh, hiện có gần 1.000 DNNVV đang có quan hệ tín dụng với các ngân hàng thương mại với tổng dư nợ xấp xỉ 10.000 tỷ đồng, chiếm 35% tổng dư nợ toàn địa bàn. Trong đó, có hơn 60% doanh nghiệp được tiếp cận các nguồn vốn vay theo các chương trình ưu đãi như: cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên, vay phát triển nông nghiệp nông thôn và vay theo các quyết định của UBND tỉnh. Đặc biệt, đã có 21 DNNVV được áp dụng mức lãi suất theo Quyết định số 1425/QĐ-NHNN ngày 7/7/2017 của Ngân hàng Nhà nước với dư nợ ngắn hạn 45 tỷ đồng.

          Bà Trương Thu Hòa, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho biết: Các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh hầu hết đã triển khai mô hình cấp tín dụng dành riêng cho khối khách hàng DNNVV. Theo đó, hồ sơ và thủ tục tiếp nhận vay vốn cũng như giải ngân vốn vay đều được đơn giản hóa tối đa, rút ngắn thời gian giao dịch ngân hàng cho doanh nghiệp. Các chi nhánh cũng thường xuyên phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tỉnh tổ chức hội nghị, hội thảo trao đổi kinh nghiệm với các doanh nghiệp, tăng tương tác giữa ngân hàng và doanh nghiệp.

          Với sự đồng hành của ngân hàng, các nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển của DNNVV trên địa bàn tỉnh. Theo đánh giá của Hội DNNVV, tình trạng doanh nghiệp kiến nghị về khó tiếp cận vốn tín dụng đã giảm hơn 90% so với giai đoạn trước năm 2018; số lượng doanh nghiệp mới thành lập tăng 30%, nâng tổng số DNNVV cả tỉnh lên khoảng 2.800 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký hơn 21.000 tỷ đồng.

Nguồn: baolangson.vn