Skip to main content

Phát triển doanh nghiệp: Cần thêm chính sách sát thực

          Cơ chế, chính sách thu hút, phát triển doanh nghiệp của tỉnh thời gian qua đã phát huy hiệu quả, số lượng doanh nghiệp tăng hằng năm, tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động ngày một giảm. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu về chất và lượng theo Đề án phát triển doanh nghiệp tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025 thì cần có thêm cơ chế, chính sách phù hợp, thực tế hơn nữa.

          Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có xấp xỉ 3.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, gấp 2,3 lần so với năm 2010 và 1,5 lần so với năm 2015. Tính về lượng, bình quân mỗi năm, số doanh nghiệp mới tăng khoảng 11%, cao hơn mặt bằng chung cả nước (10,5%). Tính về chất, tổng số vốn đăng ký đạt trên 25 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân mỗi năm 18,7%. Đây là những con số khá ấn tượng đối với một tỉnh miền núi, biên giới còn nhiều khó khăn như Lạng Sơn.

          Để có được kết quả trên, từ năm 2010 đến nay, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để phát triển doanh nghiệp. Nhiều chính sách phát huy hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khi triển khai dự án trên địa bàn tỉnh như: chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng và huy động nguồn lực tài chính; hỗ trợ thành lập mới doanh nghiệp;…

 

Sản xuất thùng cát tông tại Công ty Cổ phần Non Nước

          Điển hình như thực hiện chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư, trong 10 năm gần đây, đã có 38 dự án trên địa bàn tỉnh do doanh nghiệp Lạng Sơn triển khai được hỗ trợ gần 20 tỷ đồng tiền thuê đất; 17 dự án được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp gần 4,5 tỷ đồng. Đặc biệt, đã có 2 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được hỗ trợ vốn đầu tư hơn 5 tỷ đồng và 19 dự án được hỗ trợ lãi suất vốn vay từ các ngân hàng với tổng dư nợ 7,4 tỷ đồng.

          Bà Phùng Thanh Nga, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Để phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, những năm qua, sở đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp theo từng lĩnh vực, từng vấn đề cụ thể. Như các chính sách về hỗ trợ đầu tư; phát triển công nghiệp – thương mại; đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ, hướng dẫn về thủ tục hành chính thuế, chế độ kế toán; thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp… Nhờ đó, số lượng doanh nghiệp không ngừng tăng, nhiều cá nhân, hộ gia đình đã mạnh dạn mở rộng quy mô, chuyển đổi mô hình hoạt động thành doanh nghiệp.

          Bên cạnh những mặt được, vẫn còn những hạn chế trong thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Như với chính sách phát triển công nghiệp, việc thu hút đầu tư, xây dựng những khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh còn chậm. Điều này dẫn đến không có mặt bằng sạch cho doanh nghiệp. Hoặc chính sách hỗ trợ, đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp đã được triển khai  đào tạo được hơn 25 nghìn lao động  nhưng chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu, doanh nghiệp Lạng Sơn vẫn luôn trong tình trạng thiếu lao động tay nghề cao;…

          Ông Đoàn Bá Nhiên, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết: Nếu như giai đoạn 2010 – 2015, vốn đầu tư là vấn đề hạn chế đối với doanh nghiệp Lạng Sơn, thì từ năm 2015 đến nay, mặt bằng sản xuất và nguồn nhân lực lại là vấn đề khó khăn lớn của doanh nghiệp. Qua khảo sát của hiệp hội, nhiều doanh nghiệp hội viên mong muốn tỉnh đẩy mạnh rà soát, xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình hiện tại về giải phóng mặt bằng, tập trung đất đai để tạo hành lang pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận mặt bằng sản xuất, kinh doanh.

          Để hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có 6.500 doanh nghiệp, quy mô vốn sản xuất bình quân tăng 15 – 17%/doanh nghiệp/năm và có doanh nghiệp đạt mức vốn điều lệ trên 500 tỷ đồng, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố tập trung thực hiện các nhóm giải pháp tạo đột phá phát triển doanh nghiệp. Trong đó, trọng tâm là các giải pháp tạo quỹ đất để đáp ứng mặt bằng sạch cho doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực sự đồng hành cùng doanh nghiệp; tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn đầu tư và ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào hoạt động sản xuất.

Nguồn: baolangson.vn