Skip to main content

Quốc hội thông qua Luật Đầu tư (sửa đổi)

          Ngày 17/6/2020, Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư (sửa đổi). Cụ thể, theo kết quả biểu quyết, có 446 trong tổng số 458 đại biểu QH  (94,82%) tán thành, 8 đại biểu QH (1,66%) không tán thành và 4 đại biểu (0,83%) không biểu quyết.

          Luật Đầu tư (sửa đổi) có 7 chương, 77 điều và 4 phụ lục kèm theo quy định về hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và hoạt động đầu tư kinh doanh từ Việt Nam ra nước ngoài, Luật này áp dụng đối với nhà đầu tư và cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh.

          Điểm đặc biệt của Luật Đầu tư (sửa đổi) là “khai tử” dịch vụ đòi nợ thuê. Trước khi bấm nút biểu quyết thông qua toàn văn Luật Đầu tư (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội đã bấm nút thông qua quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ tại Điều 6 với tỷ lệ 436/456 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 90,27% tổng số đại biểu Quốc hội). kinh doanh dịch vụ đòi nợ đã bị loại khỏi Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, mà chính thức được chuyển vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh.

          Luật cũng quy định điều khoản chuyển tiếp là giao dịch cung cấp dịch vụ đòi nợ trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành (01/01/2021) chấm dứt hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành và các bên tham gia giao dịch được thực hiện các hoạt động để thanh lý giao dịch đòi nợ theo quy định của pháp luật về dân sự và pháp luật có liên quan.

          Bên cạnh đó, Luật đã bãi bỏ, cắt giảm 22 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nhằm góp phần xóa bỏ rào cản trong hoạt động kinh doanh; bảo đảm quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trong những ngành, nghề mà luật không cấm.

          Quy định Danh mục ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài theo cách tiếp cận chọn bỏ nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị, góp phần nâng cao tính minh bạch, khả thi trong việc áp dụng cam kết về mở cửa thị trường của Việt Nam theo các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

          Bổ sung các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện như: kinh doanh dịch vụ cai nghiện thuốc lá, điều trị HIV/AISD, chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em; kinh doanh nước sạch (nước sinh hoạt); kinh doanh dịch vụ kiến trúc; kinh doanh dịch vụ phát hành báo chí nhập khẩu; đăng kiểm tàu cá; đào tạo, bồi dưỡng thuyền viên tàu cá...

          Về ưu đãi, hỗ trợ đầu tư

          Luật đã sửa đổi, bổ sung các ngành, nghề ưu đãi đầu tư nhằm bảo đảm thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, chất lượng theo Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị, đồng thời bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong việc thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư, các Luật thuế và các Luật liên quan, cụ thể là:

          - Bổ sung một số ngành, nghề ưu đãi đầu tư (như hoạt động đổi mới sáng tạo; sản xuất hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ tham gia chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành).

          - Bổ sung quy định về nguyên tắc, điều kiện áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư để bảo đảm hiệu quả, chất lượng của việc thực hiện chính sách này (như: áp dụng ưu đãi có thời hạn, theo kết quả thực hiện dự án; nhà đầu tư phải bảo đảm đáp ứng điều kiện ưu đãi trong thời gian được hưởng ưu đãi theo quy định của pháp luật).

          - Bổ sung quy định cho phép Thủ tướng Chính phủ áp dụng ưu đãi đặc biệt để tạo cơ chế, chính sách đủ sức hấp dẫn, kịp thời thu hút dòng vốn FDI đang dịch chuyển nhanh chóng trong bối cảnh hiện nay (cho phép áp dụng ưu đãi tối đa thêm 50% so với mức cao nhất theo quy định của Luật hiện hành).

Luật Đầu tư (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua đã góp phần khắc phục những bất cập đang là điểm nghẽn đối với môi trường kinh doanh do sự trùng lặp, chồng chéo hoặc thiếu rõ ràng giữa các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh. Theo đó, Luật đã sửa đổi 10 nhóm quy định để bảo đảm tính thống nhất với các Luật liên quan, đồng thời sửa đổi 05 Luật có liên quan để đồng bộ với quy định của Luật Đầu tư, gồm Luật Nhà ở, Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Điện ảnh). Luật đã làm rõ nguyên tắc, điều kiện áp dụng từng hình thức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất, gồm: (i) đấu giá quyền sử dụng đất; (ii) đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; (iii) chấp thuận nhà đầu tư, chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư.

Nguồn: dangkykinhdoanh.gov.vn