Skip to main content

Đương đầu đại dịch: Đóng cửa chỉ là giải pháp cuối cùng

          Dịch COVID-19 đã lan rộng tới hầu khắp quốc gia, vùng lãnh thổ, trở thành đại dịch toàn cầu và có ảnh hưởng rất lớn tới nền kinh tế và doanh nghiệp. Nhưng, dừng kinh doanh hay đóng cửa doanh nghiệp chỉ là những giải pháp cuối cùng.

          Hiện các giải pháp ứng phó và thích nghi được doanh nghiệp thực hiện phổ biến là cắt giảm lao động (gần 39%), tiếp theo là cắt giảm chi phí (21%), tạm dừng kinh doanh (4%) và cho nhân viên nghỉ không lương (khoảng 4%). Đáng chú ý có khoảng 19% số doanh nghiệp trả lời khảo sát nhanh hiện chưa có giải pháp gì để ứng phó với những ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh. Theo phản ánh của các doanh nghiệp nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài và diễn biến phức tạp đến giữa năm 2020 thì việc các doanh nghiệp đóng cửa một phần, toàn phần, thậm chí phá sản không còn là nỗi lo, nguy cơ mà sẽ trở thành thực tế. 

          Đối với khu vực kinh tế phi chính thức, hàng loạt các hộ kinh doanh đóng cửa do sức mua thị trường giảm sút nhanh chóng và các biện pháp ngăn chặn dịch của các cấp chính quyền địa phương. Chẳng hạn, theo Cục Thuế Hà Nội cho biết 2 tháng đầu năm đã có trên 9.000 hộ kinh doanh trên địa bàn phải giải thể, đóng cửa và tạm nghỉ kinh doanh. Trong đó có hơn 3.000 hộ kinh doanh phản ánh buộc phải tạm ngưng, bỏ kinh doanh do COVID-19. Ở phạm vi cả nước, với hơn 4 triệu hộ kinh doanh phần lớn phải tạm ngừng kinh doanh sẽ là vấn đề rất lớn về an sinh xã hội vì lực lượng lao động ở khu vực này hầu như không ký kết hợp đồng lao động, không có bảo hiểm xã hội, dễ bị tổn thương.

Như vậy, không trực tiếp hoặc gián tiếp thì toàn bộ các ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần, quy mô đều bị ảnh hưởng tiêu cực ở mức độ nghiêm trọng dưới tác động của dịch. Tuy nhiên, dịch bệnh COVID-19 cũng có tác dụng tích cực “không mong đợi” đối với một số ngành, lĩnh vực như thương mại điện tử, y tế, dược phẩm, bảo hiểm, chuyển phát, giao hàng nhanh.

          Thách thức và nỗi lo lớn nhất của các doanh nghiệp hiện nay là thị trường hàng hóa ngưng trệ, không bán được hàng, không có doanh thu, không trả nợ  được ngân hàng, buộc phải cho lao động nghỉ việc, thậm chí phá sản. Để có thể trụ vững, vượt qua thách thức và phát triển, đòi hỏi nỗ lực rất lớn từ chính các doanh nghiệp, sự hỗ trợ của Nhà nước và toàn xã hội. Bài viết này đề cập đến các giải pháp từ phía các doanh nghiệp cả về dài hạn và ngắn hạn.

          Một là, thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp. Đây là biện pháp dài hạn và thực hiện thường xuyên, tuy nhiên khi xảy ra dịch bệnh thì yêu cầu tái cấu trúc doanh nghiệp trở nên cấp bách, đồng thời cũng là cơ hội để doanh nghiệp thực hiện tái cấu trúc nhanh hơn, quyết liệt hơn. Mục tiêu chung của tái cấu trúc là quá trình tổ chức, sắp xếp lại doanh nghiệp (re-organize) để hoạt động hiệu quả hơn dựa trên những nền tảng về sứ mệnh, tầm nhìn, định hướng chiến lược trước đó.

          Nội dung của tái cấu trúc bao trùm hầu hết các lĩnh vực như cơ cấu tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực, nguồn tài chính, chiến lược kinh doanh, chiến lược sản phẩm, marketing, phân phối, cơ chế quản lý, điều hành; các hoạt động, các quá trình và các nguồn lực khác của doanh nghiệp. Tái cấu trúc có thể được triển khai toàn diện trên toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp hoặc thực hiện cục bộ tại một hay nhiều mảng, lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp (tài chính, nhân sự, bán hàng, sản xuất…) nhằm đạt mục tiêu là cải thiện khả năng hoạt động của bộ phận đó.

          Trong tái cấu trúc doanh nghiệp, cần tập trung tái cấu trúc chiến lược kinh doanh và tái cấu trúc vốn và nguồn vốn.

          Thực hiện tái cấu trúc như thế nào tùy thuộc vào quy mô, phạm vi, lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh do hạn chế về nguồn lực và năng lực quản trị kinh doanh, đa số bị ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh (đóng cửa hàng, ngừng sản xuất kinh doanh) trước đây chỉ lo bán hàng, chưa có điều kiện để nâng cao năng lực quản trị nền tảng thì giai đoạn dịch bệnh chính là thời gian thích hợp để các doanh nghiệp này hoàn thiện, chuẩn hóa các quy trình vận hành, quản trị các lĩnh vực cốt lõi như kế toán, tài chính, đào tạo nhân viên, bán hàng… để có thể kinh doanh bài bản hơn, phát triển tốt hơn khi dịch bệnh qua đi.

          Đối với các doanh nghiệp ở quy mô vừa và lớn, không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh hoặc ở mức không cao (thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động, hoạt động cầm chừng) thì đây là thời gian phù hợp để thực hiện tái cấu trúc toàn diện hoặc bộ phận doanh nghiệp của mình thông qua việc cải tiến tổ chức bộ máy, quy trình; xây dựng chiến lược kinh doanh, phát triển sản phẩm mới; đào tạo và đào tạo lại lực lượng lao động… để chuẩn bị cho một giai đoạn phát triển cao hơn khi dịch bệnh kết thúc.

          Hai là, thực hiện chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Đây là giải pháp đã được nhắc tới rất nhiều cả ở cấp độ Chính phủ và doanh nghiệp dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, khi các điều kiện bất khả kháng như dịch bệnh xảy ra thì việc tăng trưởng “không mong đợi” trong các lĩnh vực kinh doanh như thương mại điện tử, giao hàng nhanh đã thể hiện tính ưu việt của phương thức kinh doanh dựa trên nền tảng số.

          Mặt khác, dịch bệnh cũng buộc các doanh nghiệp phải chuyển đổi sang phương thức hoạt động mới như làm việc trực tuyến online, làm việc từ xa không tập trung tại trụ sở cố định. Vì vậy, đây là “thời điểm vàng” để các doanh nghiệp thúc đẩy mạnh hơn việc thực hiện chuyển đổi số trong doanh nghiệp.

          Chuyển đổi số có vẻ là vấn đề khá “to tát” với các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh do chủ các doanh nghiệp bị lúng túng trước hàng loạt khái niệm chuyên ngành trong lĩnh vực công nghệ do các nhà cung cấp dịch vụ đưa ra, nhưng trên thực tế việc áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của doanh nghiệp khá dễ dàng, tiện lợi thông qua mạng internet, điện thoại thông minh, máy tính bảng với các phầm mềm tiện ích. Chẳng hạn doanh nghiệp có thể bán hàng trên các trang thông tin điện tử của mình hoặc các trang thông tin điện tử chuyên ngành (Amazon, Alibaba, Lazada, Tiki, Sendo…), qua Facebook, Zalo; họp hành, trao đổi công việc, giao việc, làm việc nhóm qua Skype, hangout, viber, messenger, whatsApp, team, teleworking… Chi phí cho việc sử dụng các công cụ này khá thấp, hầu hết miễn phí, tiết kiệm rất nhiều chi phí cho doanh nghiệp như đi lại, trụ sở làm việc, thông tin liên lạc.

          Đối với các doanh nghiệp lớn, việc đầu tư vào chuyển đổi số toàn diện đòi hỏi chi phí cao hơn cả về công nghệ và nguồn nhân lực, tuy nhiên việc đầu tư này có thể mang lại hiệu quả cao ngoài mong đợi cho doanh nghiệp và quan trọng nhất là doanh nghiệp có thể tiếp cận được với mô hình và phương thức sản xuất kinh doanh hiện đại, tiên tiến ở phạm vi toàn cầu.

          Ba là, sử dụng các công cụ quản lý doanh nghiệp hiện đại. Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu dưới tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 thì việc sử dụng các công cụ quản lý doanh nghiệp hiện đại là yêu cầu cấp bách để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Có rất nhiều công cụ đã được doanh nghiệp trên thế giới sử dụng hiệu quả để các doanh nghiệp Việt Nam có thể áp dụng trong việc quản lý doanh nghiệp, quản lý kinh doanh như Strategic Planning, Customer Relationship Management, Benchmarking, Balanced Scorecard…

          Trong điều kiện dịch bệnh, đối với các mô hình kinh doanh truyền thống phụ thuộc vào hệ thống cơ sở vật chất và đội ngũ nhân viên làm việc cố  định thì việc duy trì bộ máy nhân sự là bài toán khó giải quyết. Tuy nhiên, dịch bệnh xảy ra, khi công việc bị cắt giảm, nhân viên làm việc từ xa cũng là phép thử  để doanh nghiệp nhận ra bộ phận hay cá nhân nào thực sự hiệu quả; bộ phận hay cá nhân nào không làm việc hiệu quả, thậm chí dư thừa trong tổ chức. Việc áp dụng các công cụ quản lý tiên tiến như BSC, KPI sẽ giúp doanh nghiệp quản lý tốt mục tiêu chiến lược với chi phí thấp nhất, đánh giá công việc của nhân viên theo hiệu quả thay cho giao việc, làm tinh gọn bộ máy.

          Bốn là, tìm hướng đi mới, thay đổi cách thức marketing và bán hàng. Khi xảy ra dịch bệnh, khách hàng sẽ không đi mua sắm trực tiếp tại cửa hàng, lúc này doanh nghiệp cần thay đổi phương thức kinh doanh chuyển từ phục vụ tại cửa hàng sang phục vụ tại nhà, chuyển từ bán hàng trực tiếp sang bán hàng online. Nhiều hoạt động ủng hộ phòng chống dịch kết hợp với marketing, quảng bá thương hiệu, phát triển sản phẩm sáng tạo “thời dịch Covid-19” đã được doanh nghiệp thực hiện được người tiêu dùng và xã hội đánh giá cao.

          Khởi nghiệp thời dịch Covid-19 vừa là thách thức, vừa là cơ hội. Thách thức lớn nhất là các nhà đầu tư, các nguồn lực tài chính đi vào trạng thái “ngủ đông”. Cơ hội lớn nhất là thói quen của người tiêu dùng tự giác thay đổi từ offline sang online và đây là cơ hội cho các startup với ưu thế dựa vào công nghệ để tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới. Minh chứng là chỉ sau khi dịch bệnh khởi phát 1-2 tháng đã có hàng loạt mô hình đào tạo từ xa, giao hàng nhanh, chuyển phát tại nhà, đi chợ hộ, bán bảo hiểm online, thời trang “khẩu trang”… ra đời và gặt hái được thành công. Đối với các startup đang hoạt động mà thị trường bão hòa thì đây cũng là thời điểm để tập trung vào các hoạt động nghiên cứu phát triển (R&D), hoạt động cốt lõi để tìm ra những hướng đi mới hoặc nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, hiệu quả tổ chức.

          Năm là, chú trọng khai thác thị trường nội địa. Tác động của việc “đứt gãy” nguồn cung ứng nguyên phụ liệu và thị trường tiêu thụ sản phẩm là rất lớn, đặc biệt đối với các doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN. Để giải quyết vấn đề này, các doanh nghiệp cần chủ động khai thác thị trường nội địa kể cả  ở khía cạnh tìm kiếm nguồn cung ứng nguyên phụ liệu thay thế và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Khai thác thị trường nội địa Việt Nam với quy mô trên 90 triệu dân và là thị trường nhập khẩu hàng tiêu dùng lớn trong bối cảnh các nước ngừng hoặc giãn tiến độ nhập khẩu hàng hóa Việt Nam có thể coi là biện pháp “cứu cánh” của các doanh nghiệp xuất khẩu hiện nay. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần tận dụng tối đa lợi thế của các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký với các nước, nhất là các Hiệp định tự do thế hệ mới như EVFTA, CPTPP để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và nguồn cung ứng thay thế.

          Sáu là, thực hiện tiết kiệm, cắt giảm chi phí. Đây là biện pháp rất “cổ điển” nhưng rất hữu ích và bắt buộc doanh nghiệp phải thực hiện khi đối mặt với khó khăn về nguồn cung và thị trường, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh. Doanh nghiệp cần rà soát lại toàn bộ các chi phí và thực hiện giảm, cắt giảm các chi phí  đến mức tối đa. Chi phí thuê văn phòng, thuê mặt bằng bán hàng có thể cắt giảm ngay hoặc đàm phán để  được miễn, giảm. Chi phí quảng cáo, marketing có thể tạm dừng. Chi phí hành chính  có thể cắt giảm khi thực hiện làm việc online và giảm số nhân viên.

          Chi phí lao động cũng là chi phí lớn mà nhiều doanh nghiệp lựa chọn cắt giảm. Tuy nhiên, nguy cơ thiếu hụt lực lượng lao động, nhất là lao động chất lượng cao sau khi hết dịch là vấn đề cần quan tâm. Đặc biệt trong các ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày rất khó tuyển dụng lao động thì việc lựa chọn cách thức cắt giảm chi phí lao động cần được tính toán kỹ lưỡng. Một số biện pháp có thể thực hiện là cho nghỉ việc luân phiên, xoay ca; cắt giảm giờ làm nhưng vẫn duy trì lực lượng lao động, chuyển từ làm việc full-time sang part-time; làm việc từ xa, trao đổi công việc, họp hành online… Ngoài ra, doanh nghiệp cần tận dụng tối đa các chính sách về lao động việc làm của Chính phủ như trợ cấp thất nghiệp hoặc trực tiếp trợ cấp cho người lao động trong điều kiện ngân sách cho phép để giữ chân người lao động chờ qua mùa dịch.

          Bảy là, đào tạo và đào tạo lại nhân viên. Ngoài việc thực hiện các chính sách về lao động như trên, các doanh nghiệp thực hiện việc đào tạo và đào tạo lại lao động để đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển doanh nghiệp trong hiện tại và tương lai – công việc mà do hạn chế về thời gian doanh nghiệp chưa thực hiện được. Tùy theo điều kiện cụ thể của mình các doanh nghiệp có thể tổ chức các khóa đào tạo về phát triển kỹ năng quản lý, tin học, ngoại ngữ, quản lý thời gian, làm việc nhóm, phát triển bản thân. Đối với các doanh nghiệp hạn chế về kinh phí thì có thể biên tập, khai thác nguồn thông tin để chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức online cho nhân viên tự đào tạo tại nhà.

Nguồn: baochinhphu.vn