Skip to main content

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và những ảnh hưởng đến nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam

          Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc bắt đầu từ ngày 20/04/2017 khi Mỹ tiến hành điều tra xác định liệu thép nhập khẩu từ Trung Quốc và một số nước khác có đe dọa an ninh quốc gia hay không. Ngày 06/07/2018, chính quyền Mỹ chính thức “khai hỏa” chiến tranh thương mại với Trung Quốc bằng việc áp thuế quan 25% đối với các mặt hàng nhập khẩu trị giá 34 tỷ USD từ Trung Quốc, chủ yếu là máy móc thiết bị điện tử và công nghệ cao. Phía Trung Quốc đã lập tức đáp trả bằng cách áp thuế tương ứng 34 tỷ USD đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, chủ yếu là các mặt hàng nông sản. Tiếp theo đó là một loạt các đợt áp thuế và trả đũa đến từ cả hai bên. Động thái này đã gây căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam cũng không nằm ngoài vòng xoáy đó.

          Nguyên nhân dẫn tới chiến tranh thương mại Mỹ - Trung

          Theo nghiên cứu của Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF), có hai nguồn nguyên nhân chính dẫn đến căng thẳng thương mại chính là nguyên nhân về kinh tế và nguyên nhân về địa chính trị.

Nguyên nhân về kinh tế

          Thâm hụt thương mại giữa Mỹ được xem là nguyên nhân trực tiếp gây ra căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Năm 2017, Mỹ nhập khẩu 506 tỷ USD từ Trung Quốc trong khi chỉ xuất khẩu 131 tỷ USD sang Trung Quốc. Như vậy, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc lên đến 375 tỷ USD. Điều này phản ánh sự thất bại của các chính sách thương mại, cũng như các tác động tiêu cực của việc cắt giảm thuế và tăng chi tiêu, làm tăng mạnh thâm hụt ngân sách liên bang và chính sách thắt chặt tiền tệ của Mỹ, dẫn đến áp lực tăng lên lãi suất và giá trị thực của đồng đô la. Chính quyền Mỹ đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc giảm thặng dư thương mại với Mỹ. Tuy nhiên, Trung Quốc cho rằng biện pháp để giảm thâm hụt thương mại, chính là phía Mỹ cần tăng cường hoạt động xuất khẩu.

          Nguyên nhân về địa chính trị

          Mặc dù thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc được xem là nguyên nhân trực tiếp của cuộc chiến tranh thương mại, song vấn đề cốt lõi của căng thẳng giữa 2 nước chính là Mỹ lo ngại về tham vọng của Trung Quốc trở thành quốc gia công nghệ hàng đầu thế giới.

          Trung Quốc hiện đang đổ hàng tỷ USD vào chương trình "Sản xuất tại Trung Quốc 2025 (Made in China 2025)" để tạo động lực phát triển các ngành công nghệ trọng yếu, trong đó có người máy, trí tuệ nhân tạo, hàng không vũ trụ, ô tô chạy điện, công nghệ Internet 5G.

          Hiện tại, so với các công ty của Mỹ và Châu Âu, các công ty của Trung Quốc như ZTE và Huawei đang đi đầu trong công nghệ 5G. Các công ty này được sự bảo hộ của chính phủ và độc quyền tại thị trường Trung Quốc và chính là đại diện cho chính phủ Trung Quốc trong cuộc đua công nghệ. Ngược lại các công ty của Mỹ là các công ty tư nhân, phải tính đến bài toán lợi nhuận và cạnh tranh trước khi tiến vào cuộc đua công nghệ này.

          Tuy nhiên, sự phụ thuộc quá mức của Trung Quốc vào các công nghệ cốt lõi của nước ngoài lại là điểm yếu của Trung Quốc và Mỹ đã khai thác vào đây. Các lệnh cấm xuất khẩu thiết bị công nghệ của Mỹ cho tập đoàn Huawei sẽ giúp kìm hãm các công ty và nền kinh tế Trung Quốc trong cuộc đua này.

          Một lý do địa chính trị khác là Mỹ đang thay đổi lập trường chính sách đối ngoại với Trung Quốc do các Chính sách ngoại giao mềm mỏng với Trung Quốc không đem lai hiệu quả, vì vậy Mỹ đang bắt đầu chuyển sang thực hiện những chính sách cứng rắn hơn.

          Tác động của căng thẳng thương mại tới kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam

Sự leo thang căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã vượt qua biên giới của hai nước, tác động mạnh mẽ tới nhiều mặt của nền kinh tế Việt Nam. Trong thời gian tới, những tác động này cũng ảnh hưởng trực tiếp và mang đến nhiều cơ hội và thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI.

          Tác động tới kinh tế, thương mại và những ảnh hưởng đến doanh nghiệp Việt Nam

          Nhìn vào mặt tích cực, trong ngắn hạn, các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Mỹ do hàng Trung Quốc bị hạn chế. Tuy nhiên, ảnh hưởng của chiến tranh thương mại trong dài hạn sẽ làm suy giảm kinh tế thế giới, giảm cầu nước ngoài đối với hàng hóa Việt Nam. Sự gián đoạn các chuỗi cung ứng toàn cầu cũng tác động tới các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI. Các công ty Trung Quốc bị hạn chế xuất khẩu sang thị trường Mỹ, có thể là nguyên nhân cho việc xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam sang Trung Quốc giảm đi do Trung Quốc là thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam với các mặt hàng như linh kiện điện tử, thiết bị máy tính và nông sản.

          Hàng Trung Quốc vào Mỹ bị đánh thuế cao đã tạo ra những cơ hội thị trường lớn cho hàng hóa xuất khẩu của những nước đối thủ cạnh tranh với Trung Quốc, trong đó có Việt Nam. Trong danh sách những mặt hàng chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi đợt đanh thuế của Mỹ, nhiều hàng hóa là thế mạnh của Việt Nam, đáng chú ý là nhóm hàng công nghệ cao như thiết bị viễn thông liên lạc, bảng mạch điện tử vi tính, bộ chuyển đổi tĩnh điện, đồ gỗ. Đây là cơ hội rất lớn để các doanh nghiệp Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu nhóm hàng công nghệ cao sang Mỹ.

          Tuy nhiên, việc tăng xuất khẩu sang Mỹ cũng đồng nghĩa với việc làm gia tăng thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam. Điều đó sẽ khiến hàng hóa Việt Nam rơi vào tầm ngắm của việc kiểm tra của Mỹ, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp xuất khẩu. Mỹ đã đưa Việt Nam vào danh sách cần theo dõi đối với những quốc gia thao túng tiền tệ, việc bị coi là nước “thao túng tiền tệ” có thể dẫn đến việc hàng hóa Việt Nam bị đánh thuế khi bán vào thị trường Mỹ, gây tổn hại cho nền kinh tế Việt Nam.

          Bên cạnh đó, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung cũng làm nguy cơ thâm hụt thương mại với Trung Quốc gia tăng trong thời gian ngắn. Do vị trí địa lý nên lượng hàng Trung Quốc dư thừa sẽ đổ về thị trường Việt Nam, gây sức ép cạnh tranh về giá đối với các doanh nghiệp Việt Nam (đồng NDT mất giá mạnh khiến giá hàng hóa Trung Quốc rẻ hơn). Mặt khác, hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc sẽ khó khăn hơn vì Trung Quốc tăng cường thực thi biện pháp bảo vệ thị trường nội địa.

          Tác động tới dòng vốn đầu tư của các doanh nghiệp FDI

          Việt Nam được đánh giá là một trong những điểm đến quan trọng của dòng FDI dịch chuyển khỏi Trung Quốc nhờ vị trí chiến lược, chi phí nhân công thấp, nguồn nhân lực dồi dào, môi trường vĩ mô và chính trị ổn định, độ mở kinh tế lớn và việc mới tham gia vào hai hiệp định thương mại tự do (CPTPP và EVFTA) đã giúp các nhà sản xuất tiếp cận tốt hơn các thị trường xuất khẩu chính. Chi phí sản xuất ở Trung Quốc ngày càng tăng cao cũng khiến cho các nhà đầu tư chuyển hướng sang những địa điểm đầu tư tiết kiệm chi phí hơn, và Việt Nam được xem là một lựa chọn thay thế. Hơn nữa, Việt Nam đang tiến dần lên nấc thang công nghệ mới, đó cũng là lý do để kỳ vọng dòng vốn FDI trong lĩnh vực công nghệ cao có thể tìm đến Việt Nam.

          Tuy nhiên, sự gia tăng nhanh chóng của dòng vốn FDI từ Trung Quốc cũng là vấn đề đáng lo ngại, bởi vì nhiều dự án FDI từ Trung Quốc sang Việt Nam trước đây là các dự án có công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, còn có những lo ngại về khả năng Trung Quốc tăng cường đầu tư vào Việt Nam  là nhằm đạt được xuất xứ “Made in Việt Nam”, tận dụng các FTA mới của Việt Nam để hưởng lợi về thuế và lệnh áp thuế từ Mỹ. Nếu Việt Nam không kiểm soát chặt chẽ vấn đề này, rất có thể Mỹ sẽ áp dụng những biện pháp trừng phạt lên các doanh nghiệp ở Việt Nam tương tự như đối với Trung Quốc.

          Tác động tới thị trường tài chính, tiền tệ, ngân hàng

          Bên cạnh các tác động đối với nền kinh tế Việt Nam, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc cũng tác động mạnh tới thị trường tài chính – tiền tệ Việt Nam. Chiến tranh thương mại tuy không trực tiếp tác động lên lãi suất tại Việt Nam nhưng có thể tác động gián tiếp thông qua biến động tỷ giá và áp lực lạm phát, cụ thể:

          Đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, sau khi đạt kỷ lục vào tháng 4/2018, đã xuất hiện xu hướng giảm điểm mạnh với việc nhà đầu tư ngoại liên tục rút vốn ròng, bất chấp nền kinh tế đang có những chuyển biến tích cực. Dự báo tình trạng này còn tiếp diễn, các nhà đầu tư có xu hướng hoãn lại các các dự án đầu tư bởi do chiến tranh thương mại được dự báo sẽ còn tiếp diễn.

          Đối với tỷ giá, đồng USD có xu hướng tăng giá trong khi đồng NDT giảm do một số nguyên nhân (i) Nền kinh tế Mỹ đón nhận nhiều thông tin kinh tế tích cực, (ii) Cục Dự trữ Liên bang Mỹ thực hiện các đợt giảm lãi suất đầu tiên sau 10 năm, và (iii) lo ngại của giới đầu tư đối với những diễn biến của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Chính vì vậy, tỷ giá USD/VND chịu áp lực tăng và đặc biệt áp lực lạm phát tăng lên trong ngắn hạn có thể khiến mặt bằng lãi suất tăng nhẹ. Trong suốt 5 tháng đầu năm 2019, mặt bằng lãi suất ở Việt Nam vẫn giữ được ổn định cần thiết nhờ những nỗ lực của Ngân hàng nhà nước. Tuy nhiên, trước những diễn biến leo thang của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, mặt bằng lãi suất sẽ khó có cơ hội giảm trong thời gian tới. Lãi suất cao khiến chi phí tài chính tăng cao, là nguyên nhân kéo giảm lợi nhuận nhiều doanh nghiệp là áp lực không hề nhỏ lên các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.

          Giải pháp giảm thiểu tác động đến các doanh nghiệp Việt Nam từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung

          Tận dụng cơ hội từ dòng vốn đầu tư nước ngoài

          Những chính sách tốt tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường kinh doanh và đầu tư là mấu chốt để thu hút dòng vốn đầu tư dịch chuyển từ Trung Quốc. Trong dài hạn, những lợi thế cạnh tranh truyền thống của Việt Nam như lao động giá rẻ sẽ khó thu hút FDI bởi vì ngành công nghiệp tương lai sẽ đòi hỏi ít lao động hơn và lao động có trình độ cao hơn. Các doanh nghiệp cần xác định rõ đâu là lợi thế cạnh tranh trong tương lai để tập trung cải cách. Cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác đào tạo nghề, cải thiện nguồn nhân lực, thúc đẩy liên kết giữa các cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp.

          Việt Nam cần tiếp tục cải thiện nâng cấp hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng logistic để giảm chi phí đầu tư và chi phí lưu thông, tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh thông thoáng, thuận lợi. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có những biện pháp rà soát các dự án FDI từ Trung Quốc để hạn chế việc lợi dụng Việt Nam cho mục đích tránh thuế xuất khẩu sang Mỹ.

          Giảm thiểu rủi ro cho các doanh nghiệp trong nước

          Trong bối cảnh rủi ro thương mại leo thang, rủi ro về tỉ giá có thể tăng cao, Chính phủ cần nghiên cứu, tối ưu hóa các quy định về dự phòng rủi ro đối với các ngân hàng, doanh nghiệp sản xuất. Cần phải cung cấp thông tin rộng rãi đến các doanh nghiệp đối với các vấn đề xung quanh xung đột thương mại (các động thái cũng như là danh mục hàng hóa bị đánh thuế) để các doanh nghiệp có thể chủ động, linh hoạt trong việc sản xuất, tìm kiếm thị trường, đối tác và đưa ra những giải pháp kịp thời, phù hợp.

          Chính phủ cần hỗ trợ doanh nghiệp tìm thêm những hướng xuất khẩu ổn định và thuận lợi hơn để tận dụng hết các cơ hội đến từ cuộc chiến cũng như là các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã và đang hướng đến. Đặc biệt, cần hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao trình độ, đầu tư vào công nghệ sản xuất giúp doanh nghiệp đón đầu những thách thức trong thời đại khoa học công nghệ và cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

Nguồn: dangkykinhdoanh.gov.vn