Skip to main content

Nỗ lực của các doanh nghiệp phân phối

          Theo Sở Công Thương, các doanh nghiệp phân phối trên địa bàn tỉnh đã có phương án cụ thể và cam kết bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho thị trường, phục vụ nhu cầu của người dân.

http://baolangson.vn/uploads/2020/04/02/TD.jpg
Người dân mua sắm thực phẩm tại siêu thị Vinmart, thành phố Lạng Sơn

          Ông Trần Đức Thành, quản lý Công ty Cổ phần Thương mại Hoàng Nguyên Lạng Sơn (một trong những doanh nghiệp phân phối hàng hóa bán lẻ lớn trên địa bàn tỉnh) cho biết: Từ giữa tháng 2/2020, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, doanh nghiệp đã chủ động nhập kho, dự trữ lượng hàng hóa thiết yếu như: dầu ăn, muối, đường sữa, gạo… với số lượng tăng 2 – 3 lần so với thời điểm cùng kỳ năm 2019.

          Cụ thể, doanh nghiệp đã nhập kho từ 500 đến 600 tấn dầu ăn; gần 100 tấn đường, sữa bột các loại; trên 100 tấn thực phẩm khô (mì tôm, cháo ăn liền, phở khô); gần 300 tấn bột canh, muối… “Theo thống kê của ngành công thương, mức độ tiêu dùng dầu ăn mỗi tháng trên địa bàn tỉnh ở mức 400 tấn, 200 tấn bột canh và muối ăn, 70 tấn đường sữa, do vậy, với lượng hàng hóa dự trữ như vậy, doanh nghiệp chúng tôi đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa phục vụ người dân. Cùng đó, doanh nghiệp chúng tôi sẽ luôn bổ sung lượng hàng hóa thiết yếu để tiếp tục cung ứng ra thị trường. Hiện hàng hóa thiết yếu được công ty vận chuyển phân phối cho gần 3.000 cửa hàng tại 11 huyện, thành phố…” – Ông Thành cho biết.

http://baolangson.vn/uploads/2020/04/02/TD2.jpg
Công ty Cổ phần Thương mại Hoàng Nguyên Lạng Sơn
chở hàng hóa cung ứng xuống các huyện

          Cũng như Công ty Cổ phần Thương mại Hoàng Nguyên Lạng Sơn, Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Thiên Phú hiện dự trữ khoảng 300 tấn hàng thiết yếu (gạo, dầu ăn, mỳ tôm, đường, sữa…). Lượng hàng hóa được công ty phân phối đến hơn 1.700 cửa hàng tại các huyện. Còn Công ty TNHH Trần Lệnh Thương, thời điểm này cũng đã nhập và dự trữ trên 100 tấn các loại hàng thực phẩm thiết yếu. Bà Nguyễn Thị Diệp, quản lý Công TNHH Trần Lệnh Thương cho biết: Công ty đang thực hiện phân phối hàng cho hơn 1.000 cửa hàng, cơ sở kinh doanh tại tất cả 10 huyện và các xã trên địa bàn tỉnh.

          Ngoài 3 doanh nghiệp trên, một số doanh nghiệp phân phối hàng hóa bán lẻ khác đã cam kết đảm bảo tăng lượng hàng dự trữ và đảm bảo cung ứng đầy đủ các loại hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân.

          Qua trao đổi với ông Phùng Quang Hội, Giám đốc Sở Công thương tỉnh, được biết, với số dân hơn 800.000 người, nhu cầu gạo của toàn tỉnh trong 1 tháng bình quân là gần 5.000 tấn. Theo kết quả rà soát, lượng gạo cung ứng từ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 130.000 tấn, do vậy có thể đáp ứng đủ nhu cầu của người dân toàn tỉnh. Mặt hàng này được cung ứng bởi Công ty Cổ phần giống cây trồng Lạng Sơn; Công ty Cổ phần Lương thực Cao Lạng và một số doanh nghiệp cung ứng hàng hóa thiết yếu, tiêu dùng lớn trên địa bàn tỉnh.

          Từ số liệu trên cho thấy các doanh nghiệp phân phối hàng hóa đang nỗ lực trong việc chung tay cùng với Nhà nước thực hiện công tác dự trữ và đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu trong thời kỳ cao điểm phòng, chống dịch bệnh Covid-19.   Không chỉ đảm bảo cung ứng đầy đủ về lượng, các doanh nghiệp cũng đã cam kết không tăng giá các mặt hàng trong thời điểm này. Ông Trần Hữu Giang, Phó trưởng Phòng Quản lý Thương mại, Sở Công thương cho biết: Qua nắm bắt tình hình, các doanh nghiệp phân phối, cùng  hơn 3.000 cửa hàng, cơ sở kinh doanh hàng hóa thiết yếu đã ký cam kết không tăng giá bán hàng.

          Ông Phùng Quang Hội, Giám đốc Sở Công thương Lạng Sơn cho biết: Từ sáng ngày 28/3 đến nay, nhằm kiểm soát việc cung ứng hàng hóa ra thị trường, sở đã thành lập đoàn kiểm tra và làm việc với các doanh nghiệp phân phối hàng hóa lớn trên địa bàn tỉnh, qua làm việc, cho thấy các doanh nghiệp đều tăng lượng hàng dự trữ. Cùng đó, tăng lượng hàng vận chuyển, phân phối đi các huyện và các xã. Vì vậy, việc cung ứng hàng hóa trong mọi tình huống đều được đảm bảo.

          Theo Giám đốc Sở Công thương, mặc dù một số hoạt động kinh doanh không cần thiết đã bắt buộc phải ngừng nhưng hoạt động cung ứng thực phẩm tại các chợ truyền thống, các cửa hàng bán lẻ vẫn hoạt động, do vậy, người dân yên tâm, không cần mua tích trữ hàng hóa.

Nguồn: baolangson.vn