Skip to main content

Nhu cầu đào tạo công nhân để đáp ứng yêu cầu của ngành công nghiệp điện gió là rất lớn

          Những công nhân này sẽ cần được đào tạo để xây dựng, lắp đặt, vận hành và bảo trì hệ thống nhà máy điện gió trên đất liền và ngoài khơi đang ngày một phát triển trên thế giới, và đây chỉ là một phần nhỏ trong vô số cơ hội việc làm trong ngành công nghiệp đang phát triển này.

Nhu cầu đào tạo công nhân để đáp ứng yêu cầu của ngành công nghiệp điện gió là rất lớn (Ảnh minh họa)

          Theo báo cáo được công bố hôm nay (1/6) của Hội đồng Điện gió Toàn cầu (GWEC) và Tổ chức Điện gió Toàn cầu (GWO) hợp tác với Nhóm Tư vấn Năng lượng Tái tạo (RCG) cho thấy, ngành công nghiệp điện gió toàn cầu sẽ cần đào tạo thêm 480.000 người theo tiêu chuẩn của GWO trong vòng 5 năm tới để đáp ứng nhu cầu về tiêu chuẩn sức khỏe và an toàn lao động từ thị trường điện gió toàn cầu.

          Những công nhân này sẽ cần được đào tạo để xây dựng, lắp đặt, vận hành và bảo trì hệ thống nhà máy điện gió trên đất liền và ngoài khơi đang ngày một phát triển trên thế giới, và đây chỉ là một phần nhỏ trong vô số cơ hội việc làm trong ngành công nghiệp đang phát triển này.

          Hiện tại, thị trường đào tạo theo tiêu chuẩn GWO, được coi là tiêu chuẩn toàn cầu trong lĩnh vực đào tạo lực lượng lao động ngành điện gió, có khả năng đáp ứng nhu cầu đào tạo của 150.000 lao động vào cuối năm 2021 và 200.000 lao động vào cuối năm 2022. Phân tích trong báo cáo nhận định lực lượng lao động điện gió toàn cầu 2021 – 2025, cho thấy rằng chúng ta sẽ cần đào tạo thêm ít nhất 280.000 công nhân để triển khai lắp đặt, vận hành các dự án điện gió với công suất 490 GW trong vòng 5 năm tới.

          Trong số 480.000 công nhân được đào tạo theo tiêu chuẩn GWO trên thế giới, 308.000 người sẽ được huy động để triển khai xây dựng và bảo trì các dự án điện gió trên đất liền và 172.000 người được huy động cho cho các dự án điện gió ngoài khơi.

          Hơn 70% nhu cầu đào tạo lực lượng lao động mới trên toàn cầu sẽ đến từ 10 thị trường được phân tích trong báo cáo, bao gồm: Brazil, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Mexico, Maroc, Ả Rập Saudi, Nam Phi, Mỹ và Việt Nam. Các thị trường được phân tích, lựa chọn trong báo cáo vì sự đa dạng trong khu vực, cũng như vì các nước này có thị trường điện gió trên đất liền lớn nhất trên toàn cầu, có thị trường điện gió đất liền và ngoài khơi tăng trưởng cao, đồng thời cũng là các thị trường điện gió mới nổi.

          Ben Backwell, Giám đốc điều hành GWEC cho biết: “Ngành công nghiệp điện gió cần phải mở rộng quy mô với tốc độ chưa từng có trong thập kỷ tới để đưa thế giới đạt được mục tiêu không phát thải. Nếu tham vọng đạt đến mức cần có – gấp ba hoặc bốn lần dự báo thị trường hiện tại – thì yêu cầu đào tạo lực lượng lao động sẽ cao hơn nhiều so với những gì được công bố trong báo cáo này. Để đối mặt với thách thức này, chúng ta cần chuẩn bị lực lượng lao động cho tương lai ngay từ bây giờ, và điều này có nghĩa là ta cần đào tạo hàng trăm nghìn công nhân trên khắp thế giới để họ trở thành một phần của một trong những ngành phát triển nhanh nhất. Nhưng chúng ta cần đảm bảo lực lượng lao động này được đào tạo theo các tiêu chuẩn toàn cầu cao nhất để đảm bảo sức khỏe và sự an toàn của tất cả mọi người”.

          Jakob Lau Holst, Giám đốc điều hành GWO cho biết: “Có rất nhiều cuộc thảo luận về việc chúng ta sẽ cần bao nhiêu GW năng lượng gió để đạt được mục tiêu không phát thải, nhưng không có nhiều cuộc thảo luận về lực lượng lao động mà chúng ta sẽ cần để biến tham vọng trên thành hiện thực. Hàng trăm nghìn người trên khắp thế giới, thậm chí trong suốt đại dịch COVID-19, đang làm việc trên các tua-bin cung cấp năng lượng cho các nền kinh tế và bảo vệ hành tinh của chúng ta, và điều quan trọng là chúng ta phải giữ cho những người này được an toàn. Đào tạo họ theo tiêu chuẩn an toàn của GWO là một trong những cách hiệu quả nhất để đảm bảo lực lượng lao động của chúng ta luôn an toàn, và chúng ta sẽ có những người ta cần để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu”.

          Ed Maxwell, Giám đốc của nhóm tham vấn năng lượng tái tạo, cho biết, “Bằng cách kết hợp lịch sử dữ liệu đào tạo, dự báo công suất lắp đặt điện gió đất liền và ngoài khơi, hiểu biết sâu rộng về thị trường và sự thấu hiểu sâu sắc của chúng tôi về sức khỏe và an toàn trong ngành công nghiệp điện gió toàn cầu, chúng tôi có thể mô hình hóa chính xác nhu cầu tương lai về nhân sự được đào tạo theo tiêu chuẩn GWO trong 5 năm tới – một giai đoạn quyết định trên con đường dẫn tới mục tiêu không phát thải. Mô hình – và các dự báo được trình bày – sẽ thường xuyên được điều chỉnh khi có nhiều dữ liệu hơn và nhịp độ tăng trưởng công suất điện gió gia tăng. ”

          Đối với các thị trường điện gió vốn đã lớn như Mỹ và Trung Quốc, việc mở rộng đào tạo có thể mang lại nhiều cơ hội việc làm mới và tăng năng suất lao động nhờ có tiêu chuẩn GWO. Các nền kinh tế mới nổi sẽ cần phát triển mạng lưới đào tạo kỹ thuật và an toàn ngay từ đầu, đảm bảo sự thống nhất với các hệ thống an toàn toàn cầu nhằm củng cố tính sự phát triển bền vững lâu dài của ngành.

          Nhìn chung, hệ thống đào tạo và giáo dục công nghiệp ở các quốc gia trên thế giới cũng như trong các tổ chức cần tận dụng những tiềm năng chưa được khai thác để bổ sung năng lực đào tạo cần thiết nhằm phát triển các chương trình theo tiêu chuẩn GWO ngay bây giờ để đáp ứng nhu cầu này trong tương lai.” Các tiêu chuẩn đào tạo của GWO là các khóa học dạy bạn hiểu và giảm thiểu rủi ro trong ngành công nghiệp điện gió.

          Báo cáo này dựa trên kết quả của mô hình dự báo lực lượng lao động, đánh giá tác động từ các yếu tố ảnh hưởng, phụ thuộc lẫn nhau tới nhu cầu về lực lượng lao động. Mô hình sử dụng tiêu chuẩn đào tạo GWO trong giai đoạn 2019-2020 làm cơ sở tham chiếu và dự báo thị trường điện gió từ dữ liệu trực tiếp của RCG.

          Dự báo này không đề cập tới nhu cầu lực lượng lao động cho các giai đoạn khác của các dự án nhà máy điện gió, bao gồm mua sắm trang thiết bị, sản xuất (phân đoạn sử dụng nhiều lao động nhất) và vận tải. Do đó, nhu cầu lực lượng lao động cần có để vận hành dự án điện gió trên đất liền và ngoài khơi đến năm 2025 lớn hơn nhu cầu đào tạo về xây dựng, lắp đặt, vận hành và bảo trì được xác định trong báo cáo này.

          Theo Cơ quan Đánh giá Thị trường của GWEC, toàn bộ hệ thống điện gió có thể cung cấp hơn 3,3 triệu việc làm từ năm 2021-2025 dựa trên các dự báo hiện tại về điện gió đất liền và ngoài khơi.

Phân tích mới từ GWEC, GWO và RCG cho thấy rằng 480.000 công nhân cần được đào tạo theo tiêu chuẩn GWO để có thể đảm bảo hoạt động của thị trường gió đất liền và ngoài khơi một cách an toàn trong giai đoạn 2021-2025.

Đào tạo là yếu tố cần thiết trong các giai đoạn xây dựng, lắp đặt, vận hành và bảo trì hệ thống nhà máy điện gió, chưa kể đến các công đoạn mua sắm trang thiết bị, sản xuất (phân đoạn sử dụng nhiều lao động nhất), và vận tải.

Đào tạo theo tiêu chuẩn toàn cầu là chìa khóa để đảm bảo sức khỏe, an toàn của lực lượng lao động, cũng như bảo vệ sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp điện gió và đảm bảo giấy phép hoạt động của ngành trong quá trình chuyển đổi năng lượng.

Nguồn: dangcongsan.vn