Skip to main content

Tháo gỡ ách tắc trong sản xuất kinh doanh, giữ sinh kế cho người dân

          Thông qua Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), 16 hiệp hội doanh nghiệp (DN) vừa thống nhất ký vào văn bản kiến nghị Chính phủ khẩn cấp tháo gỡ ách tắc trong sản xuất, kinh doanh và lưu thông hàng hóa trong bối cảnh nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

1

Nhiều doanh nghiệp sản xuất gặp khó khăn trong mùa dịch Covid-19. (Ảnh minh họa)

          Kiến nghị tập trung vào ba khó khăn lớn mà DN đang phải đối mặt. Ðó là: Mô hình “ba tại chỗ” đang không phát huy tác dụng do thời gian áp dụng kéo dài, đòi hỏi phải có ngay các giải pháp và sáng kiến để duy trì sản xuất trong giai đoạn áp dụng Chỉ thị 16. Vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất và xuất khẩu đang bị gián đoạn do cách thực hiện khác nhau giữa các tỉnh, thành phố. Yêu cầu cấp bách về việc xây dựng lộ trình thống nhất để mở lại sản xuất, tránh các tình huống bị động như hiện nay.

          Theo phản ánh của các hiệp hội DN, chuỗi sản xuất, cung ứng trong cả nước có nguy cơ bị đứt gãy do nhiều nhà máy thuộc các tỉnh phía nam có quy mô lao động lớn không đủ điều kiện vận hành sản xuất theo mô hình “ba tại chỗ” và “một cung đường, hai điểm đến”. Sản xuất đã khó, nguyên vật liệu và hàng hóa cũng không được lưu thông trên đường vì nhiều địa phương yêu cầu lái xe phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 và ngăn chặn xe chở hàng.

          Sức khỏe của nhân dân là trên hết. Vì vậy trong hành động, Chính phủ nhất quán thực hiện “mục tiêu kép” nhưng vẫn linh hoạt ưu tiên cao nhất cho công tác phòng, chống dịch, nhất là trong đợt dịch Covid-19 thứ tư. Bởi nếu không kiểm soát được dịch bệnh, thì không thể thực hiện được các mục tiêu phát triển kinh tế. Tuy nhiên, do mức độ nguy hiểm của biến chủng Delta, một số địa phương dường như chỉ đặt mục tiêu chống dịch mà hy sinh mục tiêu kinh tế khi ban hành những chính sách ngặt nghèo, gây rất nhiều khó khăn cho hoạt động của DN. Các chuyên gia kinh tế cảnh báo, phòng, chống dịch là nhiệm vụ quan trọng nhất lúc này, nhưng cuộc chiến với đại dịch Covid-19 còn kéo dài, nếu không có những giải pháp linh hoạt để duy trì sản xuất, kinh doanh, sẽ đẩy hàng loạt DN vào tình trạng phá sản, gây tổn hại nghiêm trọng đến phát triển kinh tế. Ðiều này đồng nghĩa với việc tước đi sinh kế, thu nhập của người dân.

          Vì vậy, đã đến lúc cần xem lại vị trí, vai trò của DN trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19. Cần coi DN là lực lượng cùng tham gia phòng, chống dịch. Từ đó tin tưởng trao quyền cho DN được tự chủ sản xuất trên cơ sở đăng ký và chịu trách nhiệm về việc bảo đảm an toàn phòng, chống dịch tại DN và cho cộng đồng theo các điều kiện cụ thể được cơ quan có thẩm quyền công bố. Bảo vệ được sản xuất kinh doanh mới giữ được sinh kế lâu dài cho người dân.

Theo Nhandan