Skip to main content

Cần thiết ban hành Nghị quyết giảm thuế thu nhập cho DN nhỏ và siêu nhỏ

          Chiều ngày 1/6, tại phiên họp thứ 45 (đợt 2), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

          Lý giải về sự cần thiết ban hành Nghị quyết, Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày cho biết, theo số liệu thống kê, tính đến cuối năm 2019, cơ cấu doanh nghiệp của Việt Nam, nhóm doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa chiếm khoảng 97% tổng số doanh nghiệp, trong đó, doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ chiếm hơn 63%, doanh nghiệp quy mô nhỏ chiếm hơn 30% và doanh nghiệp quy mô vừa chiếm gần 4%.

          Như vậy, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm tới hơn 93% tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam và các doanh nghiệp này có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế cũng như ổn định xã hội.

          Kinh nghiệm quốc tế cho thấy doanh nghiệp có quy mô nhỏ luôn là đối tượng được chú trọng trong các chính sách phát triển kinh tế ở nhiều quốc gia. Chính phủ nhiều nước đã thông qua các chính sách và chương trình hỗ trợ trên các phương diện khác nhau nhằm tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy sự phát triển nhóm doanh nghiệp này, trong đó chính sách hỗ trợ về thuế cũng là công cụ thường được các nước sử dụng. Nhiều nước có quy định áp dụng mức thuế suất thấp hơn mức thuế suất phổ thông như Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hà Lan,…

          Thực tế tại Việt Nam, với đa số doanh nghiệp là doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và các doanh nghiệp càng có quy mô nhỏ thì càng dễ bị tổn thương trước những biến động của nền kinh tế, môi trường kinh doanh, trước sự cạnh tranh khi hội nhập kinh tế quốc tế.

          Vì vậy, trong những thời điểm khó khăn trước tác động, ảnh hưởng của suy thoái, khủng hoảng kinh tế giai đoạn vừa qua (từ 2008-2015), Quốc hội đã ban hành nhiều Nghị quyết về hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho một số đối tượng doanh nghiệp thuộc nhóm doanh nghiệp quy mô nhỏ và tại Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) cũng đã xác định doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ và một phần trong số doanh nghiệp quy mô nhỏ (là doanh nghiệp có tổng doanh thu năm trước liền kề không quá 20 tỷ đồng) được áp dụng mức thuế suất (20%) thấp hơn mức thuế suất phổ thông trong giai đoạn 2013 - 2015.

          Vì vậy, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: “Việc xem xét, ban hành Nghị quyết của Quốc hội để quy định giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ và sớm đưa chính sách này vào thực tiễn là cần thiết”.

          Về mục tiêu, yêu cầu của Nghị quyết, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, Nghị quyết bảo đảm các chính sách hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng để đạt được mục tiêu về hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp theo chủ trương của Nhà nước, đồng thời phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của ngân sách nhà nước (NSNN). Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các quy định của pháp luật liên quan như Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, tạo thuận lợi cho người nộp thuế.

          Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách nhất trí về sự cần thiết ban hành chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp như Tờ trình của Chính phủ nhằm hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ trong giai đoạn nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 và cụ thể hóa Điều 10 và Điều 16 của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ 01/01/2018. Đồng thời, việc Chính phủ trình Quốc hội đã bảo đảm đúng yêu cầu của Ủy ban TVQH tại thông báo số 3591/TTKQH-PL của Tổng thư ký Quốc hội.

          Về hồ sơ dự án Nghị quyết, Thường trực Ủy ban thấy rằng hồ sơ dự án Nghị quyết đã bao gồm Tờ trình, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, Báo cáo thẩm định của Bộ Tư pháp và Báo cáo đánh giá tác động của chính sách.

          Do đó, nhất trí việc Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết này theo trình tự, thủ tục rút gọn, thông qua tại một kỳ họp để bảo đảm kịp thời xử lý các trường hợp khẩn cấp trong phòng chống dịch bệnh, phù hợp với quy định tại Khoản 1 Điều 146 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về các trường hợp xây dựng, ban hành Văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn.

          Đồng thời đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến về nội dung dự thảo Nghị quyết và cho phép trình Quốc hội bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 tại cùng một phiên họp.

          Cho ý kiến tại Phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết như lý do đã nêu tại Tờ trình và báo cáo thẩm tra.

          Kết luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí sự cần thiết ban hành Nghị quyết giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với một số doanh nghiệp, tuy nhiên cần sửa lại tên gọi và phạm vi của Nghị quyết, lấy tiêu chí về doanh thu và lao động làm căn cứ để giảm.

          Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Chính phủ hoàn chỉnh Tờ trình, Ủy ban Tài chính- ngân sách hoàn thành báo cáo thẩm tra để đưa vào Chương trình xây dựng luật pháp lệnh năm 2020 và trình ra Quốc hội biểu quyết thông qua tại Kỳ họp thứ 9 theo trình tự một kỳ họp./.

Nguồn: chinhphu.vn