Skip to main content

Mở rộng tiếp cận tài chính cho doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ

          Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC)-thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới vừa ký kết hợp đồng tín dụng với Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) để mở rộng tiếp cận tài chính cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) và doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam, đồng thời thúc đẩy tài trợ khí hậu.

          Tăng gấp ba lần dư nợ cho vay

          Để hỗ trợ các doanh nghiệp và giúp họ phục hồi bền vững sau đại dịch Covid-19, IFC sẽ cung cấp khoản vay 40 triệu USD cho SeABank. Đây là hợp phần đầu tiên của gói tài trợ lên đến 150 triệu USD nhằm giúp mở rộng cho vay đối với DNVVN, đặc biệt là các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, gia tăng cơ hội tiếp cận tài chính khí hậu và thúc đẩy thương mại quốc tế. Gói tài trợ này sẽ bao gồm 80 triệu USD từ IFC và 50 triệu USD được huy động từ các bên cho vay quốc tế, cùng với hạn mức tài trợ thương mại 20 triệu USD. Với mục tiêu bao trùm là gia tăng danh mục cho vay DNVVN của SeABank, tối thiểu 20 triệu USD sẽ được dành cho các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, với hỗ trợ của Quỹ Sáng kiến tài chính dành cho nữ doanh nhân (We-Fi). Bên cạnh chiến lược mở rộng tiếp cận DNVVN do phụ nữ làm chủ, tài trợ của IFC sẽ giúp SeABank tăng gấp ba lần dư nợ cho vay DNVVN do phụ nữ làm chủ hiện tại, chiếm khoảng 25% tổng danh mục DNVVN của ngân hàng vào năm 2024.

Mở rộng tiếp cận tài chính cho doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ

Lễ ký kết hợp đồng tín dụng giữa IFC và SeABank

          Tài trợ khí hậu là một lĩnh vực mới ở Việt Nam với cơ hội đầu tư khí hậu trị giá hàng trăm tỷ USD trong giai đoạn 2016-2030, khi quốc gia đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. IFC sẽ hỗ trợ SeABank đóng góp vào việc hiện thực hóa mục tiêu này với 30 triệu USD phân bổ cho các dự án thân thiện với môi trường. Hỗ trợ của IFC dự kiến sẽ giúp SeABank xây dựng danh mục tài chính khí hậu trị giá 60 triệu USD vào năm 2024.

          Bà Lê Thu Thủy, Tổng giám đốc SeABank cho biết: “Khoản tài trợ dài hạn và tư vấn kỹ thuật của IFC sẽ cho phép SeABank tập trung vào hai phân khúc chiến lược là DNVVN do phụ nữ làm chủ và tài trợ khí hậu. Đồng thời định vị SeABank trở thành ngân hàng được lựa chọn của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và các dự án thân thiện với môi trường trong những năm tới. Trước tình hình đại dịch, khoản đầu tư kịp thời của IFC cũng cho phép chúng tôi mở rộng hỗ trợ cho nhiều doanh nghiệp hơn vào thời điểm quan trọng này, đồng thời cũng góp phần cho sự ổn định của thị trường tài chính Việt Nam nói chung.”

          Đẩy mạnh tài trợ khí hậu

          Cùng với gói hỗ trợ tài chính, IFC cũng sẽ triển khai chương trình tư vấn giúp SeABank phát triển danh mục cho vay đối với doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, đẩy mạnh tài trợ khí hậu và nâng cao năng lực quản lý các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị trong hoạt động của ngân hàng. IFC sẽ tư vấn cho SeABank xây dựng chiến lược ngân hàng dành cho phụ nữ để giúp thu hẹp mức thiếu hụt tài chính 4,9 tỷ USD của các DNVVN do phụ nữ làm chủ, chiếm hơn 20% tổng thiếu hụt tài chính của DNVVN tại Việt Nam. Ngân hàng sẽ tài trợ nhiều hơn cho các công trình xanh và các dự án sử dụng tài nguyên hiệu quả để giúp giảm phát thải khí nhà kính. Việc thiết lập một hệ thống đồng bộ quản lý các rủi ro về môi trường, xã hội và quản trị phù hợp với những yêu cầu của IFC sẽ tăng cường năng lực đánh giá, quản trị rủi ro môi trường, xã hội, hỗ trợ cho sự phát triển bền vững của SeABank cũng như giúp mở rộng danh mục tài trợ dự án xanh.

Mở rộng tiếp cận tài chính cho doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ

Khách hàng giao dịch tại SeABank

          Theo ông Kyle Kelhofer, Giám đốc Quốc gia của IFC tại Việt Nam, Campuchia và Lào: “Quan hệ đối tác mới của IFC với SeABank khẳng định lại cam kết của IFC đối với sự phát triển vững mạnh hơn của ngành tài chính Việt Nam. Khoản đầu tư này thể hiện sự tin tưởng của chúng tôi vào SeABank và định hướng chiến lược của ngân hàng trong việc gia tăng tài trợ cho DNVVN cùng các dự án thân thiện với môi trường, thúc đẩy tăng trưởng xanh, bao trùm. Đồng thời góp phần hỗ trợ Việt Nam phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa sau đại dịch Covid-19”.

          Bên cạnh đó, hạn mức tài trợ thương mại trị giá 20 triệu USD của IFC trong khuôn khổ Chương trình Tài trợ thương mại toàn cầu (GTFP) sẽ tăng cường năng lực tài trợ của SeABank cho các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu để giảm thiểu gián đoạn thương mại trước đại dịch hiện nay. Việc tham gia GTFP sẽ cho phép SeABank gia nhập mạng lưới hơn 500 ngân hàng đối tác tại gần 100 thị trường mới nổi.

          Mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành văn bản chấp thuận cho SeABank tăng vốn tối đa thêm hơn 2.697 tỷ đồng, đưa tổng vốn điều lệ của ngân hàng lên gần 14.785 tỷ đồng. Theo đó, SeABank chính thức được chấp thuận tăng vốn điều lệ tối đa thông qua hình thức: Phát hành cổ phiếu để chi trả cổ tức từ lợi nhuận để lại năm 2020 sau khi trích lập các quỹ; phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và phát hành cổ phiếu ưu đãi cho cán bộ, nhân viên đã được Đại hội cổ đông năm 2021 của ngân hàng thông qua.

Nguồn: quandoinhandan.vn