Skip to main content

Cần cách làm mới trong cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp

          Công tác cổ phần hóa (CPH), thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN) giai đoạn 2016 - 2020 được triển khai, thực hiện một cách thận trọng, công khai, minh bạch, không để xảy ra hậu quả đáng tiếc như giai đoạn trước nhưng lại chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra. Trong bối cảnh đó, nhiều kiến nghị về hoàn thiện cơ sở pháp lý cũng như cách làm mới đang được cơ quan chức năng đề xuất để quá trình CPH, thoái vốn đi vào thực chất hơn, góp phần hoàn tất nhiệm vụ sắp xếp lại DN nhà nước (DNNN).

Hầu hết doanh nghiệp sau cổ phần hóa có hiệu quả sản xuất, kinh doanh tăng lên. Trong ảnh: Phòng điều hành viễn thông của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel). Ảnh: TRẦN GIANG

          Mới qua nửa chặng đường

          Ðánh giá về kết quả cơ cấu lại DNNN thông qua CPH, thoái vốn nhà nước tại DN giai đoạn 2016 - 2020, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư (KH và ÐT) nhận định, đây là giai đoạn việc đổi mới, sắp xếp lại DNNN được đẩy mạnh và dần đi vào thực chất. Qua đó, số lượng DNNN được thu gọn, tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế; góp phần tăng thu ngân sách nhà nước để đáp ứng nhu cầu chi cho đầu tư phát triển; thu hút vốn từ xã hội cho đổi mới công nghệ, máy móc thiết bị hiện đại, đổi mới quản trị, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và tăng năng lực cạnh tranh của DNNN; cơ cấu lại các nguồn lực cho DN và xã hội để sử dụng hợp lý và có hiệu quả hơn. Theo đánh giá chung, hầu hết DN sau CPH có hiệu quả sản xuất, kinh doanh, nộp ngân sách và thu nhập của người lao động tăng lên. Vấn đề lao động dôi dư trong quá trình cơ cấu lại, CPH, thoái vốn nhà nước tại DN cũng cơ bản được thực hiện theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, một trong những hạn chế lớn nhất của quá trình sắp xếp, CPH DNNN là chậm tiến độ so với kế hoạch đã được phê duyệt và mới chỉ tập trung vào việc sắp xếp, thu gọn số lượng DN. Theo số liệu của Bộ KH và ÐT, lũy kế giai đoạn 2016 - 2020, có 180 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH với tổng giá trị DN gần 490 nghìn tỷ đồng, trong đó, giá trị vốn nhà nước gần 234 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, trong tổng số 180 DN hoàn thành CPH, chỉ có 39 DN thuộc danh mục CPH được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nghĩa là nhiệm vụ CPH mới đạt khoảng 30% kế hoạch đề ra. Về thoái vốn nhà nước tại DN, theo kế hoạch, trong giai đoạn 2016-2020 phải thực hiện thoái vốn tại 348 DN với tổng giá trị vốn nhà nước theo sổ sách khoảng hơn 60 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên đến cuối năm 2020 chỉ triển khai thoái vốn được tại 106 DN với tổng giá trị thoái vốn gần 6.500 tỷ đồng, đạt 30% về số lượng và 11% tổng giá trị vốn phải thoái theo kế hoạch. Về cơ bản, tiến trình CPH, thoái vốn cho đến thời điểm này mới đi qua được nửa chặng đường.

Bước sang năm 2021, tiến độ CPH, thoái vốn cũng chưa thể tăng tốc. Ðại diện Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) cho biết, trong tháng 4, Cục đã nhận được báo cáo phê duyệt phương án CPH của hai DN thuộc Tổng công ty Lương thực Miền Bắc với tổng giá trị DN 202 tỷ đồng. Trước đó, trong quý I-2021, các đơn vị vẫn tiếp tục triển khai xác định giá trị DN để CPH theo quy định nhưng số lượng không nhiều. Trong đó, nổi bật là Tổng công ty Phát điện 2 phối hợp Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HoSE) tổ chức bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng với số lượng hơn 580 triệu cổ phần, mệnh giá 10 nghìn đồng/cổ phần, giá khởi điểm 24.520 đồng/cổ phần. Tuy nhiên chỉ có 262.500 cổ phần được giao dịch, tương đương 0,045% tổng số cổ phần bán ra. Khối lượng nhà đầu tư nước ngoài mua 210.500 cổ phần, tổng giá trị 6,4 tỷ đồng. Như vậy, theo số liệu được Bộ Tài chính cập nhật đến nay, cả nước còn 89 DN chưa hoàn thành kế hoạch CPH trong 5 năm vừa qua. Năm 2021, Chính phủ yêu cầu vẫn thực hiện theo Quyết định 908/QÐ-TTg về phê duyệt danh mục DN thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020 cho đến thời điểm Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt danh mục DN có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2021 - 2025. Vì vậy, các DN chưa hoàn thành sẽ tiếp tục triển khai nhiệm vụ CPH, thoái vốn. Trong đó, Hà Nội có 13 DN; TP Hồ Chí Minh có 38 DN; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN có sáu DN; Bộ Xây dựng có hai DN. Cục trưởng Tài chính DN Ðặng Quyết Tiến nhận định, đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề và là thách thức không nhỏ bởi số lượng DN phải CPH, thoái vốn vẫn còn rất nhiều. Hơn nữa, trong số này có những DN quy mô lớn, hoạt động đa lĩnh vực, diện tích trải dài ở nhiều địa phương khiến thủ tục xác định giá trị DN khá phức tạp như Tổng công ty Viễn thông (MobiFone), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT),…

          Hoàn thiện cơ chế, chính sách

          Theo yêu cầu mới, đến năm 2025, các đơn vị chức năng phải cơ bản hoàn tất việc sắp xếp lại khối DNNN; xử lý cơ bản xong những yếu kém, thất thoát của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; nâng cao hiệu quả của DNNN sau CPH, hình thành đội ngũ quản lý DNNN chuyên nghiệp, có trình độ cao. Ðể triển khai nhiệm vụ này, Bộ Tài chính đang hoàn tất dự thảo đề án cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, tiếp tục xác định CPH, thoái vốn là hình thức chủ yếu để thực hiện mục tiêu cơ cấu lại nhằm củng cố vai trò then chốt của DNNN trong nền kinh tế. Cục trưởng Ðặng Quyết Tiến nhấn mạnh: Việc cơ cấu lại, CPH và thoái vốn DN trong giai đoạn tới sẽ cần phải có những cách làm mới, biện pháp mới. Ðó là phân loại DNNN để thúc đẩy cải cách; chia DNNN thành hai loại hình lớn là thương mại và công ích; xây dựng danh mục các ngành nghề mà Nhà nước giữ vốn, thoái vốn để các địa phương lựa chọn những DN cần giữ lại. Ðồng thời rà soát, đánh giá hiệu quả của phương án CPH, thoái vốn với phương án phá sản, bán toàn bộ DN để từ đó lựa chọn phương án phù hợp, đem lại hiệu quả cao, tiết kiệm chi phí. Ðồng thời đề xuất thí điểm triển khai mô hình chuyển đổi một số tập đoàn, tổng công ty do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ sang hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần do các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước chi phối. Sau đó, DN sẽ niêm yết trên thị trường chứng khoán và thực hiện thoái vốn/huy động vốn qua sàn. Một điểm đáng lưu ý, Bộ Tài chính cũng kiến nghị Chính phủ sớm ban hành tiêu chí về phân loại DNNN, DN có vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại và thoái vốn và có văn bản chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh CPH, thoái vốn trên tinh thần nhấn mạnh trách nhiệm của người đứng đầu.

          Ðể nâng cao hiệu quả CPH, thoái vốn nhà nước tại DN, sự vào cuộc của cơ quan kiểm toán trong việc xác định giá trị DNNN trước khi CPH là rất cần thiết, tránh thất thoát tài sản và nguồn lực của đất nước. Kiểm toán Nhà nước (KTNN) cho biết, từ năm 2017 đến nay, đơn vị đã kiểm toán kết quả tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị DN CPH của 16 DN và xác định giá trị thực tế vốn nhà nước theo phương pháp tài sản tăng hơn 15 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, KTNN đã kiểm toán, quyết toán giá trị phần vốn nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần tại 45 DN và xác định tăng giá trị thực tế vốn nhà nước hơn 1.500 tỷ đồng. Từ thực tiễn này, KTNN đề xuất nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả công tác CPH DNNN. Trước hết, cần ưu tiên hoàn thiện pháp luật về đất đai, nhất là quy định chặt chẽ, siết chặt việc quản lý các loại đất, phát huy hiệu quả sử dụng đất. Các DN trước khi CPH phải được kiểm toán giá trị DN và phải được KTNN kiểm tra; báo cáo kiểm toán do công ty kiểm toán độc lập thực hiện khi thực hiện kiểm toán giá trị DN, bắt buộc phải áp dụng các phương pháp tài sản và phương pháp khác để lấy được giá trị cao nhất,…

          Bộ Tài chính cho biết, về cơ bản, việc CPH, thoái vốn nhà nước tại DN đã có đủ cơ sở pháp lý để thực hiện. Nghị định số 140/2020/NÐ-CP của Chính phủ ban hành cuối năm 2020 đã sửa đổi những vướng mắc trong ba nghị định liên quan CPH, thoái vốn gồm: Nghị định số 91/2015/NÐ-CP, Nghị định số 126/2017/NÐ-CP và Nghị định số 32/2018/NÐ-CP. Ðồng thời bổ sung nhiều điểm mới nhằm tháo nút thắt liên quan phương án sử dụng đất của DN, xử lý tài chính tại thời điểm xác định giá trị DN và thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần, xác định giá trị DN, các quy định về công bố thông tin,… Theo chuyên gia kinh tế Vũ Ðình Ánh, nguyên nhân quan trọng khiến tiến trình CPH thời gian qua chậm trễ là do thủ tục xác định giá trị đất đai mất nhiều thời gian. Có một số DN CPH chỉ vì đất, trong đó có những mảnh ở vị trí đắc địa, có giá trị cao là "đất vàng", "đất kim cương". Nhiều sai phạm gây thất thoát tài sản nhà nước cũng xuất phát từ khâu xác định giá trị đất khi CPH trong quá khứ khiến công tác này không thể xem nhẹ. Vì thế Nghị định số 140/2020/NÐ-CP với những quy định mới và rõ ràng, cụ thể về nhiều vấn đề liên quan quá trình CPH, thoái vốn sẽ có tác dụng thúc đẩy tiến trình này nhanh hơn, hiệu quả hơn.

Năm 2021, dự kiến số thu từ CPH, thoái vốn nộp vào ngân sách nhà nước là 40 nghìn tỷ đồng. Lũy kế bốn tháng đầu năm, các DN đã thoái vốn với giá trị 286,6 tỷ đồng, thu về 2.165 tỷ đồng. Trong đó, đã thoái vốn tại ba đơn vị theo Quyết định số 908/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với giá trị 52,5 tỷ đồng, thu về 84,1 tỷ đồng; thoái vốn tại chín DN thuộc Tập đoàn Cao-su Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Viettel, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, VNPT, Tổng công ty Thái Sơn với tổng giá trị hơn 234 tỷ đồng, thu về hơn 2.081 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Tổng công ty Ðầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước đã tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu của ba DN của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với tổng giá trị phần vốn nhà nước chuyển giao 218 tỷ đồng. Cùng trong thời gian này, số thu từ CPH, thoái vốn nộp về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp DN là 193 tỷ đồng.

(Nguồn: Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính)

 

Nguồn: Nhandan.vn