Skip to main content

Gỡ vướng các dự án trọng điểm của doanh nghiệp nhà nước

          Sau hơn một năm đi vào hoạt động, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) đã giải quyết được khối lượng công việc khá lớn trong điều kiện nguồn nhân lực, cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế và cơ bản thực hiện có kết quả nhiệm vụ được giao. Trong đó, chuyển biến rất quan trọng là mô hình quản lý vốn nhà nước tập trung bắt đầu được triển khai nhằm tách bạch chức năng quản lý vốn và quản lý hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN).

Gỡ vướng các dự án trọng điểm của doanh nghiệp nhà nước

Trung tâm điều hành MobiFone.

          Trong năm đầu tiên được bàn giao từ các bộ chủ quản về Ủy ban, tất cả 19 tập đoàn, tổng công ty đều không hoàn thành kế hoạch về đầu tư phát triển được phê duyệt, tỷ lệ giải ngân kế hoạch đầu tư công ở mức thấp. Các đơn vị đạt giá trị đầu tư cao cũng chỉ ở mức hơn 90% kế hoạch như Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex). Ðáng lo ngại, hầu hết các dự án đầu tư lớn đều chậm tiến độ nhưng việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan rất chậm, đặc biệt là hàng loạt dự án trọng điểm của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) như dự án khí Lô B, Cá voi xanh, Nhiệt điện Thái Bình 2, Nhiệt điện Long Phú 1,… Trong đó, Nhiệt điện Long Phú 1 chưa có ý kiến của cơ quan có thẩm quyền về phương án triển khai tiếp theo; Nhiệt điện Thái Bình 2 chưa có chủ trương về tiếp tục giải ngân vốn chủ sở hữu.

          Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Hồ Sỹ Hùng, quy định hiện hành về thủ tục đầu tư yêu cầu thực hiện ba bước: Xin chủ trương đầu tư; lập báo cáo tiền khả thi; lập báo cáo khả thi. Nếu “gom” các bước lại, cụ thể là cho phép dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư thực hiện đồng thời với phê duyệt báo cáo tiền khả thi; cho phép dự án đầu tư đã nằm trong quy hoạch được Chính phủ phê duyệt không cần qua bước phê duyệt chủ trương đầu tư sẽ giảm được đáng kể thời gian cho DN. Những nguyên nhân khác làm chậm tiến độ đầu tư của DN còn do quy định không rõ ràng về thủ tục đầu tư và thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án thực hiện trên địa bàn nhiều địa phương. Từ thực tế này, năm 2020, Ủy ban sẽ tập trung rà soát, kiến nghị cấp có thẩm quyền hướng dẫn hoặc xem xét sửa đổi, bổ sung những quy định của pháp luật còn chưa đầy đủ, rõ ràng, thống nhất và chưa hợp lý liên quan đến tổ chức, hoạt động sản xuất, kinh doanh, tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn của các tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu. Ðồng thời, tiếp tục tập trung hoàn thiện bộ máy tổ chức để bảo đảm thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ được Chính phủ giao. Sau hơn một năm đi vào hoạt động, khó khăn lớn nhất của Ủy ban là công tác cán bộ. Theo cơ chế hiện nay, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ rất lớn, gắn với bảo toàn, phát triển vốn, tài sản nhà nước, tuy nhiên đãi ngộ không có gì đặc biệt, dẫn tới khó thu hút nguồn nhân lực có năng lực, trình độ bắt kịp yêu cầu và tính chất quản lý vốn nhà nước tại DN theo cơ chế thị trường. Ủy ban đang kiến nghị Chính phủ năm 2020 bổ sung đủ biên chế 150 người, áp dụng cơ chế đặc thù tuyển dụng cán bộ có trình độ và kinh nghiệm về làm việc. Công tác cán bộ cấp lãnh đạo quản lý các tập đoàn, tổng công ty hiện nay cũng có nhiều bất cập. Một số DN chưa bảo đảm đủ số lượng cán bộ lãnh đạo quản lý theo quy định, hiện có bốn DN lớn đang khuyết chức danh chủ tịch, tổng giám đốc trong khi một số DN khác có tình trạng cán bộ lãnh đạo chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

          Hiện nay, một trong những nội dung được đặc biệt quan tâm là kết quả sản xuất, kinh doanh của 19 tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu nhà nước, bởi khối tài sản các DN này đang nắm giữ lên tới hơn 2 triệu tỷ đồng. Phó Chủ tịch Hồ Sỹ Hùng cho hay, năm 2019, phần lớn các tập đoàn, tổng công ty đều hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh và các chỉ tiêu do Ủy ban giao; doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách, thu nhập bình quân của người lao động tăng lên, vốn nhà nước đầu tư vào DN được bảo toàn và phát triển. Cụ thể, tổng doanh thu hợp nhất của 19 tập đoàn, tổng công ty đạt hơn 1,47 triệu tỷ đồng, tăng 6,4% so năm 2018. Có 16 tập đoàn, tổng công ty có lãi với lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt hơn 99,8 nghìn tỷ đồng, tăng 28% kế hoạch năm; tổng nộp ngân sách hợp nhất của 18 tập đoàn, tổng công ty đạt hơn 221 nghìn tỷ đồng, tăng 17,6% so với năm 2018. Các tập đoàn, tổng công ty này đóng góp hơn 2,2 tỷ USD vào tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Về cơ bản, các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực then chốt của nền kinh tế như viễn thông, điện, than, dầu khí, hàng không,… đã thể hiện được vai trò góp phần bảo đảm một số cân đối lớn của nền kinh tế. Ðồng thời, đóng góp lớn trong xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, là công cụ quan trọng để thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, đối phó những biến động thị trường, kiềm chế lạm phát, thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và các chính sách an sinh xã hội. Quản trị DN có bước đổi mới, hầu hết tập đoàn, tổng công ty đã thiết lập tương đối đầy đủ hệ thống quản trị, kiểm tra, kiểm soát nội bộ, quy trình sản xuất, kinh doanh, đầu tư để làm cơ sở cho quản lý và điều hành DN.

          Nhấn mạnh đến vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng trong năm chuyển đổi số quốc gia 2020, các DN, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước phải đi đầu về chuyển đổi số nhằm thay đổi cách quản trị và mô hình kinh doanh. Hiện nay, một số DN thuộc Ủy ban như VNPT, MobiFone đang là những DN tạo hạ tầng, nền tảng số để phục vụ chuyển đổi số quốc gia. Do đó, Ủy ban cần sớm hoàn thiện bộ máy lãnh đạo của hai DN này trong quý I này để làm tốt nhiệm vụ thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. Bên cạnh đó, cần có cơ chế để doanh nghiệp nhà nước lập quỹ đầu tư đổi mới sáng tạo, cho phép DN đầu tư vào các start-up dự án công nghệ mới.

Nguồn: nhandan.com.vn