Skip to main content

Doanh nghiệp kỳ vọng vào sự hồi phục kinh tế

          Dù dịch bệnh làm sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn nhưng các doanh nghiệp FDI vẫn tin tưởng vào triển vọng kinh tế Việt Nam.

Ông XieFei, Giám đốc Công ty TNHH AAC Technologies Việt Nam: Sau khi trừ các chi phí, chúng tôi vẫn có lãi

          Có thể thấy rõ điều này khi nhìn vào lượng vốn FDI vào Việt Nam từ đầu năm đến nay. Tính đến ngày 20/9/2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt 22,15 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2020.

          Đối với các doanh nghiệp đang đầu tư tại Việt Nam, dù khó khăn trong những tháng qua do bị ngưng trệ sản xuất để phòng chống dịch, nhưng khối doanh nghiệp FDI vẫn phát huy năng suất lớn. Điều này thể hiện trong bức tranh thương mại 9 tháng của khối FDI. Tổng cục Thống kê ghi nhận, tổng trị giá xuất khẩu của doanh nghiệp FDI trong 9 tháng năm 2021 đạt 177,8 tỷ USD, tăng 22,8%, chiếm 73,9% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

          Ông Yoshinaga Kazuyoshi, Tổng Giám đốc Công ty Goertek Vina (Goertek Việt Nam), Phó Chủ tịch Tập đoàn Goertek cho biết: “Mặc dù dịch bệnh bùng phát rất phức tạp, nhất là trong tháng 5, tháng 6, nhưng với sự hỗ trợ, giúp đỡ của Chính phủ Việt Nam và tỉnh Bắc Ninh nên đến cuối tháng 6, đầu tháng 7, tình hình đã được kiểm soát và Công ty Goertek Vina cơ bản khôi phục lại được sản xuất. Tính đến thời điểm hiện tại, Goertek Vina đã hoàn thành được các mục tiêu đề ra cho 6 tháng đầu năm và đang cố gắng để hoàn thành tốt các mục tiêu của 6 tháng cuối năm 2021. Ngoài ra Công ty cũng nhận được khá nhiều yêu cầu tăng đơn hàng của các đối tác”.

          Ông XieFei-Giám đốc Công ty TNHH AAC Technologies Việt Nam (địa chỉ ở KCN Quế Võ, phường Vân Dương, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) cho rằng, trong thời gian dịch bệnh, các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ Việt Nam có thể coi là có hiệu quả trong việc khoanh vùng và khống chế dịch bệnh. Khi dịch bệnh được khoanh vùng, Chính phủ và chính quyền các địa phương đã có nhiều nỗ lực, tháo gỡ khó khăn, đồng hành, tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp duy trì hoạt động, tránh đứt gãy chuỗi sản xuất, đồng thời giúp ổn định tinh thần của người lao động, đưa ra nhiều phương án hữu ích. Các doanh nghiệp vừa hoạt động, vừa bảo đảm công tác phòng chống dịch.

          “Chúng tôi kỳ vọng vào sự khôi phục và phát triển kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam sau dịch bệnh. Chính phủ Việt Nam đã hiểu sinh mệnh của doanh nghiệp nằm ở việc duy trì dây chuyền sản xuất cũng như chuỗi cung ứng, thì việc dừng sản xuất là điều mà không doanh nghiệp nào mong muốn. Vì thế, chúng tôi tin rằng, với các chính sách hỗ trợ, đơn giản hóa thủ tục hành chính của chính quyền sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam hồi phục nhanh chóng trong thời gian sớm nhất”, ông XieFei nói.

Khoản đầu tư thêm 132 triệu USD nhằm tăng gấp đôi công suất chế biến các dòng cà phê chất lượng cao tại nhà máy Nestlé Trị An. Ảnh: VGP/Minh Thi

          Cùng nhận định trên, Tổng Giám đốc Goertek Vina, ông Yoshinaga Kazuyoshi bày tỏ, so với các quốc gia khác trong khu vực, kế hoạch và dự báo kinh tế của Việt Nam năm 2021 vẫn rất triển vọng và lạc quan.

          “Thời gian qua, Việt Nam đã rất tích cực trong việc cải cách hành chính, xây dựng những chính sách, cơ chế thông thoáng hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Sự hoàn thiện để tiến tới đồng bộ về giao thông vận tải, về logistic của Việt Nam đang cho thấy nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc hoàn thiện môi trường kinh doanh. Về công tác phòng dịch, tôi đánh giá cao sự linh hoạt, sáng tạo của Chính phủ Việt Nam khi chuyển từ 'không có COVID' sang thích ứng an toàn, để thúc đẩy phát triển kinh tế”, ông Yoshinaga Kazuyoshi nói.

          Việt Nam là quốc gia có môi trường đầu tư lý tưởng, nhiều chính sách ưu đãi, các thủ tục hành chính luôn tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cộng với lực lượng lao động trẻ, dồi dào, sự kết nối hài hòa giữa cơ quan công quyền và doanh nghiệp… đã khiến nhiều doanh nghiệp nước ngoài tìm đến Việt Nam để hợp tác sản xuất và kinh doanh.

          Công ty Nestlé Việt Nam vừa công bố đầu tư thêm 132 triệu USD nhằm tăng gấp đôi công suất chế biến các dòng cà phê chất lượng cao tại nhà máy Nestlé Trị An, tỉnh Đồng Nai. Khoản đầu tư này đã nâng tổng giá trị đầu tư nước ngoài của Công ty TNHH Nestlé Việt Nam lên gần 730 triệu USD.

          “Quyết định tăng vốn đầu tư và nâng công suất chế biến là một minh chứng cho cam kết đầu tư lâu dài của Công ty tại thị trường Việt Nam”, ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc Công ty Nestlé Việt Nam, chia sẻ.

          Nestlé Việt Nam bày tỏ tin tưởng vào tương lai của Việt Nam với vai trò là trung tâm sản xuất toàn cầu và khu vực và Công ty vẫn tiếp tục mở rộng các hoạt động đầu tư bền vững tại Việt Nam. “Nestlé Việt Nam tin tưởng vào quyết tâm phòng chống dịch bệnh của Chính phủ Việt Nam cũng như việc điều chỉnh các biện pháp phòng, chống, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế - xã hội”, ông Binu Jacob khẳng định.

          Trước đó, ngày 27/9, tại cuộc tọa đàm Tọa đàm “COVID-19 và FDI: Tác động và triển vọng” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, lãnh đạo các bộ, ngành, lãnh đạo các địa phương có thế mạnh thu hút đầu tư FDI và đại diện các doanh nghiệp nước ngoài lớn đang đầu tư kinh doanh hiệu quả tại Việt Nam, đều bày tỏ tin tưởng về khả năng phục hồi phát triển kinh tế-xã hội mạnh mẽ của Việt Nam thời gian tới. Đồng thời, khẳng định Việt Nam vẫn sẽ là điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn và tiềm năng đối với các nhà đầu tư.

Nguồn: canhtranhquocgia.vn