Skip to main content

Đảm bảo chất lượng bữa ăn ca cho người lao động

          Bữa ăn ca của công nhân, lao động có vai trò đặc biệt trong việc đảm bảo sức khỏe, tái tạo sức lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động, hiệu quả công việc. Vì vậy, việc đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) trong các bữa ăn ca luôn được các cấp, ngành chức năng trên địa bàn đặc biệt quan tâm.

          Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh hiện có khoảng 20 bếp ăn tập thể tại các doanh nghiệp với hơn 1.000 suất ăn/ngày. Bà Bế Thị Hòa, Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 7c ngày 25/2/2016 của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam (Khóa XI) về “Chất lượng bữa ăn ca của người lao động”, chúng tôi thường xuyên chỉ đạo các công đoàn cơ sở tổ chức tuyên truyền lồng ghép trong các buổi họp, sinh hoạt định kỳ để nâng cao ý thức của đơn vị sử dụng lao động trong việc chăm lo đời sống người lao động, trong đó đặc biệt quan tâm đến tổ chức ăn ca, bảo vệ sức khỏe CNLĐ. Từ đầu năm 2019 đến nay, các cấp công đoàn cơ sơ doanh nghiệp đã tuyên truyền lồng ghép được hơn 90 cuộc với hơn 4.000 CNLĐ tham gia.

dn

Chế biến thức ăn tại bếp ăn tập thể Công ty Điện lực Lạng Sơn

          Nhằm đảm bảo ATTP trong các bữa ăn ca, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh đã phối hợp với các ngành liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát các bếp ăn tập thể và các cơ sở sản xuất, cung ứng thực phẩm, suất ăn cho các bếp ăn tập thể; thực hiện lấy mẫu thực phẩm để xét nghiệm các chỉ tiêu ATTP; tổ chức cho các doanh nghiệp trên địa bàn ký cam kết đảm bảo ATVSTP trong các bữa ăn của công nhân; đảm bảo 100% đơn vị cung cấp các suất ăn ca đều phải có chứng nhận ATVSTP. Ông Phạm Công Anh, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh cho biết: Chúng tôi đã và đang phối hợp rà soát quy mô của các bếp ăn tập thể ở các doanh nghiệp để phân cấp quản lý nhằm góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về ATVSTP trong bữa ăn ca của người lao động. Bước đầu nhận thấy việc tổ chức nấu ăn của phần lớn doanh nghiệp trên địa bàn được thực hiện ngay tại bếp ăn của đơn vị; thực phẩm cung ứng cho mỗi bữa ăn đều có hợp đồng, giấy chứng nhận an toàn; thực đơn được xây dựng theo mùa, cân đối về dinh dưỡng, phù hợp với tính chất công việc.

          Đặc biệt, để người lao động yên tâm với chất lượng bữa ăn, công đoàn cơ sở các doanh nghiệp thường xuyên phối hợp với nhân viên y tế và CNLĐ thực hiện kiểm tra, giám sát các quy trình nhập thực phẩm, chế biến thức ăn. Công ty Than Na Dương (huyện Lộc Bình) là đơn vị có tổ chức ăn ca cho công nhân với số lượng lớn. Ông Nguyễn Văn Sinh, Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Công ty Than Na Dương cho biết: Công ty có 3 bếp ăn tập thể với công suất hơn 510 suất ăn/ngày. Vì liên quan trực tiếp đến sức khỏe CNLĐ nên ban giám đốc và công đoàn công ty thường xuyên phối hợp kiểm tra, nhắc nhở đảm bảo ATVSTP tại các bếp ăn về trang thiết bị, dụng cụ đựng thực phẩm nguyên liệu, phụ gia… và đảm bảo định mức 20 nghìn đồng/suất.

          Với phương châm “Người lao động là tài sản quý giá của doanh nghiệp”, Công ty TNHH Thành Long (thành phố Lạng Sơn) luôn quan tâm tới bữa ăn ca của người lao động. Qua việc chuẩn bị chu đáo mỗi bữa ăn cho người lao động nhằm tạo dựng niềm tin, giúp người lao động thêm gắn bó với doanh nghiệp.

          Ông Mã Văn Khiển, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Thành Long cho biết: Mỗi ngày, bếp ăn của công ty phục vụ hơn 70 suất ăn ca. Để tổ chức ăn ca cho người lao động, công ty đã ký hợp đồng với 2 nhân viên cấp dưỡng phụ trách nguyên liệu, chế biến. Đồng thời thường xuyên phối hợp kiểm tra, giám sát đảm bảo ATVSTP và dinh dưỡng với mức 20 nghìn đồng/suất.

          Chất lượng bữa ăn ca của CNLĐ ngày càng được nâng cao, đảm bảo ở mức 15 đến 20 nghìn đồng/suất. Những năm qua, trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra ngộ độc thực phẩm hay mất ATVSTP liên quan đến bếp ăn tập thể của doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn tình trạng, tại một số doanh nghiệp, nguồn thực phẩm cung cấp cho bếp ăn tập thể rất đa dạng, khó kiểm soát triệt để; trách nhiệm bảo đảm ATVSTP của một số chủ doanh nghiệp chưa cao…

          Để khắc phục những hạn chế trên, thời gian tới, các ngành chức năng tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về ATVSTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm tại bữa ăn tập thể cho CNLĐ, chủ sử dụng lao động; tăng cường thanh tra, kiểm tra bếp ăn tập thể nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về ATVSTP trong bữa ăn ca của CNLĐ.

Nguồn: baolangson.vn